Nguồn cung căn hộ chung cư giá bình dân ngày càng khan hiếm. Ảnh: Thanh Vũ. |
“Tầm này ở nội thành Hà Nội tìm đâu ra chung cư mới giá 30 triệu đồng/m2”, đó là câu nói mà chị Tuyết Lan (50 tuổi, nhân viên văn phòng) thường xuyên nhận được trong quá trình tìm mua căn hộ.
Chị Lan đã bắt đầu chuỗi ngày tìm kiếm nơi ở mới vào tháng 9 năm ngoái. Từ chung cư mới cho đến cũ, thậm chí là nhà tập thể, chị Lan luôn cảm thấy lấn cấn vì các căn hộ mà chị xem đều “được mặt này mất mặt kia”. Đến hiện tại, gia đình chị vẫn phải đi thuê trọ. Ước mơ về việc sở hữu một căn hộ cũng vì vậy mà dang dở.
Hành trình mua nhà đầy chật vật
Hơn 1,8 tỷ đồng là tổng số tiền mà vợ chồng chị Lan dành dụm để mua nhà. Chị tính sẽ mua căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích khoảng 60 m2 ở khu vực quận Đống Đa để thuận tiện cho việc đi lại.
Tuy nhiên, tại khu vực nội thành Hà Nội này, chung cư mới đã hiếm, những căn hộ có giá khoảng 30 triệu đồng/m2 theo ý chị Lan lại càng khó kiếm hơn. Theo lời các môi giới, giá chung cư mới ở khu vực Đống Đa có thể lên tới 50-70 triệu đồng/m2, cao gấp đôi so với dự tính của chị.
Chị Lan đã thử tham khảo một số dự án tại quận Thanh Xuân, dẫu vậy, mức giá căn hộ tại các dự án vẫn lên tới 40 triệu đồng/m2 và nằm ngoài khả năng chi trả của gia đình.
Ngán ngẩm với chung cư mới, chị Lan tìm đến các căn hộ cũ với hy vọng mức giá sẽ giảm xuống. Thực tế, mức giá cũng không hề rẻ hơn. Thậm chí, chất lượng cơ sở vật chất còn xuống cấp.
Các vết nứt xuất hiện cả bên ngoài hành lang và bên trong căn hộ. Ảnh: NVCC. |
Nhân viên môi giới đã giới thiệu chị một căn hộ cũ tại phường Phương Mai, quận Đống Đa với giá 40 triệu đồng/m2. Khi đi xem tận nơi, chị cảm thấy bàng hoàng khi các vết nứt xuất hiện liên tục trên tường và sàn nhà.
Ngoài ra, môi giới viên cũng đưa chị đi xem một số căn hộ tại khu tập thể phường Kim Liên, Đống Đa. Giá nhà tại đây rẻ hơn, dao động 25-30 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, các căn hộ đều xuống cấp nặng nề, một số nơi còn có tuổi đời trên 20 năm.
Các mảng tường bị bong tróc, ẩm mốc là hình ảnh mà chị Lan thường xuyên bắt gặp tại những căn hộ thuộc khu tập thể này. Vì vậy, dù giá có rẻ nhưng tình trạng quá tồi tàn, chị cũng không thể xuống tiền để mua nhà tại đây.
Không thể tìm được căn hộ trong nội đô, chị Lan quyết định tìm đến các chung cư khu vực ngoại thành. Anland Lake View thuộc khu đô thị Dương Nội, Hà Đông, là dự án tiếp theo mà chị ngắm đến. Mức giá căn hộ tại đây dao động 30-35 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, chị cảm thấy khá ngần ngại vì chung cư này nằm xa trường học của con nhỏ.
“Con tôi học ở Đường Láng (quận Đống Đa), nếu mua nhà tại Dương Nội, mỗi ngày cháu phải đi học hơn 10 km. Đánh đổi như vậy thì không đáng chút nào”, chị Lan chia sẻ.
Hiện tại, chị cùng gia đình vẫn đi thuê nhà và công cuộc tìm mua căn hộ giá 30 triệu đồng/m2 vẫn tiếp tục diễn ra mà không biết bao giờ sẽ kết thúc.
Tình trạng xuống cấp tại các căn hộ tập thể khiến người mua nhà lo lắng. Ảnh: NVCC. |
Chị Lan không phải người dân duy nhất gặp khó khăn khi tìm mua căn hộ chung cư mới. Điều này xuất phát từ việc nguồn cung nhà ở giá bình dân tại Thủ đô ngày càng hạn chế.
Theo báo cáo từ Savills Việt Nam, nguồn cung nhà ở tại Hà Nội đạt mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Cụ thể, nguồn cung sơ cấp trong quý IV năm ngoái tại Hà Nội gồm 20.333 căn hộ, giảm 3% theo quý và 6% theo năm.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, Hà Nội chỉ ghi nhận 4 dự án phát triển nhà ở thương mại được cấp phép trong quý IV năm ngoái.
Bản thân nguồn cung nhà ở tại Hà Nội vốn đã thấp, số lượng các dự án giá rẻ cũng vì vậy mà trở nên ít ỏi hơn.
“Thực trạng của thị trường là dự án cao cấp quá nhiều nhưng bán không nổi. Trong khi đó, nhà ở trung cấp, nhà ở giá rẻ, đáp ứng nhu cầu ở thực lại không có. Chính vì sự thiếu hụt của phân khúc trọng yếu này đã khiến giá các dự án bị đẩy lên cao", PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, chia sẻ với Zing.
Khan hiếm căn hộ giá bình dân
“Rất ít" là tính từ được Bộ Xây dựng sử dụng để miêu tả số lượng chung cư bình dân tại Hà Nội. Cụ thể, trong báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý IV/2022, Bộ Xây dựng đã liệt kê một số dự án có giá dưới 25 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đa phần trong đó đều là chung cư cũ và nằm xa khu vực trung tâm Hà Nội.
GIÁ BÁN MỘT SỐ DỰ ÁN CĂN HỘ TẠI HÀ NỘI | ||||||||
Dựa theo số liệu từ Bộ Xây dựng | ||||||||
Nhãn | Imperia River View (Long Biên) | Sunshine Boulevard (Thanh Xuân) | Anland Lake View (Hà Đông) | Đặng Xá 2 (Gia Lâm) | The Golden An Khánh (Hoài Đức) | VP6 Linh Đàm (Hoàng Mai) | BID Residence (Hà Đông) | |
triệu đồng/m2 | 40 | 34 | 30 | 24 | 23.18 | 22.13 | 22 |
Theo ông Đinh Trọng Thịnh, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc khởi công xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán của các chung cư thuộc phân khúc bình dân.
“Bây giờ nhà ở giá rẻ cũng phải 30 triệu đồng/m2. Nói là rẻ nhưng cũng chẳng phải rẻ. Đến tôi có khi còn chẳng mua được", ông bộc bạch.
Vị giảng viên cao cấp đến từ Học viện Tài chính cho biết Chính phủ phải có một loạt các thay đổi từ thủ tục hành chính, cơ sở pháp lý, chính sách hỗ trợ hạ tầng, mặt bằng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ.
“Chỉ khi những điều ấy được thực hiện thì các chủ đầu tư mới có điều kiện để xây được nhiều hơn những căn hộ có giá dưới 30 triệu đồng/m2. Còn không thì rất khó", ông Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Ông nhấn mạnh rằng việc tái cấu trúc bất động sản là một điều bắt buộc. Đây sẽ là một “bài toán khó” mà các cơ quan ban ngành cần giải quyết để người dân có cơ hội an cư tại những căn hộ hợp túi tiền.
Bên cạnh các ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô, việc người dân có ít sự lựa chọn căn hộ bình dân cũng góp phần làm giảm khả năng hấp thụ trên thị trường. Theo Bộ Xây dựng, lượng giao dịch thành công đối với căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ trong năm ngoái tăng cao nhất vào quý II, sau đó giảm và xuống mức thấp nhất vào quý IV.
Cụ thể, trong quý cuối của năm 2022, cả nước có 14.349 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công, bằng khoảng 28% so với quý III cùng năm. Trong đó, Hà Nội chỉ ghi nhận vỏn vẹn 454 giao dịch.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.