Bài học về sự tự lực
Nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu. Ảnh: Therealsingapore.com |
Lý Quang Diệu được coi là chính khách đặc biệt trên thế giới trong nửa thế kỷ qua.
Dưới bàn tay của ông Lý, từ một hòn đảo không có tài nguyên, Singapore trở thành quốc gia giàu có.
“Singapore không phải là một đất nước tự nhiên mà do con người tạo nên. Chúng tôi thừa hưởng hòn đảo không có phần nội địa, một trái tim không thể xác”, Lý Quang Diệu nói về những trở ngại của Singapore buổi đầu lập quốc trong cuốn hồi ký Lịch sử Singapore 1965-2000: Bí quyết hóa rồng.
Quá trình chuyển mình của Singapore là tập hợp những chiến lược đột phá, chưa từng có trong lịch sử. Điển hình như việc Lý Quang Diệu thẳng thừng từ chối những khoản viện trợ nước ngoài để kích thích ý chí của nhân dân.“Thế giới không ai nợ nần chúng ta. Chúng ta không thể cầm bát đi ăn mày để sống", nhà lập quốc của Singapore nói.
Thay vì nhận sự hỗ trợ, chính phủ Singapore tận dụng những tài sản mà quân Anh để lại, biến chúng thành khu công nghiệp, điểm du lịch, bỏ qua các nước châu Á láng giềng để mời gọi đầu tư từ phương Tây. Tinh thần tự lực ấy là một trong những yếu tố tạo nên thành công của nền kinh tế Singapore. Đó cũng là thành công của Lý Quang Diệu.
Di sản mà ông Lý đã để lại cho Singapore quá lớn với những dấu ấn đậm nét trong mọi sắc thái của đời sống kinh tế, chính trị xã hội. Trong suốt 31 năm trên cương vị thủ tướng, ông Lý là kiến trúc sư trưởng của tất cả thay đổi trong hệ thống chính trị phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh đặc thù của một quốc gia bé nhỏ, mật độ dân số cao và không tài nguyên.
Dù rời ghế thủ tướng vào năm 1990 sau 31 năm nắm quyền, ông Lý vẫn giữ trọng trách là Bộ trưởng Cao cấp và là người cố vấn trong chính phủ. Những ý kiến của Lý Quang Diệu vẫn nhận sự tán đồng to lớn từ quốc hội và người dân tại đảo quốc. Ông cũng sẵn lòng sử dụng tầm ảnh hướng ấy khi cần thiết.
"Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, khi các bạn đem tôi đi mai táng, nếu tôi nhận thấy một điều gì sai trái đang diễn ra, tôi sẽ ngồi dậy ngay", ông Lý phát biểu trong ngày Quốc khánh Singapore năm 1998.
Ông luôn tự hào về những người đã và đang gánh trọng trách phát triển đất nước Singapore. Đó là những người thuộc "nhóm hạng A" theo đánh giá của ông. Khi được hỏi liệu Singapore có cần một cách thức lãnh đạo mới trong tương lai, ông Lý gián tiếp trả lời "Không": "Chúng ta phải có một nhóm hạng A... Chúng ta cần những con người hạng nhất với đầu óc khôn ngoan, có ý thức về trách nhiệm làm việc vì công chúng".
Lý Quang Diệu nói về việc học tiếng Anh
Ông Lý Quang Diệu bắt tay Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trong chuyến thăm Việt Nam năm 2007. Ảnh: Reuters |
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2007, nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã gợi mở nhiều ý tưởng, đặc biệt về vấn đề giáo dục. Ông từng khẳng định với Chủ tịch nước Nguyên Minh Triết rằng: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”.
Theo ông Lý, chìa khóa để tránh tụt hậu trong thế giới hiện nay là tiếng Anh. Ông cho rằng, Việt Nam cần kiên trì theo đuổi chính sách “nhiều tiếng nói, một ngôn ngữ” để đưa tiếng Anh vào trường học.
“Ngày nay, Singapore có lợi thế lớn là nhờ vậy. Đây là phần thưởng ngoài dự đoán của Singapore khi thực hiện quy định này. Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ... bởi nếu chỉ dùng sách Việt Nam, chắc chắn sẽ tụt hậu. Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu”, cựu Thủ tướng Singapore nhận định.
Ông Lý từng đưa ra nhận định xác đáng khi cho rằng, chính kiến thức đem lại cho bạn cuộc sống tốt đẹp: "Bạn phải xác định rõ ràng rằng kiến thức, học tập và ứng dụng kiến thức vào công việc là cái đem lại cho bạn một cuộc sống tốt. Ngược lại, những ai nghĩ rằng có thể trông cậy vào các mối quan hệ thân sơ, sự luồn lách, gian dối, người đó sẽ gặp trắc trở bởi đã xem nhẹ việc trau dồi tri thức".
Việt Nam trong mắt Lý Quang Diệu
Trong những ngày đầu lập nước vào thập niên 60 của thế kỷ trước, Thủ tướng Singapore từng nói “hy vọng một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn”.
“Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”, chính trị gia toàn tài nhận xét.
Trong quyển hồi ký Lịch sử Singapore 1965-2000: Bí quyết hóa rồng, ông Lý cũng dành những lời khen tặng Việt Nam: “Tài năng của người Việt Nam trong việc sử dụng và cải tiến các khí tài của Liên Xô thời kỳ chiến tranh nhắc nhở chúng ta về những phẩm chất tuyệt vời của dân tộc này”.