Làn sóng sa thải đang nhấn chìm ngành công nghệ Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Microsoft mới đây đã tuyên bố sẽ sa thải 10.000 nhân viên. Tương tự, Amazon cũng có kế hoạch cắt giảm 18.000 việc làm trong năm nay.
Theo trang tin CNBC, hai gã khổng lồ này cuối cùng cũng đã tham gia vào làn sóng cắt giảm nhân sự trong ngành công nghệ cùng với Alphabet và Meta. Tuy nhiên, vẫn có một công ty đi ngược lại với xu hướng này, đó chính là Apple.
Trong một phỏng vấn vào tháng 11/2022 với đài CBS Morning, Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple đã cho biết rằng công ty sẽ "tiếp tục tuyển dụng, nhưng không phải mọi vị trí trong công ty đều mở tuyển". Theo báo cáo thường niên năm 2022, Apple đang có khoảng 164.000 nhân viên toàn thời gian.
Vậy nhờ đâu mà Apple không phải cắt giảm nhân sự như các công ty cùng ngành khác?
Theo các chuyên gia từ CNBC, việc đại dịch Covid bùng nổ vào năm 2020 đã khiến các ứng dụng Internet trở nên quan trọng hơn đối với mọi người và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của nhiều công ty công nghệ.
Sau đó, khi doanh số bán hàng và lợi nhuận tiếp tục tăng vào năm 2021, các công ty này đã tuyển thêm một lượng lớn nhân viên với hy vọng sẽ tăng trưởng thành công.
Tuy nhiên, khi các chính sách phong tỏa được dỡ bỏ vào năm 2022, người dân quay lại làm việc bình thường thì tăng trưởng của các công ty này đã chậm lại và dư thừa nhân lực.
Apple thực sự là một ngoại lệ lớn trong ngành khi hãng điện thoại này không tăng tỷ lệ tuyển dụng suốt vài năm qua và cũng không có bất kỳ đợt sa thải nào. Vào năm 2022, Apple có 164.000 nhân viên nhưng đó chỉ là mức tăng 6,5% so với thời điểm năm 2021, tương đương tăng 10.000 người. Và từ năm 2020 đến năm 2021, công ty này cũng chỉ tuyển thêm gần 7.000 nhân viên - bằng khoảng 1/3 các công ty công nghệ khác.
Số lượng nhân sự tăng mỗi năm của các công ty công nghệ lớn | |||||||||||||
Nhãn | 2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | |
Alphabet | % | 23 | 33.1 | 65.9 | -11.3 | 12.2 | 15.3 | 16.6 | 11.2 | 23.3 | 20.4 | 13.8 | 15.7 |
Amazon | 27.9 | 40 | 36.4 | 24.6 | 23.9 | 33.2 | 32.4 | 39.7 | 12.6 | 18.9 | 38.5 | 19.3 | |
Apple | 35.9 | 29.6 | 20.5 | 10.3 | 15.3 | 18.8 | 5.5 | 6 | 7.3 | 3.8 | 7.3 | 6.5 | |
Meta | 0 | 0 | 0 | 37.2 | 45.2 | 38 | 34.3 | 37.3 | 41.8 | 26.3 | 30.4 | 22.8 | |
Microsoft | -4.3 | 1.1 | 4.4 | 5.3 | 29.3 | 7.8 | 3.4 | 8.8 | 5.7 | 9.9 | 13.2 | 11 |
Ở phía ngược lại, Microsoft hiện có hơn 221.000 nhân viên toàn thời gian vào năm 2022, tăng 40.000 người so với năm 2021 và tương đương 22%. Năm trước đó, Microsoft cũng bổ sung thêm 18.000 nhân viên, tương đương với 11%.
Amazon thì phức tạp hơn vì công ty này yêu cầu một lượng lao động khổng lồ tại các kho hàng của mình, ngoài các nhân viên văn phòng như công ty khác. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021, Amazon đã tạo thêm gần 310.000 việc làm tương đương gần 20%. Trong năm 2020, công ty này thậm chí còn mở rộng mạnh hơn khi tăng thêm 38% số lao động đã có, ngang với 500.000 nhân viên.
Tuy nhiên, việc mở rộng quá mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch đã khiến Amazon phải cắt giảm nhiều nhân sự trong thời gian gần đây. "Trong thời kỳ đại dịch, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tuy nhiên bây giờ chúng tôi phải thay đổi", ông Doug Herrington - Giám đốc mảng Bán lẻ của Amazon - cho biết.
Bên cạnh Amazon và Microsoft, Meta cũng có số lượng nhân viên tăng tới hàng chục nghìn người mỗi năm kể từ thời kỳ đại dịch.
Còn Alphabet - công ty mẹ của Google - thì có mức cắt giảm nhân sự ít hơn các công ty khác, tuy nhiên tăng trưởng cũng chậm hơn so với Microsoft hay Amazon. Năm 2021, Alphabet đã bổ sung hơn 21.000 nhân viên, còn con số này của năm 2020 là khoảng 16.000 người.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế