Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiêu lừa 'việc nhẹ lương cao' rầm rộ trở lại

Nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ về việc bị lừa, hoặc hỏi xác minh về lời mời làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho sàn thương mại điện tử.

Những tin nhắn mời gọi làm việc online với mức thu nhập hấp dẫn khiến nhiều người sập bẫy. Ảnh: Hoàng Nam.

Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.

Sau thời gian tạm lắng, chiêu lừa tuyển cộng tác viên online, làm “việc nhẹ lương cao” rầm rộ trở lại. Ngoài ra, các thủ đoạn cũ như mạo danh công an, lừa đảo đầu tư tài chính vẫn khiến nhiều người sập bẫy.

Chiêu lừa "việc nhẹ lương cao" đang trở lại

Thời gian gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ về việc bị lừa, hoặc hỏi xác minh về lời mời làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho sàn thương mại điện tử.

Chị N.T.T. (ngụ TP. Hà Nội) được một người mời tham gia làm việc qua mạng với chiết khấu cao. Cụ thể, chỉ cần gắn link bán mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo… trên các sàn thương mại điện tử lên mạng xã hội, app nhắn tin để nhận hoa hồng từ các shop, trung bình 10.000-500.000 đồng/sản phẩm.

Lua tuyen cong tac vien anh 1

Chiêu lừa tuyển cộng tác viên online, làm "việc nhẹ lương cao" có dấu hiệu rầm rộ trở lại. Ảnh: Cục ATTT.

Để tham gia công việc, đối tượng yêu cầu chị T. bỏ ra khoản phí 399.000 đồng, sau đó tham gia một nhóm trên Telegram. Kẻ lừa đảo tạo lòng tin bằng cách giả mạo thành viên trong nhóm, liên tục gửi hóa đơn nhận tiền từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng.

Sau 3 đơn hàng đầu nhận tiền thật, đến đơn thứ 4 với giá trị cao hơn, đối tượng yêu cầu chị T. gửi tiền đối ứng cọc giá trị, lấy lý do hệ thống lỗi nên cần thêm tiền để xác minh, đóng thuế. Khi nạn nhân phát hiện cũng là lúc bị đối tượng chặn tài khoản, không thể liên lạc.

Cục ATTT khuyến cáo người dân tuyệt đối nâng cao cảnh giác, tuyên truyền cho người thân, bạn bè về thủ đoạn trên để tránh mắc bẫy.

Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa hay dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ thông tin qua nhiều nguồn khác nhau. Tuyệt đối không cung cấp CCCD, CMND, mã OTP, số thẻ ngân hàng... cho bất cứ ai hoặc website lạ.

Nếu phát hiện dấu hiệu hoặc đã bị lừa, cần nhanh chống tố giác hành vi đến cơ quan có thẩm quyền để hạn chế rủi ro, thiệt hại, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp.

Tin kẻ mạo danh công an, bị lừa 1,4 tỷ đồng

Ngày 17/1, bà T. (SN 1965, ngụ quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) nhận điện thoại của đối tượng tự xưng cán bộ công an. Tên này thông báo bà T. có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, yêu cầu kết bạn trên app nhắn tin.

Sau khi kết bạn và bật cuộc gọi video, bà T. thấy một người mặc trang phục công an nhân dân, yêu cầu chuyển tiền để xác minh.

Lua tuyen cong tac vien anh 2

Người phụ nữ mất 1,4 tỷ đồng vì tin kẻ mạo danh công an. Ảnh: Cục ATTT.

Vì lo sợ và tin tưởng, bà T. lập tức chuyển 1,4 tỷ đồng cho đối tượng. Ngay sau đó, biết bị lừa nên bà đến cơ quan công an trình báo.

Công an TP. Hà Nội khẳng định để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Trước tình trạng môi trường không gian mạng ngày càng phức tạp, Cục ATTT khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức cho bản thân để bảo vệ mình. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người khác trên MXH.

Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc các hội nhóm cung cấp dịch vụ, tuyệt đối không giao dịch chuyển tiền khi chưa tìm hiểu, xác minh danh tính của đối tượng.

Đáng chú ý, đối tượng lừa đảo thường nhắm vào sự thiếu hiểu biết, không minh mẫn của người lớn tuổi để ra tay. Do đó, người thân trong gia đình cần tuyên truyền cho người cao tuổi để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng tránh thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại.

Nếu phát hiện trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo cho cơ quan công an để giải quyết vụ việc theo quy định, không nên tìm các trang MXH giới thiệu lấy lại tiền bị lừa để tránh mắc bẫy.

Mất hàng trăm triệu vì sập bẫy đầu tư online

Dù không mới, hình thức lừa đảo kêu gọi đầu tư tài chính trên app vẫn khiến nhiều người sập bẫy do thủ đoạn ngày càng bài bản, tinh vi.

Một trong những nạn nhân của thủ đoạn trên, bà Nguyễn Thị H. (hơn 60 tuổi, ngụ TP Thanh Hóa) cho biết được bạn giới thiệu đầu tư tài chính kiếm tiền nhanh, thông qua ứng dụng trên điện thoại.

Do tin tưởng, bà H. lần đầu chuyển 4 triệu đồng, nhận về tiền gốc và 1,6 triệu đồng tiền lãi. Đỉnh điểm, bà nộp tiền đầu tư hơn 360 triệu đồng. Đến khi app bị “sập” và không thể truy cập, bà mới biết mình bị lừa.

Theo bà H., chiêu trò của đối tượng lừa đảo rất tinh vi và công khai. Không chỉ tư vấn trực tiếp qua tin nhắn, chúng còn tổ chức hoạt động truyền thông tại khách sạn lớn trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Lua tuyen cong tac vien anh 3

Hàng loạt người tại Thanh Hóa sập bẫy chiêu trò lừa đầu tư tài chính online. Ảnh: Cục ATTT.

Thủ đoạn chung của đối tượng là mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài, hoặc giả mạo công ty để tạo website, ứng dụng lừa đảo.

Những tên miền của website lừa đảo thường chỉ tồn tại trong một thời gian. Sau khi lừa được lượng người nhất định, các tổ chức sẽ chuyển sang tên miền khác và tự đóng sàn cũ để ngăn cản hoạt động điều tra, truy vết của cơ quan chức năng.

Để tăng lòng tin, các tổ chức lừa đảo sẽ dẫn dụ người chơi bằng cách trả lãi trong thời gian đầu. Ngoài ra, đối tượng còn tạo các hội nhóm truyền kinh nghiệm, người chia sẻ tự xưng là chuyên gia, đại diện doanh nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm, tạo hình hào nhoáng, sang chảnh nhằm gây thiện cảm và tăng lòng tin.

Đến khi người chơi tin tưởng và đầu tư khoản tiền lớn, các tổ chức lừa đảo dùng nhiều chiêu thức để chiếm đoạt tiền.

Nhằm ngăn chặn hình thức lừa đảo trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác, chỉ tin tưởng vào nền tảng, sàn giao dịch có uy tín, được xác thực và cấp phép bởi Nhà nước, cẩn trọng trước lời đề nghị hoặc giới thiệu đầu tư qua mọi hình thức, đặc biệt là không gian mạng.

Ngoài ra, cần cảnh giác lời mời đầu tư với lãi suất cao bất thường và các khoản phí không rõ ràng. Nên tìm hiểu kỹ phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư, đồng thời tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư.

Nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo chuyên gia tài chính hoặc luật sư để đưa ra quyết định thông minh, an toàn và giảm rủi ro lừa đảo.

Trong trường hợp gặp tình huống nghi ngờ lừa đảo, hãy liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ

Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.

Bắt giữ đối tượng bán iPhone 'fake' trên Facebook

Cục ATTT khuyến cáo người dùng cảnh giác chiêu trò bán iPhone giá rẻ trên mạng xã hội, quảng cáo máy chính hãng nhưng thực chất là hàng nhái.

Cảnh giác khi mua vé 'Đào, phở và piano' trên MXH

Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cảnh báo tình trạng khán giả bị lừa khi mua vé phim "Đào, phở và piano" qua các hội nhóm trên mạng xã hội.

Cảnh giác khi nhận lì xì online đầu năm

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình trạng lừa đảo trực tuyến diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm