Nhiều khách hàng gặp khó trong việc cập nhật dữ liệu sinh trắc học. Ảnh: MoMo. |
Ngày đầu tiên (1/7) áp dụng quy định bắt buộc xác thực sinh trắc học cho một số giao dịch chuyển tiền online của ngân hàng, nhiều người cho biết không thể tiến hành xác thực online qua điện thoại dù đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ. Khách hàng sau đó phải ra quầy giao dịch ngân hàng để cập nhật dữ liệu, có trường hợp đã tới quầy giao dịch nhưng vẫn chưa thể cập nhật dữ liệu sinh trắc học.
Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, ngày 1/7, cũng là ngày đầu tiên Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực, tại Chi nhánh VPBank Lê Văn Lương (Hà Nội), nhân viên ngân hàng cho biết trong buổi sáng rất động khách hàng tới để cập nhật dữ liệu sinh trắc học trực tiếp tại quầy. Trong số khách tới cập nhật dữ liệu này có cả những người có căn cước công dân (CCCD) gắn chip và điện thoại hỗ trợ kết nối NFC (kết nối không dây).
Vướng mắc chủ yếu các khách hàng gặp phải là một số dòng điện thoại đời cũ không đọc được thông tin chip trên CCCD qua NFC, cũng như thông tin của khách hàng trên hệ thống tại thời điểm mở tài khoản khác với thông tin trên CCCD gắn chip hiện tại.
Chủ động cập nhật thông tin sinh trắc học
Không có giao dịch phát sinh giao dịch giá trị lớn trong ngày 1/7 nhưng chị Hoàng Cẩm Thơ (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chủ động tới quầy giao dịch của VPBank để cập nhật dữ lliệu sinh trắc học.
“Tôi đã tự thực hiện tại nhà nhưng không thành công. Lý do là bởi khi mở tài khoản ngân hàng tôi sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) 11 số. Hiện làm lại CCCD gắn chip nhưng dữ liệu ngân hàng chưa cập nhật. Vì thế tôi phải ra quầy ngân hàng để nhân viên hỗ trợ làm sớm trước khi phát sinh các giao dịch giá trị lớn”.
Một số lỗi cập nhật dữ liệu sinh trắc học tới từ CCCD và CMND của khách hàng. Ảnh: Hồng Nhung. |
Chị Thơ đánh giá việc cập nhật dữ liệu sinh trắc học trong trường hợp của chị tại VPBank rất đơn giản. Nhân viên ngân hàng chủ động xử lý trên điện thoại giúp chị, chỉ tốn khoảng 10 phút là đã cập nhật xong để ra về.
“Buổi chiều lượng khách có nhu cầu cập nhật thông tin sinh trắc học đã giảm nên chúng tôi hỗ trợ thủ tục rất nhanh. Còn phiên sáng số lượng khách đông, kín cả phòng giao dịch nên có trường hợp khách phải chờ đợi, nhưng thời gian chờ không quá lâu”, nhân viên Chi nhánh VPBank Lê Văn Lương chia sẻ.
Ghi nhận tại phòng giao dịch Vietcombank Chi nhánh Nguyễn Chánh (Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) hay phòng giao dịch Agribank, VietinBank, GPBank, BIDV Chi nhánh Lê Văn Lương (Hà Nội) buổi chiều cũng chỉ còn lác đác vài khách hàng tới làm thủ tục cập nhật sinh trắc học.
Các nhân viên ngân hàng cho biết trong phiên sáng cũng ghi nhận nhiều khách hàng tới cập nhật dữ liệu sinh trắc học nhưng không xảy ra tình trạng quá tải.
Còn nhiều khó khăn
Cũng trong sáng 1/7, chị Hồng Miên (46 tuổi, Ninh Thuận) cho biết khi truy cập vào ứng dụng Agribank để thực hiện giao dịch nhưng nhận được yêu cầu phải xác thực sinh trắc học nên không thực hiện giao dịch được.
Do có công việc cần chuyển tiền nên đến chiều khoảng 15h chị ra Agribank Chi nhánh Ninh Hải (Ninh Thuận) để nhờ nhân viên hỗ trợ.
Tại quầy, chị cùng nhân viên ngân hàng mất cả tiếng đồng hồ để thực hiện xác thực sinh trắc học nhưng vẫn chưa thể đăng ký thành công. Trong lúc này tại ngân hàng cũng có cả chục khách hàng rơi vào tình trạng tương tự.
Khi thực hiện đăng ký sinh trắc học, ứng dụng luôn trong tình trạng "loading", đến bước cuối cùng thì lại hết thời gian thực hiện. Sau hơn 1 giờ đồng hồ thực hiện, chị Hồng Miên quyết định tạm thời chưa đăng ký dữ liệu sinh trắc học theo yêu cầu.
"Cứ nghĩ giao dịch trên 10 triệu đồng/lượt mới yêu cầu sinh trắc học, nhưng khi tôi giao dịch 1 triệu đồng ngân hàng cũng yêu cầu. Giờ tôi đành phải ra ATM rút toàn bộ tiền mặt để sử dụng", chị Miên nói.
Một vài khách hàng của VIB, Eximbank cũng đưa phản ánh gặp khó khăn khi hệ thống app online gặp quá tải không cho cập nhật dữ liệu sinh trắc học; quét được khuôn mặt thì hệ thống báo lỗi.
Các nhà băng cho biết trong 1-2 ngày đầu tiên việc cập nhật dữ liệu sinh trắc học có thể quá tải nhưng sẽ sớm trở lại bình thường. Ảnh: Hồng Nhung. |
Về phía các ngân hàng, không chỉ tại các quầy giao dịch mà tư vấn viên tổng đài 24/7 cũng đang phải hoạt động hết công suất trong những ngày qua khi khách hàng liên tục yêu cầu hỗ trợ và giải đáp thông tin liên quan tới việc cập nhật dữ liệu sinh trắc học.
"Trong vài ngày đầu số lượng người cập nhật sinh trắc học tăng đột biến dẫn tới hệ thống gặp biến động. Nhưng chắc chắn sẽ sớm ổn định lại. Việc xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền giá trị lớn là cần thiết để hạn chế tình trạng tài khoản không chính chủ, lừa đảo, gian lận. Vì thế khách hàng nên chủ động cập nhật để đảm bảo quyền lợi của bản thân", đại diện Vietcombank thông tin.
Theo Quyết định 2345 của NHNN, từ ngày 1/7, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay.
Cụ thể, nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.
Tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học (dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng).
Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.
Trường hợp khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.