Cách đây chưa đầy một thập kỷ, Mỹ đã có khoảng 20 triệu liều vaccine đậu mùa Jynneos, có thể chống lại bệnh đậu mùa khỉ, được lưu trữ trong tủ đông lạnh tại kho dự trữ quốc gia, theo New York Times.
Số lượng lớn vaccine Jynneos này vốn có thể làm chậm sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ vào giữa tháng 5. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, kho dự trữ chiến lược quốc gia chỉ còn khoảng 2.400 liều có thể sử dụng, đủ tiêm chủng 2 lần cho 1.200 người.
Số vaccine còn lại đã hết hạn.
Giờ đây, khoảng 10 tuần sau khi dịch đậu mùa khỉ bùng phát, nhiều người có nguy cơ cao muốn tiêm chủng nhưng không thể tiếp cận vaccine. Và chuỗi sự kiện khiến kho dự trữ vaccine quan trọng này gần như chạm đáy bắt đầu thu hút sự chú ý.
Hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Tính đến cuối tháng 7, hơn 5.000 trường hợp đã được báo cáo ở Mỹ, trong đó gần 1.300 trường hợp được ghi nhận ở thành phố New York.
Chờ đợi vaccine đông khô
Khi vaccine hết hạn, các quan chức liên bang đã không nhanh chóng bổ sung. Thay vào đó, họ quyết định đổ tiền vào việc phát triển phiên bản vaccine đông khô, có thể gia tăng đáng kể thời hạn sử dụng.
Tuy nhiên, việc phê duyệt vaccine đông khô đã bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm trì hoãn hơn một thập kỷ qua. Trong khoảng thời gian đó, Mỹ đã mua một số lượng lớn vaccine thô chưa được đóng lọ.
Vaccine thô được cất giữ trong các túi nhựa lớn bên ngoài Copenhagen, tại trụ sở của công ty công nghệ sinh học Đan Mạch Bavarian Nordic - công ty đã phát triển Jynneos và vẫn là nhà sản xuất duy nhất của loại vaccine này.
Trong gần 20 năm, chính phủ Mỹ đã tài trợ cho việc phát triển, thử nghiệm lâm sàng và sản xuất vaccine, với chi phí vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2014 và đang dần chạm tới 2 tỷ USD. Mặc dù vậy, Washington hiện không thể mua đủ số liều vaccine để nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm chủng rộng rãi cho những người có nguy cơ cao nhất.
Một lý do dẫn đến cạn kiệt kho dự trữ vaccine Jynneos là các quan chức liên bang giám sát bệnh đậu mùa khỉ từng không coi đây là vấn đề nghiêm trọng. Thay vào đó, họ tập trung vào các tình huống nguy hiểm và chết người nhất, chẳng hạn một cuộc tấn công khủng bố sinh học liên quan đến bệnh đậu mùa hoặc bệnh than.
“Chúng tôi phải chuẩn bị chống lại nhiều mối đe dọa với ngân sách hạn chế”, tiến sĩ Gary Disbrow, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Tiên tiến (BARDA), chịu trách nhiệm hỗ trợ phát triển Jynneos và các loại thuốc, vaccine khác để ngăn chặn đại dịch, khủng bố sinh học và các hiểm họa khác, cho biết. "Kế hoạch của chúng tôi là để đối phó với bệnh đậu mùa”.
Trong khi đó, tiến sĩ Ali S. Khan, cựu quan chức liên bang điều hành Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đến năm 2014, cho rằng nguồn cung vaccine đậu mùa khỉ hạn hẹp cho thấy Mỹ cần có một cách tiếp cận mới đối với các mối đe dọa sinh học và đại dịch. “Tôi muốn mọi người biết (cách tiếp cận cũ) tồi tệ thế nào so với số tiền và nguồn lực bỏ ra”.
Dư âm từ vụ khủng bố 11/9/2001
Sau sự kiện ngày 11/9/2001 và các cuộc tấn công khủng bố khác, chính phủ Mỹ đã tăng gấp đôi nỗ lực chuẩn bị chống lại những mối đe dọa tiềm ẩn.
Trong đó, một mối nguy hiểm rõ ràng là bệnh đậu mùa, với tỷ lệ tử vong 30%. Mặc dù loại virus này được tuyên bố là đã bị diệt trừ vào năm 1980, các mẫu thử nghiệm vẫn tồn tại, dẫn đến mối lo ngại rằng một quốc gia hoặc một nhóm khủng bố có thể vũ khí hóa nó. Vì vậy, Mỹ đã dự trữ hơn 100 triệu liều vaccine đậu mùa.
Sau năm 2001, Washington tìm kiếm một loại vaccine đậu mùa hiệu quả với ít tác dụng phụ hơn. Đến năm 2003, họ bắt đầu bơm hàng triệu USD vào Bavarian Nordic, một công ty nhỏ với loại vaccine đậu mùa mới đầy hứa hẹn.
Theo báo cáo hàng năm của công ty cũng như các tài liệu của Mỹ, đến năm 2013, Bavarian Nordic đã cung cấp 20 triệu liều vaccine đậu mùa mới, được gọi là Imvamune, cho Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia.
Loại vaccine này sau đó được đổi tên thành Jynneos, lưu trữ ở dạng đông lạnh lỏng, với hạn sử dụng 3 năm, có khả năng chống lại bệnh đậu mùa khỉ.
Một số quan chức y tế nghi ngờ hiệu quả của Jynneos, vì vaccine này yêu cầu tiêm 2 lần, không lý tưởng trong trường hợp có một cuộc tấn công khủng bố sinh học.
Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của Bavarian Nordic nói với cổ đông rằng kế hoạch dài hạn của Mỹ là dự trữ đủ vaccine Jynneos để tiêm chủng cho tất cả 66 triệu người đủ điều kiện trong các hộ gia đình có nguy cơ cao.
Đến năm 2009, công ty nhận được hợp đồng trị giá 95 triệu USD từ Mỹ để phát triển công thức đông khô với thời hạn sử dụng 5-10 năm.
Trong khi 20 triệu liều Jynneos bắt đầu hết hạn sử dụng và phiên bản đông khô vẫn đang được phát triển, Mỹ đã đặt hàng thêm 8 triệu liều, được chuyển đến kho dự trữ quốc gia vào năm 2015, theo Bavarian Nordic.
Tuy nhiên, đó cũng là lô vaccine thành phẩm cuối cùng trong nhiều năm. Từ năm 2015, Mỹ chuyển sang đặt hàng trăm triệu USD vaccine thô bảo quản trong các túi lớn, để chuyển thành liều đông khô sau khi công ty hoàn thiện quy trình và được FDA phê duyệt.
Đến năm 2017, tất cả 27.993.370 liều vaccine Jynneos trong kho dự trữ quốc gia đã hết hạn.
Trì hoãn hết lần này đến lần khác
Mục tiêu sản xuất vaccine đông khô mất nhiều thời gian hơn dự kiến, một phần do FDA chậm tiến độ xem xét. Bên cạnh đó, Bavarian Nordic cũng tiến hành mở rộng cở sở sản xuất làm chậm quá trình cung cấp vaccine.
Từ lâu, Bavarian Nordic đã phụ thuộc vào các công ty bên ngoài trong các công đoạn cuối của quá trình sản xuất, chẳng hạn cho vaccine vào lọ.
Năm 2017, công ty này có kế hoạch xây dựng cơ sở đóng lọ vaccine riêng, nhằm thu nhiều lợi nhuận hơn, theo giám đốc điều hành của Bavarian Nordic Paul Chaplin.
Vào đầu năm 2020, Mỹ đã đặt hàng 1,4 triệu liều vaccine đông lạnh lỏng từ Bavarian Nordic. Khoảng 372.000 liều trong số đó đã được một nhà thầu đóng lọ và vận chuyển tới Mỹ trong những tuần gần đây. Cho đến nay, đây là nguồn cung chính cho chương trình tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ của đất nước.
Phần còn lại được đóng lọ tại cơ sở mới hoàn thiện của Bavarian Nordic - bắt đầu hoạt động vào năm 2021.
Tuy nhiên, FDA đã không kiểm tra cơ sở này vào thời điểm bùng phát dịch đậu mùa khỉ. Kết quả là phần lớn đơn đặt hàng 1,4 triệu liều vẫn còn ở Đan Mạch cho đến tháng trước, khi thanh tra FDA đến kiểm tra.
Giờ đây, chính phủ Mỹ yêu cầu Bavarian Nordic gửi càng nhanh càng tốt, bỏ qua mục tiêu phát triển công thức đông khô. Song vẫn sẽ mất vài tháng trước khi công ty có thể cung cấp thêm hàng triệu liều vaccine cho Washington, các quan chức Mỹ cho biết.
Với số lượng vaccine Jynneos ít ỏi trong tay, các quan chức liên bang đang xem xét lại những liều đã hết hạn. Các quan chức trong Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đã gửi mẫu trở lại Bavarian Nordic để xét nghiệm.
“Rất khó có khả năng” số vaccine này còn sử dụng được, quan chức Mỹ cho biết. Nhưng nếu điều đó xảy ra, Cục Quản lý Ứng phó và Chuẩn bị Chiến lược khẳng định sẽ đảm bảo số vaccine này “sẵn sàng cho phản ứng”.