Trong cuộc họp khẩn cuối ngày 15/10, các bộ trưởng Ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí rằng Thống tướng quân đội Myanmar Min Aung Hlaing sẽ không được mời đến Hội nghị cấp cao ASEAN, Bangkok Post dẫn thông cáo từ nước chủ tịch Brunei.
Khối ASEAN thể hiện lập trường mạnh mẽ sau khi chính quyền quân sự của Myanmar hôm 13/10 từ chối cho phép một đặc phái viên ASEAN đến trao đổi với “các bên liên quan”, bao gồm cựu lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi - người đang bị giam giữ từ cuộc chính biến hồi tháng 2.
Thống tướng quân đội Myanmar Min Aung Hlaing. Ảnh: Reuters. |
Thông cáo của ASEAN lưu ý việc chính quyền quân sự chưa thực hiện tốt đồng thuận 5 điểm nhằm khôi phục sự ổn định tại Myanmar, vốn được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí hồi tháng 4.
Một số quốc gia thành viên đã khuyến nghị để cho Myanmar “có không gian giải quyết công việc nội bộ và trở lại bình thường”, dẫn thông cáo của khối ASEAN. Thông cáo cũng cho biết ASEAN sẽ “mời một đại diện phi chính trị từ Myanmar”, song không nêu rõ danh tính.
Giới phân tích quốc tế nhận xét đây là một động thái hiếm hoi, do ASEAN trước đó hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tránh đối đầu và can thiệp vào tình hình nội bộ giữa các nước thành viên, theo Reuters.
Nhiều quốc gia thành viên cũng bày tỏ sự thất vọng với chính quyền quân sự tại Myanmar.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah phát biểu trước cuộc họp khẩn: “Malaysia rất thất vọng vì sau sáu tháng kể từ tháng 4, Bộ trưởng Erywan (đặc phái viên của ASEAN) vẫn chưa thể đến Myanmar”. “Nếu không có tiến triển thực sự thì lập trường của Malaysia vẫn là: Chúng tôi không muốn thống tướng Myanmar tham dự Hội nghị cấp cao. Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về điều này”.
Sau cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi đề xuất trên Twitter rằng Myanmar “không nên có đại diện ở cấp độ chính trị” tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới, cho đến khi khôi phục được “nền dân chủ thông qua một quá trình tổng thể”.
Thái Lan tỏ ra thận trọng hơn khi bày tỏ lo ngại rằng bất ổn ở Myanmar có thể vượt ra ngoài biên giới. Bộ Ngoại giao Thái Lan hôm 15/10 tuyên bố rằng nước này hy vọng rằng tất cả các bên liên quan tìm cách để đối thoại.
“Chúng tôi tin tưởng vào trí tuệ tập thể của các quốc gia thành viên ASEAN, bao gồm cả Myanmar, để cùng nhau vượt qua mọi thách thức trên tinh thần đại gia đình ASEAN”, dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat.
Trước đó vào ngày 14/10, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cho biết uy tín của ASEAN sẽ bị “đặt dấu hỏi” nếu cho phép nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar đến tham dự Hội nghị cấp cao.
Đại sứ Indonesia tại ASEAN, ông Ade Padmo Sarwono, cũng cho rằng Thống tướng Min Aung Hlaing không nên được mời đến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN, do khối này không công nhận chính quyền quân sự.
Sau khi xảy ra chính biến, chính quyền quân sự đã lên nắm quyền tại Myanmar từ ngày 1/2. Song các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đặc biệt quan ngại khi chính quyền này không thực hiện các bước để chấm dứt bạo lực và cho phép tiếp cận nhân đạo.