Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mắc 1 lỗi trong 9.000 trận, công nghệ goal-line để lộ hạn chế

Việc Bournemouth, đội phải chia tay Premier League vì xuống hạng, sẵn sàng kiện goal-line cho thấy những bất cập của việc áp dụng công nghệ vào bóng đá.

cong nghe goal-line anh 1

Ban lãnh đạo Bournemouth đã gọi sai sót mà Hawk-Eye (hệ thống mắt diều hâu hay còn gọi là mắt thần) và hệ thống goal-line gây ra là scandal có thể hủy hoại đội bóng của họ, cũng như tạo ra tiền lệ xấu trong bóng đá.

Sai sót đầu tiên

Ngày 18/6, Aston Villa gặp Sheffield United trong trận đấu đầu tiên của Premier League sau thời gian nghỉ dài vì dịch bệnh. Với tư cách đội đang đứng gần chót bảng, Aston Villa bị đánh giá thấp hơn đối thủ Sheffield đang đua suất dự Champions League.

Cuối hiệp một của trận đấu, Sheffield được hưởng một quả đá phạt cố định chếch về bên trái. Cú treo bóng của cầu thủ Sheffield đi thẳng về khung thành Aston Villa, thủ môn Nyland tóm gọn được bóng khi tình huống kết thúc.

Nhưng những gì diễn ra sau đó gần như khiến cả thế giới bóng đá và những nhà làm công nghệ kinh ngạc.

Băng quay chậm của truyền hình cho thấy bóng rõ ràng đã vượt qua vạch vôi. Nhìn qua màn hình TV, ngay cả những cổ động viên bị cận nặng nhất cũng thấy rõ ràng bóng đã qua vạch vôi.

Các cầu thủ Sheffield giơ tay, gào thét đòi bàn thắng. Michael Oliver, một trong những trọng tài hay nhất nước Anh hiện tại nhìn vào đồng hồ điện tử và lắc đầu. Công nghệ goal-line không báo bàn thắng.

Aston Villa thoát khỏi một bàn thua trông thấy. Trận đấu giữa Aston Villa và Sheffield hôm ấy kết thúc với tỷ số hoà 0-0.

Chưa đầy 30 phút sau khi trọng tài Oliver nổi hồi còi kết thúc trận đấu, các nhà thiết kế ra Hawk-Eye, đơn vị trực tiếp điều hành và áp dụng công nghệ nói trên vào bóng đá với tên gọi goal-line đã phải lên tiếng xin lỗi.

“Trong hiệp 1 trận đấu giữa Aston Villa vs Sheffield United tại sân vận động Villa Park đã xảy ra một sự cố khó tin, khi quả bóng nằm trong tay thủ môn của Aston Villa, Nyland đã đi qua vạch cầu môn”, các nhà thiết kế ra Hawk-Eye viết trên trang chính thức.

Thông cáo của Hawk-Eye cho biết các trọng tài đã không nhận được tín hiệu từ đồng hồ cũng như tai nghe dựa vào Hệ thống Quyết định Bàn thắng (GDS). 7 camera đặt xung quanh khu vực khung thành đã bị thủ môn, hậu vệ và cột gôn chặn lại dẫn đến tình trạng này.

“Đây là lần đầu tiên trong hơn 9.000 trận đấu có hệ thống goal-line của Hawk-Eye hoạt động, nó không thể nhận định chính xác tình huống”, Hawk-Eye kết luận.

Sai sót “9.000 trận đấu có một” khi đó đã làm dậy sóng bóng đá Anh và thậm chí cả bóng đá thế giới.

cong nghe goal-line anh 2

Trọng tài Michael Oliver, một trong những trọng tài hay nhất nước Anh hiện tại, phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ trong tình huống nhạy cảm ở trận Aston Villa - Sheffield. Ảnh: Getty.

Tròn một thập niên sau ngày Frank Lampard bị từ chối bàn thắng dù đã đưa bóng đi qua vạch vôi tuyển Đức, bóng đá đỉnh cao thế giới mới lại chứng kiến một vụ tranh cãi về việc bóng liệu có băng qua vạch vôi khung thành hay chưa.

Năm 2012, IFAB, tổ chức duy nhất trên thế giới có quyền thay đổi luật bóng đá, tuyên bố phê chuẩn công nghệ goal-line. Premier League trở thành giải đấu đầu tiên trên thế giới áp dụng nó. Vài năm sau, mọi giải đấu lớn đều áp dụng công nghệ này.

Nổi tiếng với những màn trình diễn ở tennis từ nhiều năm trước, khi ký hợp đồng với Premier League vào năm 2013, các nhà thiết kế ra Hawk-Eye từng khẳng định với công nghệ goal-line trong bóng đá, các camera giám sát và các thiết bị cảm ứng được đặt cố định quanh khung thành hỗ trợ được việc tự động xác định trái bóng bằng các hình ảnh khác nhau.

Khi quả bóng đi qua vạch vôi, máy chủ sẽ phân tích vị trí của trái bóng bằng hình ảnh 3D. Một khi bóng đã đi qua vạch vôi, tín hiệu lập tức được gửi tới đồng hồ của trọng tài để xác định tình huống chỉ trong 1 giây, rằng bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa.

Nhiều người tin rằng với sự có mặt của công nghệ trên sân, việc xác định các tình huống bóng bay qua vạch vôi sẽ trở nên chính xác tuyệt đối.

Họ tin rằng những hệ thống máy móc trị giá hàng chục triệu USD không bao giờ có thể để xảy sai sót như các trọng tài, những người chỉ có đôi mắt thường.

Tuy nhiên, sự cố ở Villa Park ngày 18/6 đã thay đổi mọi suy nghĩ về việc máy móc thì không mắc sai lầm. Và một đội bóng khác của Premier League tin rằng họ chính là người phải trả giá cho sai lầm ấy.

cong nghe goal-line anh 3

Thủ môn Ramsdale đã khóc trong ngày Bournemouth xuống hạng. Ảnh: Getty.

Sai lầm trị giá 200 triệu bảng

Bournemouth tin rằng nếu bàn thắng của Sheffield vào ngày 18/6 được công nhận, Aston Villa có thể sẽ không trụ hạng Premier League. 1 điểm trong trận hoà 0-0 với Sheffield giúp Aston Villa kết thúc mùa giải với 1 điểm nhiều hơn Bournemouth.

Nếu không có 1 điểm đó, Aston Villa sẽ rớt hạng vì kém Bournemouth hiệu số trên bảng xếp hạng sau 38 vòng đấu.

Trong số 3 đội xuống hạng Premier League mùa này, Bournemouth chính là CLB chịu nhiều rủi ro về tài chính nhất. Hồi tháng 5, giám đốc điều hành Aston Villa khẳng định những đội bóng rớt hạng Premier League mùa này sẽ mất khoảng 200 triệu bảng doanh thu.

Đó là lý do ban lãnh đạo Bournemouth trong cuộc họp khẩn vào đầu tuần này, đã khẳng định sẽ thuê luật sư để kiện công nghệ Hawk-Eye. Sai lầm của hệ thống xác định bàn thắng đã khiến đội bóng này phải trả cái giá quá đắt.

Thomas Horton, một luật sư chuyên về luật bóng đá tin rằng dù có cơ sở để kiện Hawk-Eye, nhưng Bournemouth chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong vụ kiện.

“Bournemouth có có sở để tin rằng sai sót của công nghệ đã khiến họ phải chịu thiệt hại khổng lồ”, Horton phân tích. “Tuy nhiên, việc các công nghệ đã được kiểm tra và cấp phép từ trước khi trận đấu diễn ra khiến Bournemouth nhiều khả năng phải chấp nhận nó như là một phần của cuộc chơi”.

Trong thông cáo của mình, Hawk-Eye khẳng định hệ thống của họ đã được các quan chức trận đấu kiểm tra và xác nhận là hoạt động trước khi bắt đầu trận đấu theo Luật IFAB.

Simon Leaf, một luật sư thể thao khác đến từ văn phòng Mishcon de Reya khẳng định cửa duy nhất cho Bournemouth nếu kiện đó là phải chứng minh được thiệt hại trực tiếp mà Hawk-Eye gây ra cho mình.

Hawk-Eye và ban tổ chức Premier League có thể biện luận rằng nó chỉ là sai sót “có thể xảy ra” trong một trận đấu không liên quan đến Bournemouth. Kết quả trận đấu sẽ không bao giờ có thể bị thay đổi. “Rất khó cho Bournemouth”, Mishcon de Reya nhận định.

Tuy nhiên, dù Bournemouth có thua trong vụ kiện nói trên, người ta không thể phủ nhận áp lực của họ có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong bóng đá. Và chắc chắn nó sẽ khiến Hawk-Eye và công nghệ goal-line phải trả giá đắt.

cong nghe goal-line anh 4

Công nghệ goal-line của Hawk-Eye áp dụng công nghệ hiện đại và từng được quảng cáo là "cực kỳ chính xác". Ảnh: Hawk-Eye.

Khi công nghệ bị nghi ngờ

Luật sư Reya nhận định Premier League có thể yêu cầu Hawk-Eye một khoản bồi thường vì đã để xảy ra sai sót cho một công nghệ từng được quảng cáo là “chính xác tuyệt đối”.

Năm 2013, Hawk-Eye ký với Premier League một bản hợp đồng có thời hạn 5 mùa giải với giá trị lên tới gần 10 triệu bảng. Mỗi CLB Premier League phải bỏ ra ít nhất nửa triệu bảng để trả cho Hawk-Eye.

Với việc Hawk-Eye đã mắc sai sót, Bournemouth hoàn toàn có thể có khoản bồi thường của họ.

Hawk-Eye giờ thậm chí phải đối mặt với vấn đề lớn hơn đó là uy tín về mặt công nghệ của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau sự cố.

Là một trong những công ty công nghệ nổi tiếng nhất trong thể thao, Hawk-Eye là đối tác tin cậy của FIFA, Premier League, Bundesliga, Serie A và nhiều giải đấu lớn khác trong gần một thập niên qua.

Sai lầm trong trận Aston Villa có thể khiến Hawk-Eye chịu nhiều nghi ngờ từ các đối tác.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trong tương lai, một bàn thắng ở trận chung kết World Cup bị từ chối vì goal-line lại bị lỗi? Nó sẽ là một scandal khủng khiếp khác.

Hawk-Eye có thể phải mất thêm hàng chục triệu bảng để soi chiếu lại hệ thống goal-line của mình trên tất cả các giải đấu.

Sự cố nói trên cũng khiến nhiều người đặt dấu hỏi về bài toán áp dụng công nghệ vào bóng đá. Việc tổ trọng tài điều khiển trận đấu giữa Aston Villa và Sheffield United quá phụ thuộc vào goal-line đã bộc lộ hạn chế.

Công nghệ liệu có thể thay thế hoàn toàn con người, và cách sử dụng nó trong mỗi trận đấu bóng đá vào thời điểm phải chăng đã hợp lý hay chưa?

Leeds United ăn mừng hài hước khi lên hạng Premier League Giám đốc Kỹ thuật Victor Orta có màn ăn mừng chế giễu sự cố do thám của Leeds trước Derby County vào tháng 1/2019.

Khái niệm 'tứ đại gia' Premier League sắp trở lại

Việc MU dự Champions League mùa tới cũng như sự trở lại mạnh mẽ của Chelsea trên thị trường chuyển nhượng có thể báo hiệu cuộc phân hóa quyền lực mới ở bóng đá Anh.

Xuống hạng vì kém 1 điểm, Bournemouth sẽ kiện công nghệ goal-line

Ban lãnh đạo Bournemouth sẽ gửi khiếu nại lên ban tổ chức Premier League và các bên có liên quan sau khi phải xuống chơi ở giải hạng Nhất (Championship) mùa tới.

Hồng An

Bạn có thể quan tâm