"Ban đầu, tôi chỉ bỏ vào app 2,8 triệu để chơi thử. Chỉ sau 2 tuần, tôi mất gần 120 triệu đồng khi app không còn cho người đầu tư rút tiền", T. Hà ngụ tại Biên Hòa, Đồng Nai cho biết.
Hà là một trong những nạn nhân của Bounty, một ứng dụng đa cấp núp bóng đầu tư tài chính tương tự các app "chăn nuôi online". Người chơi bị dụ dỗ nạp tiền, làm theo các "nhiệm vụ" để có lợi nhuận cao hơn.
Tuy nhiên, T.Hà chưa phải là người chịu thiệt hại duy nhất. Trong danh sách 160 nạn nhân do Hà tập hợp, số tiền mỗi người chịu thiệt hại dao động từ vài trăm nghìn đến hơn trăm triệu đồng.
"Nạn nhân lớn nhất của Bounty tôi tìm được lại chính là H.Ngọc - chị họ của tôi. Sau 10 ngày tham gia, chị ấy mất 154 triệu đồng", Hà nói.
Tổng số tiền nhóm của T.Hà "đầu tư" vào Bounty là hơn 300 triệu đồng. |
"Không ngờ app sập nhanh quá"
"Trước khi đầu tư, tôi cũng có tìm hiểu thông qua những người đi trước. Họ cho biết số tiền nhận về rất đều đặn và Bounty cũng chỉ mới được thành lập gần đây", H.Ngọc chia sẻ.
Bounty chia người dùng thành 10 cấp. Ở cấp phổ thông, khi hoàn thành một "nhiệm vụ", người tham gia được trả 1.000 đồng, mỗi ngày chỉ được tham gia 10 nhiệm vụ. Với mỗi gói V.I.P sẽ bao gồm số lượng nhiệm vụ nhất định. Gói V.I.P càng đắt, số nhiệm vụ càng nhiều đồng nghĩa tiền hoa hồng càng cao.
"Mỗi gói V.I.P có mức giá khác nhau. Thông tin cụ thể như số nhiệm vụ, hoa hồng hàng ngày, bao nhiêu ngày hoàn vốn, tiền lãi xuyên suốt một năm... đều được hiển thị", Ngọc cho biết.
Nhiệm vụ H. Ngọc được giao bao gồm thả tim, follow, đăng ký các tài khoản TikTok, Facebook, YouTube. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, người tham gia phải chụp màn hình để xác nhận. Các tài khoản TikTok, YouTube, Facebook trong nhiệm vụ đều đến từ các kênh bán hàng online.
Ngọc cho biết niềm tin của cô dần lớn khi Bounty vẫn cho rút tiền về đều đặn ở những ngày đầu tham gia. "App cho rút về 1,4 triệu đồng sau vài ngày. Do đó, từ vài triệu ban đầu, những ngày sau, tôi đã đầu tư 194 triệu vào ứng dụng. Số tiền này được chia cho 6 tài khoản, mỗi tài khoản khoảng 25,8 triệu", Ngọc nói thêm.
Bên cạnh nâng cấp gói, Bounty cũng khuyến khích người tham gia giới thiệu bạn bè để nhận thêm hoa hồng khi "cấp dưới" hoàn thành nhiệm vụ hay nạp tiền. Dù chưa từng gặp mặt hay biết về những người tạo nên Bounty, Ngọc thừa nhận cô bị choáng ngợp bởi mức lãi suất đầy hứa hẹn được những người quảng cáo ứng dụng đưa ra.
Danh sách các nạn nhân cùng số tiền thiệt hại được nhóm của T.Hà thu thập được. Tính đến chiều 27/4, đã có 166 người điền vào mẫu này. |
Về giao diện, web Bounty được thiết kế sơ sài. Bounty không phát hành ứng dụng trên AppStore hay Google Play mà chỉ có phiên bản web. Đây là dấu hiệu thường thấy ở các ứng dụng lừa đảo. Ngoài ra, app này còn kêu gọi người dùng tham gia các chương trình trúng thưởng có liên kết hoặc tài trợ bởi những thương hiệu lớn.
Theo tài khoản Trang Đào, cô được chủ group nâng cấp thành viên thành phó nhóm do thường xuyên kiểm tra tin nhắn. Đào thừa nhận hoàn toàn không biết gì về công ty đằng sau Bounty.
Sáng 24/4, các hội nhóm Bounty đồng loạt giải tán. Tiếp đến, ngày 27/4, trang web của ứng dụng này chuyển sang giao diện tiếng Trung Quốc.
"Chừng 2 tuần sau, tôi không thể rút được tiền. Kiểm tra thông tin từ các nhóm, tôi mới biết app đã sập. Trừ đi các khoản thu về, tôi mất 154 triệu đồng sau đúng 10 ngày tham gia", Ngọc nói.
Với T. Hà, cô thừa nhận bản thân biết sẽ đến lúc Bounty ngưng trả tiền cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc app sập chỉ sau hơn 2 tháng hoạt động khiến cô bất ngờ. "Dựa trên những thông tin tôi tự tìm hiểu, ít nhất phải đến năm sau app mới sập. Vẫn biết ngày này sẽ diễn ra, nhưng không ngờ nó 'đi' nhanh quá", cô chia sẻ.
Hà cho biết cô đã gọi đến các số điện thoại của những tài khoản nhận tiền nhà đầu tư. "Khi tôi gọi đến, đầu dây bắt máy ồn ào tiếng của nhiều người nói giống như đang làm việc trong văn phòng. Họ bàn tán về nhóm đầu tư của tôi. Có lẽ vì chúng tôi là nhóm lớn, đã chuyển cho họ hàng trăm triệu đồng. Do đó, tôi nghĩ đằng sau Bounty là nhóm người có liên kết với nhau", T.Hà nói.
App sập vẫn tìm cách ''hốt cú chót"
Sau khi app sập, một vài tài khoản tiếp tục đăng bài trong nhóm Facebook “Bounty- kiếm tiền”. Nội dung chủ yếu kêu gọi các thành viên nạp thêm tiền để rút lại một phần hoặc toàn bộ số tiền đã đầu tư, tùy theo các mức nhất định. "Đó là cách 'hốt' cú chót của những kẻ chủ mưu. Tôi phải bình luận từng bài đăng đó để ngăn người khác tránh mất thêm tiền'', Hà nói.
Hoàng Vỹ, một người tham gia Bounty ngụ quận 5, Tp.HCM cũng có trải nghiệm tương tự. "Khi app có dấu hiệu rút tiền chậm, trang web thông báo bảo trì, người đầu tư nhỏ hỏi lý do sẽ bị kick khỏi nhóm, đó là thời điểm bắt đầu cho ngày sập''.
Ở mỗi gói V.I.P sẽ bao gồm số lượng nhiệm vụ nhất định. Gói càng đắt, số nhiệm vụ càng nhiều đồng nghĩa tiền hoa hồng càng cao. |
Sau khi nhà đầu tư có dấu hiệu hoài nghi, các quản trị viên nhóm sẽ tuyên bố app đã bảo trì xong. "Để 'hốt hụi' chót, nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu người dùng kích hoạt lại tài khoản để hệ thống trả lại tiền lãi như ban đầu. Để bật kích hoạt, người dùng phải nạp thêm tiền để mua gói V.I.P 3 giá 2,8 triệu đồng", Vỹ cho hay.
Sau khi Bounty sập, nhóm Facebook "Bounty - Kiếm tiền" vẫn xuất hiện nhiều lời chào mời tham gia các ứng dụng tương tự. Điểm chung của những bài đăng này đều nhấn vào yếu tố "app mới lập" hoặc "gỡ vốn sau Bounty". "Ở phần thông tin thanh toán của một trong các app này, tôi nhận ra số tài khoản của người tôi từng chuyển tiền trước đó trong Bounty", T.Hà cho biết.
Hiện T.Hà đang vận động những nạn nhân của Bounty cùng cô khởi kiện nhóm phát triển đứng sau ứng dụng. "Tôi thừa nhận mình tham và khó lấy lại tiền, nhưng không thể cho kẻ gian tiếp tục lợi dụng lỗ hổng của pháp luật và sự nhẹ dạ của người dân để làm giàu cho chúng", Hà nói.
Tâm lý “vào sớm, rút sớm” là thứ khiến nhiều người tham gia các hình thức gọi vốn, kinh doanh đa cấp. Họ hi vọng những ứng dụng này sẽ có khoảng thời gian tồn tại nhất định, và sẽ thu hồi đủ vốn mà họ bỏ ra cùng lợi nhuận, sau đó rút đi mà không ảnh hưởng gì.
Trong thực tế, đúng là cũng có những người thu được lợi nhuận thông qua các app này, rồi tìm cách chuyển giao khoản vốn đang nằm ở đó cho người khác. Gánh nặng khi đó sẽ đổ lên đầu những người tham gia ở các giai đoạn sau.
Phải nói những người tham gia các mô hình đa cấp như thế này là những người có máu liều, thích rủi ro. Những hình thức kinh doanh này đều không được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Họ biết đó là việc kinh doanh phạm luật nhưng vẫn tham gia.
Tất nhiên, cũng phải nói các app đó tạo ra sự tin tưởng nhất định cho người tham gia vào cuộc chơi bằng những lời lẽ hoa mỹ, bằng lãi suất đủ khiến cho nhiều người muốn chơi bất chấp sự vi phạm pháp luật.
- Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính