Một số fanpage quảng cáo khóa tu hè trên Facebook. |
Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.
Lợi dụng các thương hiệu lớn và xu hướng đầu tư tiền mã hóa, kẻ lừa đảo tạo ra kịch bản làm nhiệm vụ, phát hành ứng dụng giả mạo để chiếm đoạt tài sản.
Mất 2,8 tỷ khi đăng ký "khóa tu hè" cho con
Còn 2 tháng nữa là kết thúc năm học, cũng là thời gian nhiều bậc cha mẹ tìm kiếm khóa học hè cho con.
Hiện nay, các khóa học ngày càng đa dạng, từ nhà trường đến trung tâm năng khiếu. Nhiều gia đình còn lựa chọn hoạt động khóa tu hè. Đây cũng là cơ hội để các đối tượng lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo Công an TP. Hà Nội, trong một lần nghiên cứu các khóa tu hè cho con, chị H. (ngụ TP. Hà Nội) kết nối với tài khoản Facebook “Tu Sinh Mùa Hè” để đăng ký.
Người phụ nữ mất 2,8 tỷ đồng khi đăng ký "tu sinh mùa hè" cho con. Ảnh: Cục ATTT. |
Sau khi liên hệ, người tự xưng “Trưởng ban Tu sinh” gọi cho chị H., giới thiệu và cung cấp số, ảnh CCCD của “Trưởng ban” để tạo niềm tin.
Đối tượng đưa chị H. vào nhóm chat trên Telegram, yêu cầu mua vật phẩm phong thủy nhằm tăng tương tác cho công ty vật phẩm, dưới vai trò nhà tài trợ chính cho khóa tu. Người này khẳng định sau 3-5 phút, công ty sẽ hoàn tiền cho phụ huynh.
Sau nhiều lần mua vật phẩm và nhận lại tiền, chị H. được yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn do thao tác sai, không chụp ảnh vật phẩm, phải hoàn thành thao tác, hoàn thành điểm tín nhiệm... Chỉ trong 2 ngày, chị H. đã bị chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng.
Trước chiêu trò lừa đảo lợi dụng khóa tu hè trên mạng xã hội, Cục ATTT khuyến cáo người dân cẩn trọng khi tìm hiểu thông tin về các khóa học trên mạng để tránh bị lừa.
Tuyệt đối không tham gia các hội, nhóm không có thông tin minh bạch, không làm theo hướng dẫn của đối tượng, đặc biệt nếu liên quan đến giao dịch chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân.
Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.
Cảnh báo ứng dụng giả mạo ví tiền số
Thời gian gần đây, giá Bitcoin liên tục tăng và lập đỉnh. Xu hướng này giúp thị trường tiền mã hóa sôi động hơn, nhưng cũng khiến chiêu trò lừa đảo liên quan đến tiền số gia tăng.
Leather là một trong những công ty cung cấp “ví lạnh” giúp quản lý token và các tài sản kỹ thuật số như NFT. Trên mạng xã hội X, công ty đã cảnh báo ứng dụng giả mạo phát hành trên App Store, khiến nhiều người bị lừa và mất tiền.
Ứng dụng ví tiền số bị làm giả trên App Store khiến nhiều người sập bẫy. Ảnh: Cục ATTT. |
Theo BleepingComputer, ứng dụng giả mạo Leather trên App Store được chấm 4,9/5 sao, cùng nhiều bình luận tích cực. Tuy nhiên, những đánh giá này đều là giả.
Theo đại diện công ty, Leather chưa cung cấp dịch vụ trên iOS. Người dùng cần truy cập trang chủ để tải phần mềm hỗ trợ kết nối ví về máy.
Hiện ứng dụng làm giả ví Leather đã được Apple gỡ bỏ sau 2 tuần phát hành. Hãng cũng cho biết tài khoản nhà phát hành sẽ bị xóa khỏi Chương trình nhà phát triển của Apple.
Cục ATTT khuyến cáo nếu đã nhập cụm mật khẩu bí mật (passphrase) vào ứng dụng giả mạo, cần lập tức chuyển tiền sang ví khác.
Ngoài ra, người dùng không nên truy cập các đường link nhận qua tin nhắn, cảnh giác với yêu cầu cài đặt phần mềm.
Khi cài ứng dụng, đặc biệt liên quan đến tài chính, cần kiểm tra kỹ quyền truy cập, đọc chính sách và điều khoản sử dụng.
Lừa đảo "đọc sách mỗi ngày" để nhận tiền
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng sử dụng tên, hình ảnh, văn bản, công văn của công ty truyền thông 1980Books để quảng cáo tuyển dụng, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các tài khoản giả mạo được chạy quảng cáo, có thể tiếp cận lượng lớn người dùng mạng xã hội. Bài viết có nội dung tuyển người đọc sách tại nhà mỗi ngày để nhận lương.
Cảnh báo chiêu trò mạo danh, tuyển người đọc sách để nhận lương. Ảnh: Cục ATTT. |
Sau khi liên hệ, nạn nhân được gửi hợp đồng, thỏa thuận lương, thưởng với chữ ký, con dấu giả 1980Books.
Đối tượng giả mạo có tổ chức khi lập hệ thống website, landing page, trang Facebook, sử dụng thông tin của 1980Books (thay đổi số điện thoại, địa chỉ, dùng con dấu và chữ ký giả...).
Kẻ lừa đảo thêm nạn nhân vào nhóm chat trên Telegram để làm nhiệm vụ đọc sách mỗi ngày. Tuy nhiên, họ bị yêu cầu nạp tiền trước, khi kết thúc công việc mới được hoàn tiền về tài khoản.
Đến lúc nạp số tiền lớn, hệ thống sẽ báo lỗi, yêu cầu đóng thêm tiền để sửa lỗi và hoàn về ví điện tử. Tuy nhiên, tiền sẽ không bao giờ được hoàn, đối tượng lừa đảo cũng xóa toàn bộ liên hệ.
CEO 1980Books khẳng định đây là hành vi lừa đảo giả danh, lợi dụng lòng tin của mọi người để trục lợi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu và uy tín của 1980Books.
Để phòng tránh, Cục ATTT khuyến cáo người dân cẩn trọng khi gặp các trường hợp, hành vi không minh bạch trên mạng xã hội.
Tuyệt đối không làm theo các yêu cầu tạm ứng tiền, không quá tin tưởng lời đề nghị hấp dẫn, việc nhẹ lương cao. Đặc biệt, không được cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho người khác dưới mọi hình thức.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.