Cụ thể, phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric ngày 24/9 cho biết: "Vào thời điểm này, Myanmar không có đại diện phát biểu". Vấn đề này được cho là xuất phát từ sự tranh chấp ghế tại Liên Hợp Quốc giữa các đại diện của Myanmar.
Theo Nikkei Asia, Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun, vốn do chính quyền dân cử của bà Aung San Suu Kyi bổ nhiệm, ban đầu dự kiến sẽ phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên vào ngày 27/9, ngày cuối cùng của cuộc họp.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết Trung Quốc, Nga và Mỹ đã đạt được sự đồng thuận chung. Theo đó, Moscow và Bắc Kinh sẽ không phản đối việc Kyaw Moe Tun tiếp tục ngồi lại ghế LHQ của Myanmar trong thời điểm này, miễn là ông không phát biểu trong cuộc họp cấp cao.
"Tôi đã rút khỏi danh sách diễn giả và sẽ không phát biểu tại cuộc tranh luận chung sắp tới", ông Kyaw Moe Tun nói với Reuters.
Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun, được bổ nhiệm bởi chính quyền dân cử của bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters. |
Sau cuộc binh biến, chính quyền quân sự Myanmar đã bổ nhiệm cựu quân nhân Aung Thurein làm đặc phái viên Liên Hợp Quốc, trong khi Đại sứ Kyaw Moe Tun đã yêu cầu gia hạn chứng nhận của Liên Hợp Quốc.
Vấn đề tranh chấp ghế tại Liên Hợp Quốc cũng xảy ra với các đại diện của Afghanistan. Theo phát ngôn viên Dujarric, "đại diện hiện tại của Afghanistan được ghi tên trong danh sách phát biểu hôm 27/9 là ông Ghulam M. Isaczai".
Ông Isaczai là đại sứ tại Liên Hợp Quốc được chính quyền Afghanistan cũ bổ nhiệm.
Trong khi đó, ngày 20/9, Bộ trưởng Ngoại giao của Taliban, Amir Khan Muttaqi, đã đề cử phát ngôn viên Suhail Shaheen của lực lượng này làm đại sứ Afghanistan tại Liên Hợp Quốc.
Các vấn đề về đại diện từng quốc gia tại Liên Hợp Quốc được giải quyết bởi một ủy ban gồm chín thành viên, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Theo quy định của Liên Hợp Quốc, các ông Isaczai và Kyaw Moe Tun vẫn tiếp tục giữ ghế cho đến khi có quyết định của ủy ban nói trên.