Trung Quốc muốn xây dựng trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế trong bối cảnh những việc làm của Bắc Kinh trên Biển Đông bị chỉ trích mạnh mẽ. Ảnh: CSIS |
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Chu Cường cho biết Bắc Kinh đang thực hiện các chiến lược quốc gia nhằm trở thành một “cường quốc hàng hải”. Ông Chu mạnh mồm khẳng định Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ cái gọi là chủ quyền, quyền hàng hải và các lợi ích cốt lõi khác, Reuters đưa tin.
Trung Quốc có nhiều tòa án hàng hải nhất thế giới
Ông Chu cũng kêu gọi nâng cao khả năng của tòa án hàng hải đồng thời thành lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế để đạt được tham vọng về chủ quyền. Tuy nhiên, ông không cho biết cụ thể về cái gọi là trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế của Trung Quốc cũng như thời gian tổ chức này đi vào hoạt động, trụ sở hay chức năng cụ thể của nó.
Nhằm lý giải cho việc cần thiết xây dựng các cơ quan mới, ông Chu nhấn mạnh, các tòa án Trung Quốc đã xét xử 16.000 vụ việc hàng hải trong năm 2015, nhiều nhất trên thế giới. Quốc gia này cũng là nơi có nhiều tòa án hàng hải nhất trên thế giới.
Ông Chu cũng đề cập tới vụ việc xảy ra năm 2014, khi một tàu cá Trung Quốc va chạm với tàu hàng mang cờ Panama trên khu vực Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Vụ việc đã được giải quyết thông qua hòa giải và Trung Quốc tự nhận mình có quyền “tài phán” trên vùng biển này.
Để tăng thêm tính thuyết phục cho cái gọi là “trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế”, giới chức Trung Quốc cũng đề cập tới 225.000 vụ kiện hàng hải mà nước này đã xử lý kể từ năm 1984. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cũng khẳng định cơ quan mới sẽ khác biệt với các thể chế hiện hành mà Bắc Kinh đang duy trì.
Kiện ngược Philippines
Trung Quốc đang gây hấn với các nước láng giềng trên Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách lãnh thổ mà họ đang theo đuổi. Tại Hoa Đông, Trung Quốc liên tiếp khẳng định chủ quyền với quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Quần đảo này đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản.
Ngoài ra, Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch nhất thế giới. Trung Quốc còn chiếm đóng phi pháp quần đảo Hoàng Sa cũng như xây dựng các đảo nhân tạo bất hợp pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hay chiếm đóng bãi cạn Scarborough của Philippines.
Trước những động thái ngang ngược của Trung Quốc, Philippines đã nộp đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc tại The Hague, Hà Lan. Trung Quốc nhiều lần bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài nhưng đơn kiện của Philiipines đã được cơ quan này tiếp nhận cũng như khẳng định quyền xét xử.
Với việc thành lập "trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế", Trung Quốc hoàn toàn có thể phản công bằng cách kiện ngược Philippines tại đây, đồng thời trung hòa phán quyết của Tòa Trọng tài.
Trung Quốc cũng đang tiến hành các động thái nhằm quân sự hóa Biển Đông, bất chấp cam kết của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong năm 2016, Bắc Kinh đã đưa tiêm kích phản lực và tên lửa phòng không tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đẩy mạnh việc xây dựng các trạm radar trên các đảo nhân tạo phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.