Bình luận
Nếu nói với Man City rằng có muốn đánh đổi 1,5 tỷ euro để được một lần lên đỉnh Champions League hay không, chắc rằng chẳng cổ động viên nào của họ lại không đồng ý. 1,5 tỷ euro là số tiền khổng lồ. Nó đủ để mua cả hai đội bóng thành Milano, hai nhà cựu vô địch châu Âu với 10 danh hiệu.
Và nó cũng chính là số tiền mà Man City quẳng ra thị trường chuyển nhượng trong thập kỷ vừa qua để hướng tới mục đích cuối cùng. Nhưng rồi các Citizen vẫn cứ phải khắc khoải chờ đợi, từ mùa này sang mùa khác để được tận mắt nhìn thấy thiên đường.
De Bruyne đóng góp lớn vào thành công của Man City. Ảnh: Getty Images. |
Gạch nối mang tên KDB
“Thật phấn khích”, Kevin De Bruyne đã thốt lên như vậy khi Sky phỏng vấn anh sau khi Man City đánh bại nhà á quân mùa trước Paris Saint-Germain. Tiền vệ người Bỉ chắc chắn không thể giấu được niềm vui sướng đến tột cùng của anh và anh cũng không muốn che giấu điều ấy. Trong khoảng 5 năm qua, De Bruyne luôn được xếp vào hàng ngũ những tiền vệ hay nhất thế giới, thậm chí có ý kiến cho rằng anh là số 1. Thế nhưng, những danh hiệu lớn vẫn cứ lảng tránh anh.
World Cup hay Euro thì cũng đành vì đó là giải đấu cấp quốc gia và các cầu thủ phải phụ thuộc vào sức mạnh của những người đồng hương và đôi khi cả vận may nữa. Nhưng Champions League thì khác! Giải đấu vẫn tổ chức đều đặn mỗi năm và tất nhiên, De Bruyne cũng đều đặn tham dự mỗi năm. Song phải đến lúc này, khi đã ngót nghét 30 tuổi và bắt đầu nhìn thấy sườn dốc bên kia của sự nghiệp, anh mới đứng trước cơ hội được chơi trong một trận chung kết lớn.
“Chúng ta hãy thử tưởng tượng khi các đội bóng xếp hàng ở Porto để chuẩn bị cho trận chung kết Champions League, Kevin De Bruyne vẫn mặc áo màu xanh. Nhưng đậm hơn …”, nhà báo Ian Hawkey đã viết như thế trong một bài nói về mối quan hệ giữa De Bruyne với Chelsea.
Giá như hồi đó Chelsea tinh tường hơn, De Bruyne bây giờ đã có thể đá cho The Blues chừng 350 trận, ghi hàng chục bàn thắng và kiến tạo cho đồng đội lập công gấp nhiều lần hơn thế, cùng với đó, tất nhiên, là những danh hiệu. Song điều ấy không bao giờ đến. Kể từ năm 2012 cho tới nay, De Bruyne chính là hiện thân của sự lãng phí tài năng trong chiến dịch “đãi cát tìm vàng” của Chelsea.
Giống như Mohamed Salah. Giống như Juan Cuadrado. Và giống như Romelo Lukaku. “De Bruyne, 1 kiến tạo, 0 bàn thắng, 10 lần đoạt lại bóng”, tiếng Jose Mourinho đều đều vang lên đọc các thông số của chàng trai trẻ người Bỉ. Và khi mảnh giấy ấy được đặt xuống bàn, De Bruyne hiểu đấy là “khoảnh khắc thay đổi cuộc đời” của anh để rồi sau đó đã phải thốt lên rằng “các người liệu có thực sự cần tôi không”. Anh rời Stamford Bridge và phần còn lại như tất cả đều biết.
Nhưng Chelsea vẫn chưa hết duyên nợ với De Bruyne. Trong cả tháng 5, anh đã phải cố gắng chạy đua trong việc hồi phục để kịp dự trận đấu cuối cùng của mùa giải. Bắt đầu từ vết đau ở mắt cá ở bán kết Cup FA với chính Chelsea, anh tiếp tục chống lại chấn thương gân khoeo và thêm một chỗ khó chịu khác ở bắp chân chỉ trong có 3 tuần.
Tầm quan trọng của thiên tài người Bỉ khiến Pep và Man City đã phải lên một kế hoạch tỉ mỉ để bảo vệ anh suốt quãng thời gian ấy. Chỉ đến khi De Bruyne xuất hiện trong trận đấu của vòng 38, ghi 1 bàn thắng và kiến tạo thêm 1 bàn khác rồi nói rằng anh cảm thấy rất thoải mái, Guardiola và các cộng sự mới thở phào trong nhẹ nhõm.
Và phía trước De Bruyne là Chelsea. Lại là Chelsea…
Thách thức đến từ Chelsea. Ảnh: Reuters. |
Khi quá khứ không gọi tên Man City
50 năm trước, tháng 4/1971, Man City và Chelsea có màn đụng độ nhau duy nhất từ trước đến nay trong lịch sử các Cup châu Âu. Đó là vòng bán kết của Cup vô địch các quốc gia mà chúng ta hay gọi là Cup C2. Man City khi ấy vẫn là nhà đương kim vô địch. Thay vì mặc chiếc áo xanh nhạt truyền thống, The Citizen đã quyết định vẫn khoác lên mình bộ cánh Đỏ-Đen để lấy may.
Chả là hồi đó, ban lãnh đạo Man City sau khi chứng kiến AC Milan đoạt Cup châu Âu, họ đã cảm thấy nên để các cầu thủ mặc sắc áo này để hưởng sự tự tin từ nhà vô địch Ý. Và may thật! Man City cứ lần lượt đoạt hết Cup này đến Cup khác, đầu tiên là Cup FA 1969, kế đến là League Cup 1970 và sau đó là chiếc Cup C2 cùng năm. Tất cả đều ở những trận họ mặc chiếc áo sọc Đỏ-Đen.
Nhưng khi gặp Chelsea, sự may mắn từ bộ cánh của người Ý đã biến mất hoàn toàn. Trong hai lượt trận, mỗi đội đều chỉ ghi 1 bàn. Tuy nhiên, trong khi Derek Smethurst của The Blues tìm được đúng mành lưới đối thủ thì thủ thành mới 17 tuổi Ronald Healey của Man City lại lóng ngóng tự đốt lưới nhà. Man City thành cựu vô địch và cay hơn nữa, Chelsea đã giành Cup sau đó 3 tuần. Tính rộng ra, trong 166 lần gặp mặt, Chelsea vẫn là đội chiếm ưu thế với 68 trận thắng, nhiều hơn Man City tới 10 trận.
Ngay cả phong độ gần đây, Chelsea cũng vẫn đang có phần vượt trội. Hồi đầu năm, Man City thắng Chelsea ngay tại Stamford Bridge. Nhưng đó là lúc The Blues đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng với 5 trận thua trong vòng 1 tháng. Frank Lampard đã phải trả giá bằng chiếc ghế huấn luyện viên của mình và không ai có thể nghĩ Thomas Tuchel lại vá víu lỗ hổng trên con tàu Chelsea nhanh như thế.
Chính trong quá trình thăng hoa của Chelsea, Man City đã trở thành “nạn nhân” khi thúc thủ tới 2 lần chỉ trong vòng có 20 ngày. Trận thua ở Premier League có thể coi là một tai nạn và không ảnh hưởng gì nhiều lắm nhưng thất bại tại bán kết Cup FA đối với thầy trò Pep mà nói là rất đau. Nó đánh mất luôn tham vọng ăn 4 vô tiền khoáng hậu của Man City ở mùa này. Đấy cũng là 1 trong 2 trận hiếm hoi, các cầu thủ của Pep không thể chọc thủng lưới đối phương trong năm 2021.
Cuối cùng, có một yếu tố mang tính tâm linh không khỏi khiến Man City e ngại. Ngoại trừ Milano, chưa thành phố nào ở châu Âu có 2 nhà vô địch Champions League. Những nỗ lực để phá dớp trong suốt 20 năm qua đều thất bại. Atletico Madrid mạnh là thế, vậy mà thua ở chung kết tới 2 lần. London còn có tới 3 đội bóng đi tới trận đấu cuối cùng, song chỉ mới có Chelsea mỉm cười chiến thắng.
Guardiola mới chỉ một lần thua chung kết. Ảnh: Reuters. |
Nhưng The Citizen lại có Pep
Tất cả yếu tố mang tính lịch sử, Pep đều biết rõ và ông đã cố gắng tạo cho bản thân cùng các cầu thủ sự thoải mái nhất trước khi bước vào trận quyết đấu. “Tôi cũng là một khán giả như các bạn thôi”, Pep nói với vẻ thích thú khi đội bóng của ông tạo ra cách biệt quá lớn với đội xếp sau ở Premier League và trong những vòng đấu cuối cùng, ông đã không còn chịu đựng sự căng thẳng nữa.
“Khi chúng tôi có được 21 chiến thắng liên tiếp, đó là vì ngay sau một trận thắng, chúng tôi đã phải lên kế hoạch cho trận thắng tiếp theo, nếu không, chúng tôi không thể giành được 21 chiến thắng liên tiếp. Nó giống như một chiếc máy làm pizza vậy. Pizza, pizza, pizza và pizza. Nó giống hệt nhau: trận tiếp theo, trận tiếp theo và trận tiếp theo. Bây giờ là mùa hè và trong giai đoạn này, kể từ khi vô địch Premier League 3 tuần trước, bạn đã có thời gian để thưởng thức và để suy nghĩ về điều gì bạn sẽ phải làm trong tương lai”.
Với chính bản thân Pep, đã quá lâu rồi ông không đến với chung kết Champions League. Vị huấn luyện viên vô địch giải đấu trẻ nhất trong lịch sử, sau 2 chiến thắng trong 3 năm đầu dẫn dắt Barcelona, đã cần thêm đúng 10 năm để một lần nữa bước vào chung kết.
Rất nhiều lần, Pep và các học trò của ông tiến đến vòng bán kết nhưng giống như có một lời nguyền gì đó, họ đều thất bại và đau nhất là 3 năm trước, khi cú sút của Raheem Sterling đã bị VAR từ chối trong những phút cuối cùng đấu với Tottenham.
“Năm nay, đồng xu ở phía chúng tôi”, Pep tự tin phát biểu như vậy trong một cuộc phỏng vấn trước thềm trận chung kết. Man City đang chơi thứ bóng đá tuyệt vời nhất ở Champions League mùa giải này. Với Ruben Dias ở hàng thủ, họ mới chỉ bị thủng lưới có 4 lần sau 12 trận và 11 lần trong số đó kết thúc với niềm vui chiến thắng. Cộng thêm việc Pep chưa từng thất bại trong trận chung kết, đấy là những điểm tựa để Man City có thể tin rằng họ sẽ là nhà vua mới của bóng đá châu Âu.
Chờ lịch sử gọi tên Man City. |
Để thay đổi lịch sử
“Bây giờ tôi đến trường học đón con trai tôi, tất cả đều là cổ động viên của City”, Kyle Walke kể lại. Điều đó ít ai có thể hình dung nếu đặt vào thời điểm 7 hay 8 năm trước và càng không phải nếu lùi ngược thêm nhiều năm hơn nữa.
Sự đầu tư của Sheikh Mansour đã biến Man City trở thành một CLB hoàn toàn khác so với quá khứ. Không chỉ đầu tư hàng núi tiền để đem về những ngôi sao hàng đầu, vị tỷ phú của Abu Dhabi còn tạo ra cơ sở hạ tầng tuyệt vời ở Eastlands để biến nơi này thành địa điểm các cổ động viên có thể thỏa mãn niềm đam mê mỗi cuối tuần.
Nhưng không thể phủ nhận công lao của Pep trong quá trình lột xác ấy. Ông đã lắp ráp các cầu thủ xuất sắc để tạo thành một đội bóng xuất sắc. Ngoài việc xác lập lối chơi luôn áp đặt lên mọi đối thủ, mùa này, Pep đã điều chỉnh và phát triển sự hợp tác giữa Ruben Dias với John Stones để tạo nên bức tường thép phía trước Ederson.
Ông cũng cho phép Gundogan được chơi thoải mái hơn và tấn công nhiều hơn. Dưới bàn tay của ông, De Bruyne, người từng than thở về việc Chelsea không muốn có anh, đã đi lên trình độ hàng đầu thế giới trong khi Phil Foden trưởng thành liên tục và hứa hẹn sẽ là một siêu sao tương lai.
Nhưng tất cả sẽ không có ý nghĩa đầy đủ nếu Man City chưa thể vô địch Champions League. Bởi không một CLB nào dám tự nhận là “đội bóng lớn” nếu không giành được danh hiệu tuyệt vời này. Man City cần chiếc Cup Champions League để trở thành vĩ đại. Quá khứ kém cỏi thì đã sao khi họ đang có Pep, có De Bruyne và có sự tự tin cùng khát khao đến cháy bỏng!
Ở nơi cuối con đường, chỉ còn một chướng ngại nữa thôi.