Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý Quang Diệu và những câu chuyện với Việt Nam

Chuyến bay của Vietnam Airlines chuẩn bị hạ cánh xuống đảo quốc Singapore, cơ trưởng thông báo điều kiện thời tiết tuyệt đẹp cho du khách chuẩn bị thăm quốc gia giữa đại dương.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần gặp gỡ ông Lý Quang Diệu.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần gặp gỡ ông Lý Quang Diệu.

Kỳ 1: Cái bắt tay ở Davos

Trong lúc mọi người lao xao háo hức thì một người đàn ông đứng tuổi trầm ngâm nhìn qua ô cửa sổ máy bay. Đã gần cả chục lần đến đất nước này nhưng lòng ông vẫn dậy lên nhiều cảm xúc khó tả. Nó gợi lên trong ông nhiều câu hỏi thời cuộc về con đường phát triển.

Người đàn ông đó nguyên là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đoàn Duy Thành. Ngay từ lúc còn làm bí thư Hải Phòng, ông đã đến thăm đảo quốc này.

Rồi khi làm việc trong chính phủ, sau lại giữ chức chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông vẫn thường xuyên qua lại Singapore theo những lời mời công vụ, kể cả đi nghiên cứu hợp tác kinh tế...

Ngược dòng lịch sử, quan hệ hai nước Việt Nam và Singapore đã trải qua rất nhiều đổi thay lịch sử. Từ thời nhà Nguyễn còn giữ vương triều ở Huế, Tân Gia Ba (Singapore) đã là một trong những địa chỉ quan trọng để thương thuyền Việt Nam cập bến mua bán hàng hóa.

Nó là một trong những cánh cửa quan trọng trên biển để triều đình nhà Nguyễn bước ra thế giới rộng lớn ngoài con đường mịt mù bảo thủ phía Bắc. Rồi trước và trong cuộc chiến tranh khốc liệt 1954-1975 ở Việt Nam, Singapore lại càng "nợ nần" với Việt Nam nhiều hơn.

Chính ông Lý Quang Diệu sau này từng kể lại với các người bạn Việt Nam rằng ông rất am hiểu về đất nước này. Đặc biệt khi quân đội Mỹ ngày càng sa lầy vào chiến trường miền Nam Việt Nam, Singapore cùng với Philippines, Thái Lan đã trở thành đầu cầu quan trọng để người Mỹ hoạt động chiến sự ở Việt Nam .

Và "tình cảm láng giềng" giữa hai quốc gia liền kề đại dương phải gánh cả những thăng trầm thời cuộc. Gút mắc lại càng khó giải hơn khi quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Campuchia khỏi nạn diệt chủng lại bị tuyên truyền là đoàn quân "xâm lược".

Trước khi sang Singapore lần đầu tiên, ông Thành đã nghiên cứu cả những vấn đề này. Theo ông, cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt lẫn ông Lý Quang Diệu đều có những nỗ lực cụ thể để phá đi "tảng băng lạnh giá" giữa hai bên.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ) tháng 2/1990, ông Võ Văn Kiệt và ông Lý Quang Diệu đã gặp nhau và đề nghị hai bên cùng hướng đến tương lai, gác lại quá khứ. Không hề hoa mỹ, ông Lý Quang Diệu đã đáp lại chân tình từ chân tình của Việt Nam.

Phích cắm Singapore

Nguyên bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết, người có mặt trong diễn đàn này, vẫn nhớ mãi kỷ niệm ấn tượng: cái bắt tay của hai lãnh đạo Việt Nam và Singapore ở Thụy Sĩ mang ý nghĩa lịch sử. Nó mở ra một chương mới sau thời kỳ băng giá trong quan hệ hai nước.

Tình cảnh thế giới thời kỳ ấy và chính sách Việt Nam làm bạn với thế giới để đẩy mạnh công cuộc đổi mới đã khiến cái bắt tay này càng thêm ý nghĩa. Nó chính là một trong những tiền đề góp phần quan trọng để Việt Nam mở rộng chính sách ngoại giao đa phương, dần gia nhập cộng đồng Asean...

Ban đầu cuộc gặp, hai lãnh đạo chính phủ cũng còn một số vấn đề chưa thông nhưng nội dung cuộc gặp được chuyển đổi sang vấn đề hợp tác phát triển.

Những thành viên trong đoàn chính phủ Việt Nam như ông Triết rất ấn tượng với lời hứa hình tượng đầy ý nghĩa của ông Lý Quang Diệu: Singapore sẽ đóng vai trò là cái phích cắm để truyền năng lượng từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển ở Đông Nam Á.

Người dân Singapore tiếc thương nhà lãnh đạo tài ba của đất nước.

Người dân Singapore tiếc thương nhà lãnh đạo tài ba của đất nước.

Lời mời bất ngờ

Riêng ông Triết vẫn nhớ một kỷ niệm đặc biệt ở Singapore những năm đầu thập niên 1990. Lần đó ông là trưởng đoàn "tiền trạm" đi mở quan hệ hợp tác với các nước Đông Nam Á. Theo lịch trình, Indonesia là chặng cuối và đoàn Việt Nam sẽ về nước.

16h máy bay cất cánh thì gần 15h ông Triết bất ngờ được lời mời của đại sứ Singapore ở Indonesia mời đoàn Việt Nam viếng thăm đảo quốc này. Không kịp báo cáo xin ý kiến, ông Triết tự quyết định nhận lời mời.

Chuyến bay về nước được đổi lịch trình dừng lại Singapore. Ông Lý Quang Diệu bận không thể tiếp được, nhưng đích thân ông Lý Hiển Long gặp gỡ đoàn Việt Nam và trao đổi chân tình rất nhiều nội dung hợp tác kinh tế. Nó góp phần xóa đi nhiều thông tin, nghi ngại không chính xác về Việt Nam, đặc biệt là trong cuộc chiến ở Campuchia.

Cuối buổi, ông Lý Hiển Long bất ngờ hỏi ông Triết: "Ngài nghĩ sao về vai trò của Singapore với Việt Nam?". Ông Triết nhẹ nhàng trả lời lại bằng chính lời nói của ông Lý Quang Diệu với Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Davos: "Ngài Lý Quang Diệu, cha ông, đã nói rằng Singapore sẽ đảm nhận vai trò là cái phích cắm truyền năng lượng từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển ở Đông Nam Á".

Buổi gặp gỡ kết thúc vui vẻ bằng chính câu nói sâu sắc của ông Lý Quang Diệu ở Davos và những lời lẽ chân tình, đầy giá trị mà ông dành cho Việt Nam. Ông Lý Hiển Long cũng chia sẻ nhiều đồng cảm với Việt Nam như cha mình.

Tâm sự về thời kỳ đầu đất nước mở rộng đại lộ bước ra với thế giới, ông Đoàn Duy Thành cũng có nhiều kỷ niệm khó quên về ông Lý Quang Diệu: "Vị thủ tướng Singapore rất nghiêm túc nhưng cũng sẵn sàng cởi mở. Khi làm việc với ông sẽ thấy ông là con người của tương lai chứ không quá nặng nề quá khứ".

Ông Thành kể mình từng có buổi ăn tối đặc biệt với ông Lý Quang Diệu ở Bắc Kinh. Hội thảo Trung Quốc và châu Á thế kỷ 21 có sự tham gia của ông Lý Quang Diệu và các thủ tướng Đức, Nhật, kể cả cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger...

Buổi tiệc tối do ông Giang Trạch Dân chủ trì, ông Thành được bố trí ngồi cùng bàn với ông Lý Quang Diệu. Từng là cố vấn cho Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình, thủ tướng Singapore được phía chủ nhà săn sóc đặc biệt nhưng ông vẫn dành sự quan tâm cho Việt Nam.

Ông Thành nhớ mãi lời tâm sự của ông Lý Quang Diệu: "Tôi thấy thủ tướng của các bạn có quyết tâm rất mạnh mẽ. Công cuộc đổi mới của Việt Nam rất cần có một nhân vật như ngài Võ Văn Kiệt. Tôi luôn tin rằng Việt Nam xứng đáng ở vị trí đầu của Đông Nam Á".

Trong buổi tiệc này, ông Lý Quang Diệu cũng tỏ ý chia sẻ đồng cảm với những lời mà Tổng bí thư Đỗ Mười từng trao đổi khi ông sang thăm Hà Nội: "Tôi rất hiểu lời của Tổng bí thư Đỗ Mười đã nói với tôi rằng đất nước Việt Nam sau chiến tranh đang gặp nhiều khó khăn, sự nghiệp đổi mới có nhiều vấn đề phải giải quyết, cần được góp ý, giúp đỡ"... Ông Thành đã nói những lời cảm ơn chân tình với ông Lý Quang Diệu và viết mấy chữ Hoa đề tặng ông.

Thủ tướng Singapore rất ngạc nhiên và thú vị hỏi ông Thành học chữ Hoa khi nào. Ông Thành trả lời mình đã dành ba năm rưỡi để học ngôn ngữ này và nghiên cứu một số tác phẩm kinh điển Trung Quốc.

Nhận lời mời chân tình từ chính phủ Việt Nam mà đặc biệt là từ chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Lý Quang Diệu sau này đã nhiều lần sang Việt Nam và để lại nhiều kỷ niệm đặc biệt với tất cả những người từng tiếp xúc với ông.

Gặp các lãnh đạo Việt Nam, ông Lý Quang Diệu kể mình mới "xử" một bộ trưởng dính tội tham nhũng. Và ông luôn nhắc Việt Nam hãy chú ý đến điều này để xây dựng một chính quyền vững mạnh.

Nhận định của Lý Quang Diệu về thế giới

Báo giới gọi cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu là "Kissinger của phương Đông" và những nhận định của ông về địa chính trị luôn được đánh giá cao.

Những phát biểu đáng suy ngẫm của ông Lý Quang Diệu

Dưới con mắt của một chính trị gia lỗi lạc, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã đưa ra nhiều lời khuyên và nhận xét xác đáng về các vấn đề trong nước và quốc tế.

 

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20150325/ly-quang-dieu-va-nhung-cau-chuyen-voi-viet-nam/724970.html

Theo Quốc Việt/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm