Trung Quốc xây đường băng trái phép tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters |
- Ngày 13/3, Trung Quốc tuyên bố muốn lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế và gọi đây là biện pháp bảo vệ cái gọi là chủ quyền của nước này trên biển. Theo ông, ý đồ thực chất của động thái này là gì?
- Từ những động thái mà Trung Quốc thực hiện thời gian qua, chúng ta đều thấy rằng nước này sẽ làm mọi cách để giành quyền kiểm soát Biển Đông. Dù Trung Quốc rêu rao có quyền chủ quyền cũng như bằng chứng hay đủ lý lẽ, nhưng cho tới nay, cộng đồng quốc tế không ai tin vào điều đó.
Để tìm cách lái thế giới cũng như xoay chuyển luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho mình thì Trung Quốc đã làm mọi cách. Tuyên bố thành lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế cũng nằm trong chuỗi âm mưu thống trị Biển Đông mà nước này thực hiện suốt thời gian qua.
Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển, Liên đoàn luật sư Việt Nam. Ảnh: QĐND |
- Cuối tháng 5, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách "đường 9 đoạn" ở Biển Đông. Liệu Bắc Kinh có kiện ngược Manila tại cái gọi là trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế hay không?
- Nếu Trung Quốc kiện ngược Philippines tại trung tâm tư pháp quốc tế mà họ tự lập thì đó là trò lố bịch.
Cho tới nay chúng ta chưa biết rõ quy chế hoạt động của trung tâm đó. Tuy nhiên, nếu kiện Philippines ở trung tâm tự lập, Trung Quốc chỉ có thể kiện về mặt dân sự. Ví dụ, nếu tàu Philippines va chạm với tàu Trung Quốc thì họ kiện lên tòa án quốc gia thì được. Còn họ muốn kiện một quốc gia thì phải cần tới luật pháp và định chế quốc tế. Một tòa quốc gia không thể quyết định vấn đề này.
Vai trò của tòa án quốc tế là không thể thay đổi. Bất kỳ tòa án hay tổ chức của quốc gia nào đều không thể thay thế cơ quan quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tìm cách biện minh, tức là họ "dân sự hóa" các hành động của mình.
Ví dụ Trung Quốc đưa các đội tàu dân sự, không phải lực lượng quốc phòng của quốc gia để thực thi cái gọi là luật pháp của họ trên Biển Đông. Thực chất các tàu đó là tàu hải quân nhưng khoác áo dân sự. Trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế của họ cũng vậy. Nó khoác một cái áo bên ngoài để có cớ "ru ngủ" người dân của họ.
- Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc kiên quyết bác bỏ phán quyết của PCA và viện vào trung tâm tư pháp mới của họ để tiếp tục các yêu sách trên biển?
- Trước hết, chúng ta phải chờ đợi phán quyết của PCA trong tháng 5 tới. Từ đầu, Bắc Kinh đã chọn thái độ không tham gia, không xuất hiện trong phiên tòa và đương nhiên không thừa nhận phán quyết của tòa quốc tế. Những điều này đều được dự đoán trước.
Nếu PCA ra phán quyết đường 9 đoạn của Trung Quốc vẽ ra không có cơ sở pháp lý, không tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật biển, cộng đồng sẽ có tiếng nói và biện pháp buộc Trung Quốc phải trả giá.
- Có ý kiến cho rằng việc Trung Quốc lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế là một phần trong phản ứng của Trung Quốc trước việc thiếu sự ảnh hưởng tại các tổ chức quốc tế. Ông nhận định như thế nào?
- Trung Quốc không phải là nước không có ảnh hưởng trong các định chế quốc tế. Người Trung Quốc được đặt rất nhiều trong cơ quan có tầm ảnh hưởng tới mọi quốc gia trên thế giới, ví dụ Tòa án quốc tế về luật biển (ITLO) có thẩm phán người Trung Quốc. Ngay cả Tổng giám đốc Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cũng là người Trung Quốc.
Nhưng quan trọng hơn hết, điều mà Trung Quốc biện minh cho họ trên Biển Đông không có cơ sở trong luật quốc tế, nên họ không thể đổi trắng thay đen. Trung Quốc không thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế bởi họ không có nền tảng, cơ sở pháp lý rõ ràng.
- Các nước có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam cần phải đấu tranh như thế nào trước một Trung Quốc ngày càng lắm chiêu trò trên biển?
- Trung Quốc đang vừa bồi lấp các thực thể trên Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và biến nơi đây thành các căn cứ quân sự, đồng thời muốn thay đổi luật pháp quốc tế.
Trung Quốc sẽ không dừng tham vọng trên Biển Đông. Không có gì khiến họ thay đổi, trừ phi cả thế giới đồng lòng, buộc họ dừng lại. Tuy nhiên, cho tới nay, thế giới vẫn chưa làm đúng mức, chưa đủ mạnh mẽ.
Theo cá nhân tôi, Việt Nam cần có những động thái tích cực hơn. Ví dụ như Philippines đã chủ động đối mặt Trung Quốc trong tranh chấp qua PCA. Đây là điều mang tính đột phá. Gần đây, Philippines còn dự tính thuê tàu và máy bay của Nhật để tuần tra trên Biển Đông. Đây đều là những sáng kiến tốt mà Việt Nam có thể tham khảo.
Mỹ tuyên bố duy trì hoạt động tuần tra trên các vùng biển quốc tế, gồm Biển Đông. Theo tôi, Việt Nam cũng cần thực hiện tương tự. Cái khó của Việt Nam là không đủ tiềm lực và phương tiện kỹ thuật để thực hiện tuần tra trên vùng biển quốc tế cho phép, chúng ta có thể thuê phương tiện tuần tra của một số nước khác như Mỹ, Nhật hay Australia. Việc duy trì hoạt động tuần tra như vậy cũng góp phần bác bỏ hành động và yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.