Thủ tướng Olaf Scholz. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, các nước thành viên EU đã đạt thỏa thuận dừng bán ôtô chạy bằng xăng và dầu diesel vào năm 2035, đây được coi là cột mốc lớn trong mục tiêu chống biến đổi khí hậu của EU.
Tuy nhiên chỉ vài ngày trước khi văn bản thỏa thuận cuối cùng được ký thành luật, Đức thông báo sẽ không thông qua văn kiện này trừ khi cho phép bán cả xe hơi chạy bằng động cơ sử dụng "nhiên liệu CO2 trung tính", theo Guardian.
"Nhiên liệu CO2 trung tính" là loại nhiên liệu mà khi sử dụng vẫn thải CO2 ra môi trường, tuy nhiên lượng CO2 thải ra tương đương hoặc ít hơn lượng CO2 lấy từ môi trường để sản xuất nhiên liệu. Như vậy, lượng CO2 trung bình khi sử dụng nhiên liệu này sẽ thấp hơn hoặc bằng 0.
Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins miêu tả quyết định của Đức là hành động "gây rắc rối".
"Nếu một nước thành viên làm được, điều gì có thể ngăn nước khác làm theo? Toàn bộ cấu trúc và cơ chế ra quyết định của EU sẽ đổ vỡ nếu chúng ta cho phép họ làm như vậy", ông Karins nói.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, một đồng minh thân cận với Berlin, cho biết các nước không thể do dự trong mục tiêu điện khí hóa hệ thống giao thông.
Pascal Canfin, chủ tịch Ủy ban Môi trường châu Âu, cảnh báo việc mở lại đàm phán 6 tháng sau khi đã đạt được thỏa thuận là "lằn ranh đỏ", đồng thời kêu gọi Đức hành động như một thành viên đáng tin cậy.
Berlin thay đổi quan điểm với thỏa thuận cấm bán động cơ đốt trong sau khi vấp phải sự phản đối của đảng Dân chủ Tự do (FDP), một trong ba thành viên liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz.
Các chính trị gia FDP lập luận kế hoạch hiện tại có nguy cơ phá hủy ngành sản xuất của Đức, khi trong tương lai ngành này có thể cung cấp nhiên liệu trung tính với khí hậu như giải pháp thay thế cho các phương tiện chạy hoàn toàn bằng pin.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.