Theo Reuters, ông Hishammuddin Hussein sẽ có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Paynea vào tuần tới. Hai bên dự kiến thảo luận về các nỗ lực nhằm yêu cầu Trung Quốc thực hiện cam kết không đưa tài sản quân sự trong khu vực.
"Nếu những báo cáo chúng tôi nhận được từ nhiều nguồn khác nhau liên quan đến hoạt động xây dựng và bố trí các phương tiện quân sự tại quần đảo Trường Sa là chính xác, điều đó buộc chúng tôi phải có động thái đáp trả Trung Quốc", ông Hishammuddin nói với các phóng viên ngày 14/3.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein. Ảnh: Reuters |
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Malaysia đồng thời cho biết ông sẽ có cuộc gặp gỡ với phía Việt Nam và Philippines, nhấn mạnh rằng nếu các báo cáo về sự mở rộng quân sự của Trung Quốc được xác minh, Malaysia không thể hành động một mình để ngăn chặn các động thái hiếu chiến.
"Chúng tôi cần sự ủng hộ của các nước ASEAN khác và tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ. Chúng ta cần duy trì cân bằng, kiềm chế hành động của siêu cường, dù đó là Trung Quốc hay Mỹ", ông Hishammuddin khẳng định.
USNI News, trang tin tức và phân tích hàng hải của Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ, cho hay trong bản báo đánh giá trình lên Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi tháng 2, ông James Clapper đề cập nhiều tới tốc độ quân sự hóa của Trung Quốc.
Bản đánh giá nhận định với các cơ sở ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ có sức mạnh tấn công đáng kể trong khu vực trong năm tới, điều đi ngược lại với tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.
Hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc được tiến hành nhanh chóng và tăng dần theo thời gian. Bắc Kinh đưa máy nạo vét để xây đảo nhân tạo trên rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ đầu năm 2014, tăng tốc vào năm 2015 và nơi này giờ đã xuất hiện các cảng nước sâu, đường băng dài cho tàu chiến và máy bay chiến đấu.
Trung Quốc cũng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích dữ dội sau khi đưa chiến đấu cơ J-11 hạ cánh xuống sân bay mà nước này xây dựng trái phép ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Động thái này diễn ra ngay sau khi Bắc Kinh bị phát hiện đưa tên lửa phòng không HQ-9 tới Phú Lâm. Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh còn cho thấy Bắc Kinh đã xây 4 tháp radar nhân tạo trên quần đảo này.