Biểu tượng một số loại tiền mã hóa. Ảnh: Reuters. |
Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.
Dù đã được cảnh báo nhiều lần, vẫn có nạn nhân sập bẫy bởi chiêu trò lừa đầu tư tài chính trên Internet. Các thủ đoạn cũ như lấy lại tiền bị lừa, mạo danh lãnh đạo cấp cao để lừa đảo vẫn có tác dụng.
Cảnh giác lừa đảo tài chính trên mạng
Thời gian gần đây, Công an TP. Hà Nội liên tiếp nhận đơn trình báo từ người dân bị lừa tham gia đầu tư tài chính trên mạng, số tiền từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Thậm chí, một người bị lừa 57 tỷ đồng.
Một số thủ đoạn lừa đảo tài chính, tiền mã hóa phổ biến gồm kinh doanh đa cấp tiền số biến tướng trên mạng nhằm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo thông qua hoạt động của sàn giao dịch ngoại hối, quyền chọn nhị phân...
Giai đoạn một số tiền mã hóa tăng giá cũng là lúc đối tượng lừa đảo tăng cường quảng cáo, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia kinh doanh, giao dịch mua bán tiền số trên mạng thông qua các sàn giao dịch, website do chúng đưa ra.
Liên tiếp ghi nhận nạn nhân bị lừa đầu tư tài chính, tiền mã hóa trên mạng. Ảnh: Cục ATTT. |
Dù chiêu trò không mới, sự tinh vi là yếu tố khiến người dùng sập bẫy. Nhiều đối tượng trong nước tạo lập sàn, website đầu tư tài chính giả mạo sàn quốc tế, thậm chí tự ra đời các loại coin để lôi kéo nhà đầu tư, dẫn đến nguy cơ bị lừa rất cao.
Sau khi tạo sàn giao dịch, đối tượng giao cho đội ngũ telesale gọi điện, mời chào nhà đầu tư tham gia các hội nhóm tư vấn, trao đổi qua app nhắn tin.
Khi nhà đầu tư vào nhóm, các đối tượng liên tục nhắn tin, gọi điện thuyết phục họ tham gia đầu tư tài chính, mua bán tiền mã hóa nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tại Việt Nam, khung pháp lý để điều chỉnh, quản lý, xử lý với tiền mã hóa chưa rõ ràng. Người dân vẫn có thể tham gia giao dịch tiền số công khai trên mạng, thông qua các sàn giao dịch quốc tế lẫn trong nước, hoặc vào các hội nhóm, diễn đàn.
Nhằm ngăn chặn hình thức lừa đảo trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác, chỉ tin tưởng vào nền tảng, sàn giao dịch có uy tín, được xác thực và cấp phép bởi Nhà nước, cẩn trọng trước lời đề nghị hoặc giới thiệu đầu tư qua mọi hình thức, đặc biệt là không gian mạng.
Ngoài ra, cần cảnh giác lời mời đầu tư với lãi suất cao bất thường và các khoản phí không rõ ràng. Nên tìm hiểu kỹ phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư, đồng thời tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư.
Nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo chuyên gia tài chính hoặc luật sư để đưa ra quyết định thông minh, an toàn và giảm rủi ro lừa đảo.
Trong trường hợp gặp tình huống nghi ngờ lừa đảo, hãy liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Chiêu trò "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa" chưa dừng lại
Theo Công an TP Đà Lạt, thời gian gần đây xuất hiện nhiều bình luận trên Facebook, quảng cáo lấy lại tiền bị treo, bị lừa với thông tin mập mờ, mang tính dẫn dụ, không để lại thông tin xác thực.
Các hội nhóm với tên “Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo”, “Lấy lại tiền bị lừa qua mạng”... xuất hiện tràn lan trên Facebook, cùng những website với giao diện tương tự các đơn vị trực thuộc Bộ Công an, văn phòng luật, luật sư...
100% hội nhóm lấy lại tiền trên mạng có dấu hiệu lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT. |
Khi được liên hệ, đối tượng yêu cầu gửi giấy tờ chứng minh bị lừa, đóng phí rà soát thông tin 3-5 triệu đồng. Điểm chung của hình thức này là đối tượng yêu cầu nộp phí, tự xưng có quan hệ thân thiết với nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam.
Dưới bài đăng còn có những bình luận như “đã lấy lại tiền lừa đảo trước Tết”, tuy nhiên đây hoàn toàn là kịch bản của đối tượng. 100% hội nhóm lấy lại tiền lừa đảo, thu hồi nợ treo trên mạng có dấu hiệu lừa đảo.
Trước tình trạng môi trường không gian mạng ngày càng phức tạp, Cục ATTT khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người khác dưới mọi hình thức.
Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc các hội nhóm cung cấp dịch vụ, tuyệt đối không giao dịch chuyển tiền khi chưa tìm hiểu, xác minh danh tính của đối tượng.
Nếu phát hiện trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo cho cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Mạo danh lãnh đạo cấp cao lừa "chạy án"
Ngày 4/3, Công an huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết đã bắt giữ và điều ra Nguyễn Thị Hoài (27 tuổi, ngụ phường Trường An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức mạo danh lãnh đạo Nhà nước lừa chạy án.
Để phục vụ hành vi lừa đảo, Hoài đã lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội, gắn hình ảnh một số lãnh đạo. Sau đó, đối tượng liên lạc với người nhà nạn nhân, tự nhận có khả năng can thiệp để giảm án.
Theo điều tra ban đầu, từ cuối năm 2023, Hoài quen biết một người dân ngụ tại xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar, biết rằng người này có em trai đang bị Công an huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk bắt giữ về tội “Cố ý gây thương tích”.
Đối tượng lừa đảo bị bắt vì mạo danh lãnh đạo, hỗ trợ người dân "chạy án". Ảnh: Cục ATTT. |
Từ đó, Hoài nảy sinh ý định lừa “chạy án” để chiếm đoạt tài sản. Vì tin tưởng, người nhà nạn nhân đã 5 lần đưa tiền cho đối tượng, tổng cộng 145 triệu đồng.
Đến cuối tháng 2, Hoài tiếp tục yêu cầu người nhà bị can đưa thêm 60 triệu đồng. Do nghi ngờ lừa đảo, người nhà nạn nhân đã trình báo lên Công an huyện Cư M'gar.
Nhận được tin báo, Công an huyện Cư M'gar đã nhanh chóng xác minh, bắt quả tang khi Hoài đang nhận 59 triệu đồng từ người nhà nạn nhân.
Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức cho bản thân để bảo vệ mình. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người khác dưới mọi hình thức.
Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc các hội nhóm cung cấp dịch vụ, tuyệt đối không giao dịch chuyển tiền khi chưa tìm hiểu, xác minh danh tính của đối tượng.
Nếu phát hiện trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo cho cơ quan công an để giải quyết vụ việc theo quy định, không nên tìm các trang MXH giới thiệu lấy lại tiền bị lừa để tránh mắc bẫy.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.