Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mạo danh 'Huấn Hoa Hồng' để lừa đảo

Thời gian gần đây, đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn mạo danh người nổi tiếng, cán bộ công chức để tiếp cận nạn nhân.

Đối tượng Nguyễn Quang Linh bị bắt vì lập Facebook mạo danh "Huấn Hoa Hồng" để lừa đảo. Ảnh: Công an tỉnh Lạng Sơn.

Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.

Để tiếp cận nạn nhân, đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn mạo danh người nổi tiếng, cán bộ công chức hoặc nhân viên hãng điện thoại để liên lạc, dụ dỗ người dùng cung cấp thông tin nhạy cảm.

Mạo danh "Huấn Hoa Hồng" để lừa đảo

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết sau khi tiếp nhận đơn trình báo của nạn nhân, cơ quan chức năng đã truy vết và làm rõ hành vi sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với đối tượng Nguyễn Quang Linh (SN 2001, ngụ xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội).

Nạn nhân cho biết khi lái xe vận chuyển hàng lên cửa khẩu, trong quá trình chờ xuất hàng đã lên Facebook vay tiền online. Sau đó, người này bị chiếm đoạt 150 triệu đồng khi gửi tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng yêu cầu.

Theo điều tra, Linh bắt đầu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách mạo danh Bùi Xuân Huấn (một nhân vật nổi tiếng trên mạng), làm dịch vụ cho vay online.

Mao danh Huan Hoa Hong anh 1

Đối tượng lập Facebook mạo danh người nổi tiếng để lừa đảo cho vay. Ảnh: Cục ATTT.

Qua hội nhóm mua bán, Linh mua các tài khoản Facebook tên “Huấn”, “Huấn Hoa Hồng”, “Huấn Linh”, “Bùi Huấn”, “Bùi Xuân Huấn”...

Trên các trang này, đối tượng đăng tải hình ảnh bảng lãi suất, tiền trả hàng tháng, hợp đồng nhằm mời chào, lấy lòng tin của người vay tiền.

Khi có người liên hệ vay tiền, Linh yêu cầu chụp ảnh CCCD, số điện thoại, tài khoản ngân hàng và số tiền cần vay để chỉnh sửa hợp đồng, sau đó gửi cho khách.

Nếu khách đồng ý, Linh yêu cầu gửi cọc (từ 900.000 đến 2 triệu đồng), hoặc chuyển tiền để chứng minh thu nhập (từ 3 triệu đồng) tùy số tiền muốn vay.

Tiếp theo, Linh yêu cầu nạn nhân đóng thêm các khoản phí như xác thực tài khoản, chứng minh khả năng chi trả. Sau khi nhận tiền, đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân.

Trước thông tin trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân nên tìm các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc công ty tài chính hợp pháp, cảnh giác trước quảng cáo mang tính lôi kéo.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng trên website, ứng dụng không tin cậy, không giao dịch nếu chưa rõ danh tính đối tượng.

Ngoài ra, không tải hoặc vay tiền qua ứng dụng di động không rõ nguồn gốc và hoạt động trái phép. Không truy cập đường link lạ để tránh lộ lọt thông tin, danh bạ, hình ảnh cá nhân, hoặc bị đối tượng lợi dụng để vi phạm pháp luật.

Cảnh báo lừa đảo mùa quyết toán thuế

Trong tháng cao điểm quyết toán thuế, văn phòng Cục Thuế và các Chi cục Thuế tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân về hình thức lừa đảo của đối tượng mạo danh cơ quan thuế, công chức thuế.

Thủ đoạn chính của chúng là giả mạo cán bộ thuế gọi điện thoại hoặc nhắn tin, cung cấp đường link rồi hướng dẫn người nộp thuế quyết toán thuế, hướng dẫn cài đặt phần mềm giả mạo cơ quan thuế nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt tài sản.

Mao danh Huan Hoa Hong anh 2

Đối tượng lợi dụng mùa quyết toán thuế để mạo danh công chức thuế, gọi điện dụ dỗ nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Cục ATTT.

Một thủ đoạn khác, đối tượng gọi điện tự xưng là công chức thuế, đề nghị người nộp thuế gửi CCCD, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh... để gia hạn các loại thuế, làm thủ tục miễn giảm, hưởng ưu đãi thuế.

Thậm chí, có kẻ mạo danh cơ quan chức năng, gửi đường link cài ứng dụng giả VNeID để “tích hợp căn cước công dân và mã số thuế”, hoặc hướng dẫn điều chỉnh thông tin trên ứng dụng.

Thông qua chiêu trò trên, mục đích của đối tượng lừa đảo là đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

Để giúp người nộp thuế phòng tránh lừa đảo, đặc biệt trong mùa quyết toán thuế, Cục ATTT khuyến cáo nếu nhận được cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu nghi ngờ, người nộp thuế cần lưu lại bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi.

Tiếp theo, phản ánh đến doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, cung cấp bằng chứng cho cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an và cơ quan thuế gần nhất để xử lý sai phạm của đối tượng.

Khi nhận các tin nhắn, người nộp thuế cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội trả lời hay làm theo hướng dẫn. Đồng thời, lưu ý rằng trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan thuế sử dụng giao thức HTTPS và tên miền quốc gia Việt Nam (.vn).

Nếu gặp phải trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, cần liên hệ trực tiếp đến cơ quan thuế qua kênh chính thức để được hỗ trợ, tránh bị đối tượng lợi dụng.

Mạo danh cán bộ Sở TTTT để lừa đảo

Thời gian qua, Sở Thông tin & Truyền thông (TTTT) tỉnh Bạc Liêu liên tục nhận phản ánh về tình trạng đối tượng giả danh cán bộ Sở TTTT tỉnh Bạc Liêu, gọi điện đến một số sở, ngành, địa phương và người dân, có dấu hiệu lừa đảo.

Cụ thể, đối tượng giả danh cán bộ Sở TTTT tỉnh, liên tục gọi điện thông báo đang phối hợp với công an, nhân viên viễn thông để hù dọa, nói rằng số điện thoại của chủ thuê bao đã gọi điện, hoặc tạo tài khoản trên mạng xã hội.

Đối tượng nói rằng các tài khoản này đăng tải, phát tán thông tin chống phá Đảng, Nhà nước hoặc liên quan đường dây phản động, rửa tiền, phát tán thông tin chống phá chính quyền mà cơ quan chức năng đang điều tra. Chủ thuê bao sẽ bị mời làm việc để xử lý.

Mao danh Huan Hoa Hong anh 3

Nhiều đối tượng giả danh cán bộ Sở TTTT để gọi điện hù dọa, lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT.

Sau khi hù dọa, đối tượng yêu cầu chủ thuê bao khai báo thông tin cá nhân, hướng dẫn truy cập đường link do chúng gửi để xác nhận thông tin hoặc làm việc với cơ quan chức năng, phục vụ mục đích lừa đảo của đối tượng.

Theo Cục ATTT, không có chuyện cán bộ, công chức Sở TTTT tỉnh Bạc Liêu gọi điện thông báo, hoặc mời làm việc để xử lý bất cứ ai liên quan đến các vụ việc trên.

Sở TTTT là cơ quan Nhà nước, khi mời làm việc liên quan đến tổ chức, cá nhân đều phát hành văn bản chính thức, hoặc cử cán bộ, công chức đến tận nơi cư trú gửi thư mời, thông qua chính quyền địa phương mời làm việc trực tiếp.

Trước tình trạng môi trường không gian mạng ngày càng phức tạp, Cục ATTT khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức cho bản thân để bảo vệ mình. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người khác trên MXH.

Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc các hội nhóm cung cấp dịch vụ, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, hoặc thực hiện giao dịch chuyển tiền khi chưa tìm hiểu, xác minh danh tính của đối tượng.

Nếu nhận được cuộc gọi nghi vấn từ đối tượng lừa đảo, người dân nên bình tĩnh và không quá lo lắng. Đồng thời, có thể tra cứu thêm thông tin, ghi âm cuộc gọi làm bằng chứng báo với cơ quan chức năng.

"Dội bom" thông báo để lừa người dùng iPhone

Trên mạng xã hội X, người dùng tên Patel cảnh báo hoạt động lừa đảo mới nhắm vào người dùng thiết bị Apple, dựa vào lỗ hổng trong tính năng đặt lại mật khẩu.

Chia sẻ với trang tin công nghệ KrebsOnSecurity, Patel cho biết tất cả thiết bị Apple của anh - gồm Apple Watch, MacBook và iPhone - đều nhận thông báo hệ thống, yêu cầu phê duyệt đặt lại mật khẩu Apple ID.

Patel nói rằng phải xem và từ chối hơn 100 thông báo dạng này. Nhiều người dùng khác khẳng định thông báo vẫn không biến mất dù nhấn cho phép.

Mao danh Huan Hoa Hong anh 4

Thông báo yêu cầu phê duyệt đặt lại mật khẩu Apple ID được gửi liên tục đến iPhone của nạn nhân. Ảnh: Cục ATTT.

Ngoài ra, Patel còn nhận được cuộc gọi hiển thị số điện thoại 1-800-275-2273 (đường dây hỗ trợ khách hàng của Apple). Khi nghe máy, đối tượng tự xưng là nhân viên Apple, cung cấp chính xác mọi thông tin cá nhân của Patel.

Mục tiêu của đối tượng lừa đảo là người dùng thiết bị Apple, lợi dụng tính năng xác thực nhiều yếu tố (MFA) để “dội bom” thông báo.

Đối với cuộc gọi mạo danh, chúng dụ dỗ nạn nhân đọc mã số khôi phục mật khẩu Apple ID được gửi đến thiết bị, sau đó chiếm quyền điều khiển tài khoản.

Đại diện Apple khẳng định công ty không bao giờ gọi điện khách hàng, trừ các trường hợp được người dùng yêu cầu liên hệ.

Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dùng, đặc biệt nếu sử dụng thiết bị Apple, cẩn trọng trước những cuộc gọi bất thường. Tuyệt đối không nhận cuộc gọi lạ, đặc biệt dưới hình thức hỗ trợ dịch vụ, không làm theo hướng dẫn của đối tượng khi chưa xác minh rõ danh tính.

Ngoài ra, không cung cấp dữ liệu cá nhân nhạy cảm dưới mọi hình thức để tránh bị đánh cắp thông tin, phục vụ mục đích phạm pháp.

Trong trường hợp cần hỗ trợ dịch vụ, người dùng nên truy cập website chính thống, chủ động liên hệ để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Mất tiền vì cài app giả Dịch vụ công

Do nhẹ dạ cả tin, nhiều nạn nhân sập bẫy chỉ vì nghe cuộc gọi giả danh công an, bác sĩ...

Mất 2,8 tỷ khi đăng ký 'khóa tu hè' cho con

Trong lúc tìm khóa tu hè cho con, người phụ nữ tại Hà Nội bị dụ dỗ mua vật phẩm phong thủy, thiệt hại 2,8 tỷ đồng.

Mạo danh 'Cục An ninh mạng' để lừa đảo

Nhiều fanpage mạo danh "Cục An ninh mạng" để cung cấp dịch vụ lấy lại tiền bị lừa, thực chất là dụ dỗ nạn nhân nhằm tiếp tục chiếm đoạt tài sản.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm