Đây là quan điểm của biên tập viên Ryan-Thomas Shaw, trang Android Authority.
Năm 2019 sắp kết thúc, trong khi smartphone cao cấp từ các hãng lớn như Samsung, Apple hay Google vẫn trang bị camera độ phân giải 12 MP thì nhiều sản phẩm giá thấp hơn từ Xiaomi, Honor lại trang bị camera lên đến 48 MP, thậm chí 108 MP.
Tuy có độ phân giải rất cao, chất lượng các camera này vẫn chưa thực sự vượt trội hơn 12 MP của iPhone hay Google. Nhìn chung, 12 MP vẫn là độ phân giải lý tưởng cho camera trên điện thoại tính đến thời điểm này. Hãy cùng tìm hiểu lý do.
Độ phân giải càng cao chiếm càng nhiều bộ nhớ
Camera 48 MP hay 108 MP đồng nghĩa với việc chúng có nhiều dữ liệu khiến thời gian xử lý lâu và hao pin hơn. Các chế độ đặc biệt như chụp đêm hay chân dung chứa nhiều dữ liệu hơn nên sẽ mất nhiều thời gian xử lý hơn.
Độ phân giải càng cao đồng nghĩa với dung lượng ảnh, video càng lớn. Ảnh: Android Authority. |
Không chỉ xử lý lâu, những bức ảnh độ phân giải cao còn chiếm nhiều dung lượng. Ngày càng ít smartphone trang bị khe thẻ nhớ microSD, do đó bộ nhớ trong của máy sẽ rất nhanh hết nếu lưu ảnh độ phân giải cao.
Ngoài ra, nếu thường sao lưu ảnh độ phân giải cao lên đám mây, chúng còn tốn thêm dung lượng 3G/4G để tải nếu vị trí của bạn không có Wi-Fi. Bạn còn phải tốn tiền mua thêm dung lượng nếu bộ nhớ hết.
Thiết bị xem ảnh có độ phân giải chưa tới 10 MP
Một lý do nữa cho thấy 48 MP là dư thừa. Hầu hết chúng ta xem ảnh trên màn hình máy tính hoặc TV độ phân giải Full HD hoặc 4K. Tính số điểm ảnh dựa trên độ phân giải, chúng chỉ ở mức dưới 10 MP, ví dụ màn hình 4K thì số điểm ảnh khoảng 8,3 MP.
Đa số chúng ta xem ảnh chụp từ điện thoại trên máy tính, TV hay trên chính màn hình điện thoại có độ phân giải dưới 10 MP. Ảnh: Android Authority. |
Như vậy, 12 MP là đủ để xem trên màn hình điện thoại, khung ảnh điện tử, máy tính, TV và máy chiếu. Cần nói thêm rằng đa số camera telephoto từ các hãng smartphone lớn có độ phân giải 12 MP hoặc thấp hơn.
Smartphone chỉ quay phim ở 8,3 MP
4K là độ phân giải quay phim tiêu chuẩn trên smartphone trong những năm qua. 4K tương đương 8,3 MP cho nên camera 12 MP là quá đủ. Chất lượng video còn phụ thuộc vào SoC và bộ xử lý ảnh (ISP). Chúng ta thấy những chiếc iPhone dù camera chỉ 12 MP vẫn có thể quay phim 4K ở 60 fps với chất lượng rất cao.
iPhone là một trong những smartphone quay phim đẹp nhất dù camera chỉ có độ phân giải 12 MP. Ảnh: Android Authority. |
Chip xử lý Snapdragon 865 vừa được Qualcomm ra mắt gần đây cho khả năng quay phim lên đến 8K (tức 33 MP). Như vậy, chúng ta chỉ cần camera nhiều hơn 33 MP nếu muốn quay phim 8K mà thôi.
Độ phân giải không hoàn toàn quyết định chất lượng
Một số người vẫn nghĩ camera độ phân giải càng cao thì chụp càng đẹp, tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố như dải cân bằng trắng, màu sắc, ISP và chất lượng ống kính. Nếu so sánh smartphone giá rẻ 48 MP, 108 MP với những mẫu cao cấp 12 MP, sự khác biệt là rất rõ.
Dưới đây là ảnh chụp từ Pixel 1 ra mắt năm 2016 và Pixel 4 năm 2019. Cả 2 có cảm biến 12 MP, tuy nhiên do trang bị ống kính mới, thuật toán mới nên ảnh từ Pixel 4 cho màu sắc chân thực hơn, dải tương phản tốt hơn.
Nhiều mẫu smartphone với camera độ phân giải cao trang bị tính năng ghép điểm ảnh (pixel-binning). Thay vì sử dụng bộ lọc màu Bayer như truyền thống (gồm các bộ lọc màu đỏ, xanh lá và xanh dương để chụp ảnh màu), các cảm biến độ phân giải cao lại dùng bộ lọc Quad-Bayer (giống Bayer nhưng mỗi bộ lọc có 4 pixel phía sau với các màu tương tự).
Phần mềm chụp ảnh trên điện thoại thường cho phép bạn chuyển giữa độ phân giải cao và thấp. Áp dụng vào thực tế, các camera "pixel binning" chỉ cho ảnh với độ chi tiết màu bằng 1/4 độ phân giải mà nó có, nghĩa là độ chi tiết chụp từ camera 48 MP "pixel binning" không khác gì camera 12 MP, 64 MP tương đương 16 MP và 108 MP tương đương 27 MP.
Trên đây là ảnh chụp từ camera của Honor 9X (độ phân giải 48 MP) và Google Pixel 3 (độ phân giải 12 MP). Cùng một khung cảnh thế nhưng Pixel 3 cho màu sắc chân thực, ảnh chụp sắc nét còn Honor 9X thì mờ nhạt, chi tiết kém.
Do không được trang bị ống kính, thuật toán cao cấp nên các camera với pixel-binning cho chất lượng hình ảnh kém hơn các mẫu máy cao cấp.
Camera đẹp phần lớn nhờ phần mềm
“AI camera” là thuật ngữ được rất nhiều hãng sử dụng. Nhắc đến Google, Huawei, Apple hay Samsung, thuật toán phần mềm đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng ảnh.
Trên iPhone hay Google Pixel, những cải tiến về bộ xử lý giúp ảnh cho ra chi tiết hơn, cân bằng trắng tốt hơn, màu sắc chân thực cả trong điều kiện thiếu sáng. Thuật toán phần mềm cũng mang lại những hiệu ứng chụp ảnh bắt mắt như làm mờ phông, chế độ tối, nhận diện khung cảnh...
Trên đây là ảnh chụp từ OnePlus 7 Pro sử dụng app camera gốc và Google Camera. Có thể nhìn thấy sự khác biệt về màu sắc, độ mịn và dải tương phản. Ứng dụng từ Google cho dải tương phản rộng và nhiều chi tiết, trong khi ứng dụng gốc cho ảnh mịn nhưng không rõ nét như Google Camera.
Cảm biến 12 MP chụp thiếu sáng tốt hơn
Camera 12 MP thường có kích thước điểm ảnh lớn thu được nhiều ánh sáng, do đó camera 12 MP với cảm biến ½ inch sẽ chụp ảnh thiếu sáng tốt hơn 48 MP ½ inch (toàn bộ thông số khác bằng nhau).
Dưới đây là ảnh chụp từ 2 chế độ 48 MP và tự động trên chiếc Xiaomi Mi 9. Có thể thấy sự khác biệt khi chế độ 48 MP cho ảnh tối, màu sắc nhợt nhạt.
Tóm lại, kích thước cảm biến và kích thước điểm ảnh đóng vai trò quan trọng. Để bù đắp cho kích thước cảm biến nhỏ, các hãng thường trang bị chế độ chụp đêm sử dụng kỹ thuật phần mềm, chụp nhiều ảnh phơi sáng dài rồi ghép chúng thành một. Giải pháp trên mang đến tác dụng đáng kể, nhưng không thể thay thế hoàn toàn cảm biến kích thước lớn.
12 MP là đủ ở thời điểm này
Cân nhắc những giới hạn về khả năng xử lý, bộ nhớ và chất lượng ống kính, việc trang bị camera 48 MP hay 108 MP ở thời điểm này là chưa cần thiết. Cảm biến lớn, kích thước điểm ảnh lớn, thuật toán phần mềm sẽ có tác dụng cải thiện nhiều hơn so với tăng độ phân giải.
Trong vài năm tới khi video 8K phổ biến, chip xử lý mạnh hơn, bộ nhớ lớn và nhanh hơn, đó mới là lúc chúng ta cần camera độ phân giải cao. Còn bây giờ, 12 MP là quá đủ.