Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh giác khi mua vé 'Đào, phở và piano' trên MXH

Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cảnh báo tình trạng khán giả bị lừa khi mua vé phim "Đào, phở và piano" qua các hội nhóm trên mạng xã hội.

Một hình ảnh trong phim "Đào, phở và piano".

Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.

Những ngày qua, kẻ xấu lợi dụng sức nóng của phim Đào, phở và piano để đăng bài bán vé nhằm chiếm đoạt tiền. Ngoài ra, cơ quan công an còn cảnh báo thủ đoạn lừa tuyển cộng tác viên online, hoặc đầu tư tài chính trên mạng xã hội.

Lừa đảo pass vé "Đào, phở và piano" trên MXH

Ngày 20/2, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (NCC) cảnh báo khán giả cẩn trọng, tránh bị lừa khi mua vé xem phim Đào, phở và piano qua các hội nhóm trên mạng xã hội.

Do không thể mua tại quầy cũng như website chính thống, nhiều người tìm đến các đối tượng “pass vé” trên mạng xã hội để mua vé, thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mua ve dao pho piano anh 1

Nhiều đối tượng lừa bán vé xem phim Đào, phở và piano trên mạng xã hội để chiếm đoạt tiền. Ảnh: Cục ATTT.

Trong những ngày qua, sự cố mua vé qua website, app NCC, ứng dụng ngân hàng, ví điện tử VNPAY... được khẩn trương khắc phục.

Đến 23/2, hệ thống bán vé online của NCC đã có thể truy cập bình thường. Tuy nhiên, sau sự cố quá tải website và lừa bán vé trên mạng xã hội, NCC chính thức thông báo vé phim Đào, phở và piano chỉ bán trực tiếp tại quầy (không bán online) nhằm giảm thiểu tình trạng khán giả bị lừa.

Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo khán giả không mua vé phim do người khác bán lại trên Internet, tránh tình trạng bị lừa.

Với các sự kiện nổi tiếng, hiện tượng tượng phe vé, bán lại vé giá cao, giả mạo website chính thống... để chiếm đoạt tiền ngày càng trở thành vấn nạn. Do đó, người dùng nên lựa chọn địa chỉ và website uy tín, được xác minh rõ ràng, hoặc giao dịch trực tiếp để tránh lừa đảo.

Mất gần 600 triệu vì sập bẫy cộng tác viên online

Ngày 22/2, Công an quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) cho biết dù được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần, vẫn có người bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên, thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử.

Trước đó vào 19/2, Công an quận Tây Hồ tiếp nhận đơn trình báo của anh T. (SN 1970, ngụ quận Tây Hồ) về việc bị lừa khi làm cộng tác viên bán hàng online trên mạng xã hội.

Mua ve dao pho piano anh 2

Vẫn có người bị lừa hàng trăm triệu đồng do sập bẫy chiêu trò ứng tuyển cộng tác viên online. Ảnh: Cục ATTT.

Sau khi liên hệ ứng tuyển, anh T. đóng 560 triệu đồng để làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng nhưng không rút được tiền. Khi biết bị lừa, anh T. đến công an trình báo.

Đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền của nạn nhân, đối tượng lừa đảo luôn đưa ra lời đề nghị hấp dẫn, khi mỗi đơn hàng được hưởng lãi suất cao (10-15% giá trị đơn hàng).

Khi thanh toán những đơn đầu với giá trị nhỏ, nạn nhân vẫn được hưởng hoa hồng. Tuy nhiên đến đơn hàng giá trị cao, kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt số tiền.

Cục ATTT khuyến cáo người dân tuyệt đối nâng cao cảnh giác, tuyên truyền cho người thân, bạn bè về thủ đoạn trên để tránh mắc bẫy.

Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa hay dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ thông tin qua nhiều nguồn khác nhau. Tuyệt đối không cung cấp CCCD, CMND, mã OTP, số thẻ ngân hàng... cho bất cứ ai hoặc website lạ.

Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, cần báo cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thủ đoạn lừa đầu tư tài chính trên MXH

Ngày 22/2, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh TT-Huế, cho biết đã nhận một số tin tố giác tội phạm liên quan đến thủ đoạn lừa đảo “đầu tư tài chính qua mạng xã hội”.

Cụ thể, đối tượng lừa đảo tạo hồ sơ cá nhân giả trên mạng xã hội với thông tin hoành tráng. Chúng gửi tin nhắn, chạy quảng cáo sàn đầu tư của nước ngoài, hứa hẹn lợi nhuận khủng, an toàn và linh hoạt để lôi kéo nạn nhân.

Mua ve dao pho piano anh 3

Người dân được yêu cầu cảnh giác khi thấy quảng cáo "đầu tư tài chính" lãi cao trên mạng xã hội. Ảnh: Cục ATTT.

Khi có người liên hệ, đối tượng tư vấn nhiệt tình, mời gọi đầu tư nhỏ để rút tiền thưởng. Sau đó, chúng dẫn dụ nạn nhân đầu tư số tiền lớn hơn, nhưng lấy lý do đóng thêm tiền xác minh, lệ phí... mới rút được tiền.

Với tâm lý muốn lấy lại tiền, nhiều bị hại đã chuyển cho đối tượng hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Để phòng tránh tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân không tham gia đầu tư trên các website, ứng dụng không rõ ràng, không được cấp phép bởi Nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, cần cảnh giác lời mời đầu tư với lãi suất cao bất thường. Nên tìm hiểu kỹ phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư, đồng thời tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư để không bị dẫn dụ bởi lời hứa không thực tế.

Nếu gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, hãy liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Bùng phát hoạt động bói toán online

Trong và sau Tết, các hoạt động mê tín dị đoan trên mạng xã hội thu hút nhiều quan tâm, là cơ hội để kẻ lừa đảo trục lợi.

Cảnh giác khi nhận lì xì online đầu năm

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình trạng lừa đảo trực tuyến diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Nhóm thanh niên 10X chiếm hơn 8 tỷ nhờ 'hack' tài khoản Facebook

Các đối tượng sinh năm 2003 đến 2006 tham gia hoạt động tấn công tài khoản Facebook, hỏi mượn tiền để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm