Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Reuters. |
Chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz đang đối mặt sức ép từ cả trong và ngoài nước trước kế hoạch cấm sản xuất ôtô sử dụng động cơ đốt trong của EU.
Trong nội bộ, đảng Dân chủ Tự do được sự ủng hộ mạnh mẽ của các doanh nghiệp xe hơi Đức quyết thay đổi kế hoạch của EU cấm ôtô chạy bằng xăng và dầu diesel vào năm 2035.
Trong khi đó, các nước EU chỉ trích việc Đức thay đổi quyết định chỉ vài ngày trước khi thỏa thuận đạt được từ tháng 10/2022 được thông qua và trở thành luật áp dụng trên toàn khối.
Đức quyết giữ lại động cơ đốt trong?
Đức là nền kinh tế lớn và quan trọng nhất của EU, cũng là quốc gia có uy tín và tiếng nói mạnh mẽ nhất trong mọi quyết sách của khối.
Nhưng lúc này, 6 tháng sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu đạt thỏa thuận loại bỏ động cơ đốt trong, Berlin lại đưa ra yêu cầu mọi lệnh cấm của EU cần có ngoại lệ dành cho động cơ sử dụng nhiên liệu CO2 trung tính.
Porsche, nhãn hiệu xe thuộc sở hữu của tập đoàn Volkswagen, từ lâu đã vận động chính giới EU cho phép các loại ôtô sử dụng nhiên liệu CO2 trung tính tiếp tục được bán tại lục địa già. Đồng minh của Porsche là Ferrari của Italy, theo Financial Times.
Porsche đang vận động nhằm cho phép các loại ôtô sử dụng nhiên liệu CO2 trung tính được lưu hành. Ảnh: Reuters. |
Borsch, nhà sản xuất hệ thống động cơ cho nhiều hãng xe hơi khắp thế giới nhưng bị coi là chậm chân trong công nghệ pin, tham gia vận động quyết liệt nhằm thuyết phục giới chức châu Âu coi nhiên liệu CO2 trung tính là công nghệ "sạch".
Trước sức ép chính trị từ các nhóm ủng hộ công nghiệp trong nước, Đức và trước đó là Italy đã nhiều lần đề nghị bổ sung điều khoản ngoại lệ dành cho ôtô sử dụng động cơ vận hành bằng nhiên liệu CO2 trung tính.
Nhiên liệu CO2 trung tính được sản xuất từ điện được tạo ra nhờ hydrogen tái tạo, CO2 và các loại khí khác. Việc đốt nhiện liệu này vẫn thải ra CO2, nhưng bởi quá trình sản xuất tiêu thụ một lượng CO2 bằng hoặc nhiều hơn lượng thải ra khi vận hành, các công ty lập luận rằng loại nhiên liệu này nên được coi là "sạch".
Nhiên liệu CO2 trung tính có thể được sử dụng trên các động cơ đốt trong thông thường. Điều này đồng nghĩa nếu được EU bật đèn xanh, nhiên liệu này có thể kéo dài tuổi thọ các dây chuyên sản xuất ôtô truyền thống vốn đóng góp 20% doanh thu ngành công nghiệp Đức.
"Chúng ta cần nhiên liệu trung tính bởi không có giải pháp thay thế nào giúp vận hành bộ máy công nghiệp hiện có trong chính sách thân thiện môi trường", Volker Wissing, Bộ trưởng Giao thông Đức, nói với ARD.
Theo Viện nghiên cứu tác động khí hậu Postdam, nhiên liệu trung tính hiện chưa được sản xuất ở quy mô thương mại và vẫn còn khan hiếm. Ước tính đến 2035, các dự án nhiên liệu trung tính sẽ chỉ có thể cung cấp 10% nhu cầu của riêng nước Đức.
Sức ép từ cả trong và ngoài nước
Ban đầu, Đức đồng ý với thỏa thuận cấm xe đốt trong với điều kiện trong vòng 2 năm, Ủy ban châu Âu sẽ tổ chức đánh giá khả năng cho phép ôtô chạy bằng nhiên liệu trung tính được phép lưu hành sau năm 2035.
Tuy nhiên theo Guardian, các cuộc thảo luận về ảnh hưởng của lệnh cấm với triển vọng ngành công nghiệp ôtô đã tạo ra chia rẽ sâu sắc trong nội bộ chính phủ liên minh 3 đảng cầm quyền của Thủ tướng Scholz.
Đảng của Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz phải liên minh với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh để có thể cầm quyền.
Bộ trưởng Giao thông Volker Wissing là thành viên đảng FDP ủng hộ mạnh mẽ ngành công nghiệp ôtô và đang dẫn đầu sự chống đối với kế hoạch cấm động cơ đốt trong của EU.
Bộ trưởng Giao thông Đức Volker Wissing. Ảnh: DPA. |
Phản đối vào phút chót của FDP cho thấy sự lo lắng của ngành ôtô Đức, đặc biệt là các công ty chuyên sản xuất các cấu phần của động cơ đốt trong. Dù nhiều nhà sản xuất xe hơi Đức cam kết chuyển sang xe điện, các nhà sản xuất phụ tùng vẫn lo ngại kế hoạch của EU sẽ triệt tiêu nguồn thu từ những sản phẩm có lợi nhuận cao nhất.
Phát biểu hôm 24/3, Thủ tướng Scholz nói sẽ "tìm ra một thỏa thuận", đây là dấu hiệu cho thấy Berlin đang đứng trước sức ép của các đối tác phải thỏa hiệp với EU. Tuy vậy, Bộ trưởng Wissing tiếp tục khẳng định vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ và các bên chưa đạt được thỏa thuận toàn diện.
Giới chức EU chỉ trích Thủ tướng Scholz, đảng SPD và đảng Xanh, hai đảng nhiều ghế nhất trong liên minh cầm quyền, vì không có lập trường cứng rắn hơn để giải quyết bất đồng trong nội bộ chính phủ.
EU lo ngại cú "trở mặt" của Đức có thể tạo ra tiền lệ xấu trong tương lai, bởi mọi quyết sách của EU cần có sự đồng thuận của 27 nước thành viên với những lợi ích rất khác biệt.
"Nếu một nước thành viên làm được, điều gì có thể ngăn nước khác làm theo? Toàn bộ cấu trúc và cơ chế ra quyết định của EU sẽ đổ vỡ nếu chúng ta cho phép họ làm như vậy", Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins nói, miêu tả quyết định của Đức là hành động "gây rối".
Pascal Canfin, chủ tịch Ủy ban Môi trường châu Âu, cảnh báo việc mở lại đàm phán 6 tháng sau khi đã đạt được thỏa thuận là "lằn ranh đỏ", đồng thời kêu gọi Đức hành động như một thành viên đáng tin cậy.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.