Dữ liệu về thị trường bất động sản trong 2 tháng đầu năm của chuyên trang Batdongsan ghi nhận giá rao bán trung bình nhà mặt phố tại Hà Nội hiện ở mức 22,8 tỷ đồng/căn. Trong khi đó, biệt thự có giá rao bình quân 17,8 tỷ đồng/căn, nhà riêng khoảng 6,3 tỷ đồng/căn và chung cư khoảng 3,1 tỷ đồng/căn.
Ước tính thu nhập bình quân của người lao động Hà Nội năm nay là 135 triệu đồng, chuyên trang này cho rằng người dân Thủ đô cần làm việc trong 169 năm để sở hữu một căn nhà mặt phố, với giả thiết dùng toàn bộ thu nhập để mua nhà. Với nhà riêng, người dân cần 132 năm, trong khi với căn hộ chung cư cũng mất đến 23 năm.
Nguồn: Batdongsan. |
Tương tự, tại TP.HCM, người lao động cũng phải mất 169 năm để mua nhà mặt phố với giá rao bán trung bình là 25 tỷ đồng/căn.
Còn giá rao bán trung bình mỗi căn biệt thự, nhà riêng và chung cư cũng được ghi nhận lần lượt là 24 tỷ đồng, 7,9 tỷ đồng và 3,5 năm tỷ đồng. Với mức thu nhập bình quân của người lao động TP.HCM trong năm nay ước khoảng 148 triệu đồng, người dân phải mất tương ứng 162 năm, 53 năm và 24 năm để sở hữu ba loại hình nhà ở trên.
Dù số năm tích lũy để mua chung cư tại hai thành phố này thấp hơn nhiều so với các loại hình khác nhưng đây vẫn là con số lớn. Đơn cử, giá căn hộ sơ cấp tại Singapore năm 2020 chỉ tương đương 15,4 năm thu nhập bình quân hộ gia đình, hay mức giá tại Tokyo năm 2019 chỉ bằng 8,8 năm thu nhập, theo dữ liệu từ Statista.
"Việc mua nhà ở các đô thị lớn tại Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn, do đó người dân cần có kế hoạch tích lũy, gia tăng thu nhập để sớm mua được nhà thay vì chờ đợi giá giảm sâu", ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan nhận định.
Thực tế, báo cáo của đơn vị này cho thấy Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về mức độ chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập bình quân của người lao động. Trong giai đoạn 2018-2021, tỷ lệ chênh lệch giá bất động sản với thu nhập bình quân của người Việt không ngừng tăng, vượt cả Singapore, trong khi chỉ số này ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều có dấu hiệu giảm.
Nguồn: Batdongsan. |
Trong một sự kiện mới đây, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng nhận định giá bất động sản Việt Nam đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân.
"Người Việt Nam trung bình cần ít nhất hơn 23 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ); cao hơn nhiều so với các nước Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm)...", ông dẫn chứng.
Thời gian tới, ông Quốc Anh dự báo giá bất động sản Việt Nam sẽ khó có xu hướng giảm và khoảng cách giữa giá nhà với thu nhập bình quân của người dân sẽ ngày càng tăng lên.
Dù vậy, đơn vị này vẫn lưu ý thu nhập thực tế của người dân có thể cao hơn con số thống kê, bởi nhiều người Việt không chỉ sống bằng lương. Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam (CSS) hồi đầu năm của chuyên trang đã phản ảnh 80% số người tham gia khảo sát đã sở hữu ít nhất một bất động sản, nhưng 66-87% trong số họ dự định mua thêm bất động sản thứ hai, thứ ba trong vòng một năm tới.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.