Chất lượng camera trên di động đã được cải tiến rất nhiều trong thời gian qua. Chúng dần trở thành một trong những yếu tố quan trọng khi người tiêu dùng chọn mua smartphone mới.
Với phân khúc cao cấp, Google Pixel 4 hay iPhone 11 là những smartphone trang bị các công nghệ camera mới nhất. Ở phân khúc giá rẻ, các hãng cũng dần quan tâm đến chất lượng camera hơn.
Google Pixel 4 và iPhone 11 Pro là 2 smartphone có camera được đánh giá cao nhất hiện nay. Ảnh: Android Authority. |
Tuy nhiên, cách tiếp cận của 2 phân khúc lại hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi phân khúc giá rẻ tập trung tăng độ phân giải với những con số khủng như 48 MP, 64 MP hay 108 MP thì phân khúc cao cấp lại chú trọng vào thuật toán phần mềm.
Đừng để số "chấm" làm mờ mắt
Tuy các smartphone giá rẻ có độ phân giải camera rất cao, việc tạo ra bức ảnh đẹp lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Nhiều mẫu smartphone trên thị trường có độ phân giải camera khủng, tuy nhiên ảnh chụp lại rất mờ, thiếu chi tiết.
Dưới đây là ví dụ với bức ảnh chụp từ camera của Google Pixel 3 (độ phân giải 12 MP) và Honor 9X (độ phân giải 48 MP). Cùng một khung cảnh thế nhưng Pixel 3 cho màu sắc chân thực, ảnh chụp sắc nét còn Honor 9X thì mờ nhạt, chi tiết kém.
Việc camera 48 MP của Honor 9X cho chất lượng kém là do công nghệ "ghép điểm ảnh" (pixel binning) được sử dụng trên hầu hết camera độ phân giải cao hiện nay.
Mặc dù độ phân giải chỉ 12 MP, ảnh chụp từ Pixel 3 XL vẫn sắc nét hơn Honor 9X với camera 48 MP. |
Thay vì sử dụng bộ lọc màu Bayer như truyền thống (gồm các bộ lọc màu đỏ, xanh lá và xanh dương để chụp ảnh màu), các cảm biến độ phân giải cao lại dùng bộ lọc Quad-Bayer (giống Bayer nhưng mỗi bộ lọc có 4 pixel phía sau với các màu tương tự).
Áp dụng vào thực tế, các camera "pixel binning" chỉ cho ảnh với độ chi tiết màu sắc bằng 1/4 độ phân giải mà nó có, nghĩa là độ chi tiết chụp từ camera 48 MP "pixel binning" không khác gì camera 12 MP, 64 MP tương đương 16 MP và 108 MP tương đương 27 MP.
Do không được trang bị ống kính, thuật toán cao cấp nên chất lượng ảnh của Honor 9X với camera 48 MP sẽ kém hơn các mẫu máy cao cấp.
Camera đẹp phần lớn nhờ phần mềm
Trong khi phân khúc giá rẻ đang chạy đua "số chấm" càng cao càng tốt, các hãng làm smartphone cao cấp lại tập trung vào phần mềm để cải thiện chất lượng ảnh.
Trên iPhone hay Google Pixel, những cải tiến về bộ xử lý giúp ảnh cho ra chi tiết hơn, cân bằng trắng tốt hơn, màu sắc chân thực cả trong điều kiện thiếu sáng. Thuật toán phần mềm cũng mang lại những hiệu ứng chụp ảnh bắt mắt như làm mờ phông, chế độ tối, nhận diện khung cảnh bằng AI...
Cứ mỗi thế hệ Pixel, Google lại mang đến những cải tiến đáng giá cho camera. Ảnh: Android Authority. |
Cũng nhờ thuật toán phần mềm mà chúng ta mới có chế độ zoom "lai" của Huawei P30 Pro, chế độ chụp thiên văn của Pixel 4 hay Deep Fusion của iPhone 11 Pro.
Một số chế độ chụp ảnh trên các dòng máy cao cấp đã được mang xuống dòng tầm trung như chế độ ban đêm hay chụp chân dung mờ phông. Tuy nhiên, chi phí phát triển bộ xử lý, thuật toán phần mềm và phần cứng tối ưu cho AI còn cao nên những tính năng tiên tiến nhất vẫn chỉ có trên các smartphone cao cấp.
Apple, Huawei và Samsung là những cái tên đi đầu trong việc phát triển bộ xử lý ảnh, thuật toán phần mềm cho camera. Google cũng không ngoại lệ khi mới đây đã bổ sung bộ xử lý Neural Core vào Pixel 4 sau khi trang bị Night Sight (chế độ chụp đêm) trên Pixel 3.
Từ trái sang: Ảnh chân dung chụp bằng Pixel 2, ảnh chụp bằng chế độ chân dung của Pixel 4 và ảnh chụp bằng camera góc siêu rộng của iPhone 11 Pro. Ảnh: Android Authority, Apple. |
Một số smartphone như iPhone 11 Pro còn trang bị bộ nhớ RAM dành riêng cho việc xử lý ảnh chụp từ camera.
Hy vọng với sự phát triển của công nghệ, những chiếc smartphone tầm trung sẽ sớm trang bị bộ xử lý ảnh, thuật toán thông minh để cho ra những bức ảnh đẹp, chất lượng hơn. Không phải độ phân giải, khả năng xử lý mới là tương lai của camera di động.