Tháng 3 vừa qua, trang The Atlantic đã đăng tải danh sách 136 tiểu thuyết xuất sắc trong lịch sử nước Mỹ. Trong khi những tác phẩm này nêu bật các nhân vật thuộc nhiều chủng tộc, dân tộc, bản dạng giới và giới tính khác nhau, những người khuyết tật hầu như vắng mặt. Và trong số này, chỉ có một tác phẩm kể câu chuyện về một nhân vật béo.
Danh sách tiểu thuyết xuất sắc của nước Mỹ chỉ có một tác phẩm có nhân vật chính thừa cân. Ảnh: Penguin Random House. |
Sự kỳ thị “đáng kinh ngạc” đối với nhân vật thừa cân
Và danh sách của The Atlantic không phải là trường hợp cá biệt. Mỗi năm, The New York Times chọn từ 40 đến 50 đầu sách phi hư cấu để đưa vào danh sách “100 cuốn sách đáng chú ý”. Tuy nhiên trong 5 năm qua, từ 2019 đến 2023, chỉ hai trong 246 cuốn sách được liệt kê (dưới 1%) có nhân vật chính béo phì.
Trong khi đó, hơn nửa dân số Mỹ được coi là béo. Dữ liệu năm 2017-2018 từ Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng Mỹ chỉ ra rằng 73,6% người Mỹ được phân loại về mặt y tế là “béo phì” hoặc “thừa cân”.
Trong khi số lượng nhân vật chính béo phì từ tiểu thuyết là rất hiếm hoi thì trong các tác phẩm lớn, cũng thường xuất hiện một số người thừa cân, tuy nhiên đều được miêu tả mang tính chất xấu xa hay gây cười. Như trong tác phẩm Crossroads của Jonathan Franzen ra mắt năm 2021, có một nhân vật nữ thừa cân là Marion, người được miêu tả là “không thu hút hay không tạo ra sức hút cho đàn ông từ bất kỳ góc độ nào”.
Có thể sự kỳ thị người béo không dừng ở văn học Mỹ. Độc giả có thể nhớ đến một nhân vật điển hình trong văn học Anh là Dolores Umbridge, được miêu tả là một người phụ nữ mập lùn giống như một con cóc lớn màu tái xanh. Ảnh: Buzzfeed. |
Hay trong cuốn Fates and Furies của Lauren Groff, xuất bản năm 2015, có một nhân vật béo quan trọng đó là bạn nhân vật chính có tên Chollie. Chollie được giới thiệu là một “cậu bé béo lố bịch”. Khi nhìn vào cơ thể của chính mình, Chollie thấy “cái bụng có kích thước bằng một đứa trẻ 6 tháng tuổi dán chặt vào phần giữa của mình”.
Có thể thấy người gầy thường có tính cách tốt đẹp còn người mập mạp gắn liền với những hành vi vô đạo đức. Các nhân vật thường được miêu tả béo như một ngụ ý với người đọc rằng họ có thể là những người thô tục, yếu đuối, độc ác, ngu ngốc hay không quan trọng và người gầy thì ngược lại. Gillian Flynn đã viết về một nhân vật trong Gone Girl (2012): “Cơ thể của tôi là một cơ thể đẹp đẽ, hoàn hảo, mọi đường nét đều được cân chỉnh, mọi thứ đều cân đối”.
Hay trong tác phẩm Lessons in Chemistry (2022), nhà văn Bonnie Garmus miêu tả nhân vật chính bị một giáo sư tên Meyers tấn công tình dục. Người này là “một người đàn ông to lớn, nặng gần 250 pound (hơn 113 kg) và sức mạnh của ông ta đến từ cân nặng cơ thể thay vì thể lực dồi dào”.
Trong khi các tiểu thuyết hay thường được đánh giá là đã khám phá những giá trị hay nhiều góc cạnh nhân văn của con người thì chính những miêu tả và ám chỉ tàn nhẫn về cân nặng phần nào làm giảm đi tính nhân văn của các nhân vật và làm giảm đi giá trị của cuốn sách.
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy các hình thức thiên vị và phân biệt đối xử trong đời sống của người Mỹ đa phần được cải thiện hoặc ít nhất là giữ nguyên trạng trong 10 năm qua, ngoại trừ thành kiến đối với người béo. Một nghiên cứu năm 2019 về thành kiến ngầm đối với xu hướng tình dục, chủng tộc, màu da, tuổi tác, khuyết tật và trọng lượng cơ thể cho thấy thành kiến ngầm đối với người béo phì đã tăng 40%. Để so sánh, thành kiến ngầm đối với người đồng tính đã giảm 33% và thành kiến ngầm về chủng tộc đã giảm 17% còn thái độ đối với người khuyết tật phần lớn vẫn giữ nguyên.
Toàn văn đàn Mỹ cũng bỏ qua người béo
Quan điểm tiêu cực đối với người béo phì không chỉ được phản ánh trong tiểu thuyết mà cũng đang tồn tại trong ngành công nghiệp xuất bản Mỹ. Cây viết của tờ New Republic đã đối thoại với 37 nhà văn có tiểu thuyết ra mắt từ năm 2019 đến nay và chỉ có ba người cho biết họ đã làm việc với một biên tập viên, đại diện văn học, nhà tiếp thị, nhà báo hoặc trợ lý thừa cân hoặc béo phì.
Trong quá trình thực hiện cuộc thăm dò không chính thức của mình với những người hỗ trợ trong ngành xuất bản, cây viết của tờ New Republic cũng chỉ được nghe một biên tập viên tự nhận là béo và cho biết họ là biên tập viên thừa cân duy nhất tại văn phòng.
Trong khi đó, không có người hỗ trợ nào từng làm việc với một tác giả béo phì. Và về phía nhà văn, có một người cũng chia sẻ rằng khi ký hợp đồng với một người đại diện văn học, người đó đã hỏi về cân nặng của bà. “Nhân tiện, bà không nặng 200 pound hay bị thừa cân phải không? Tôi không cần phải giấu điều gì với các đối tác chứ?'”, nhà văn này cho hay.
Có thể thấy đang tồn tại định kiến nào đó về người béo trong ngành xuất bản Mỹ, hay rộng hơn là trong cả nền văn hoá. Cây viết của tờ New Republic cho biết có một quan điểm vẫn tồn tại lâu nay là béo đồng nghĩa với việc không có tham vọng, khó có hy vọng phát triển hoặc không có tài năng.
Kết quả một nghiên cứu năm 2019 đối với công dân Mỹ tiết lộ “những người tham gia tin rằng những người béo phì kém tiến hóa hơn và kém tính nhân văn hơn những người không béo phì”. Trong khi các tác phẩm văn học thường được ca ngợi là làm phong phú thế giới tâm hồn con người, thì câu hỏi đặt ra là: Vậy giá trị cơ thể thì sao?
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.