Những nhân sự có thực lực vẫn hấp dẫn trong mắt các nhà tuyển dụng. Ảnh: Thanh Vũ. |
Khoảng 21h tối là thời điểm Thành Thái (22 tuổi, sinh viên tại Hà Nội) trở về nhà sau khi hoàn thành buổi học tại một trung tâm dạy lập trình. Tấm bằng cử nhân ngành Khoa học máy tính dự kiến nhận vào hè năm nay không giúp Thái tự tin để đi xin việc. Thành Thái cho biết bản thân đang học thêm một khóa học lập trình blockchain có giá 20 triệu đồng.
“Trong suốt 2 tháng nay, những tin tức mà tôi đọc được về các công ty công nghệ đều liên quan đến chữ sa thải. Thật sự tôi cảm thấy rất sốt ruột. Bây giờ chỉ có cách là trang bị thêm kiến thức mới để làm CV hấp dẫn hơn thôi”, Thành Thái chia sẻ.
"Cơn bão" sa thải càn quét
Nỗi lo của Thành Thái không phải vô cớ. Theo anh Đinh Hoàng, thành viên một nhóm lập trình trò chơi tại Hà Nội, “cơn bão” sa thải đang đổ bộ các công ty gia công, sản xuất game tại Việt Nam có lượng nhân viên từ 100 đến 200 người trở lên.
“Việc kinh tế đứng trên bờ vực suy thoái khiến các đơn hàng kinh doanh bị giảm sút. Áp lực trả lương cho nhân viên vì thế cũng tăng theo”, anh Đinh Hoàng cho biết.
Những công ty thiên về phần cứng được cho là ít bị ảnh hưởng từ làn sóng sa thải hơn. Ảnh: Thanh Vũ. |
Anh cũng tiết lộ các công ty trong lĩnh vực lập trình game tại Việt Nam hiện chỉ giữ lại các nhân viên nòng cốt. Một số công ty đã xuất hiện tình trạng ép nhân viên hạ lương, phạt nặng hơn khi có sai phạm hoặc tệ nhất là sa thải.
Không chỉ trong mảng phát triển game, anh Duy Luân, nhà sáng tạo nội dung, kỹ sư công nghệ, cho rằng làn sóng sa thải đang lan rộng với quy mô ảnh hưởng ngày càng lớn.
“Từ các đơn vị về thương mại điện tử, fintech cho đến phát triển sản phẩm. Từ các công ty đa quốc gia cho đến những doanh nghiệp thuần Việt. Tất cả đều chịu ảnh hưởng từ làn sóng này”, anh Duy Luân chia sẻ với Zing.
Dẫu vậy, anh vẫn cho rằng các công ty công nghệ sẽ không gián đoạn hoạt động tuyển dụng. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn tăng cường tuyển thêm nhân sự để đón những ứng viên tài năng không may bị sa thải từ các công ty lớn.
Theo ông Nguyễn Khương Tuấn, CEO Công ty Stech, đợt sa thải ồ ạt nhân viên công nghệ xuất phát từ cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Làn sóng đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng những công ty cung cấp công nghệ dưới dạng dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Khi ‘bong bóng’ vỡ, mặt bằng chung các công ty công nghệ cũng bị kéo xuống
Ông Nguyễn Khương Tuấn, CEO Công ty Stech
“Tại một số thị trường như Mỹ, các startup kỳ lân nhận được sự ưu ái quá nhiều từ các nhà đầu tư. Thuận theo thế đó, các doanh nghiệp đã tức tốc tuyển thật nhiều nhân lực, đẩy chi phí vận hành lên cao. Vì vậy, khi bong bóng vỡ, mặt bằng chung các công ty cũng bị kéo xuống”, ông Nguyễn Khương Tuấn chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng cơ hội công việc trong ngành vẫn rất triển vọng do nhu cầu về nhân lực vẫn còn. Đặc biệt, các công ty chuyên gia công phần mềm tại Việt Nam vẫn đang thiếu hụt nhân sự chất lượng cao.
Năm 2023 sẽ còn tệ hơn
Theo CNBC, nhiều startup công nghệ tại Đông Nam Á đã tiến hành sa thải nhân viên trong năm 2022.
Vào cuối năm ngoái, Công ty thương mại điện tử Carousell đã đưa ra thông báo sa thải 10% nhân sự, tương đương 110 nhân viên. GoTo Group của Indonesia, công ty được sáp nhập từ Gojek và Tokopedia, đã cắt giảm 1.300 vị trí, tương đương 12% lực lượng lao động.
Tỷ lệ phần trăm số nhân viên bị sa thải tại các công ty công nghệ trong năm 2022. Ảnh: Layoffs.fyi. |
Cả 2 công ty trên đều đưa ra nguyên nhân sa thải xuất phát từ "những thách thức về kinh tế vĩ mô". Một ông lớn khác là Sea Group, công ty mẹ của Shopee, cũng không nằm ngoài xu hướng này khi doanh nghiệp đã cắt giảm 7.000 việc làm trong 6 tháng cuối năm 2022.
Các công ty công nghệ lớn khác trên thế giới như Microsoft, Meta, Amazon, Saleforces, Vimeo… cũng đang tiến hành sa thải nhân viên với số lượng lớn.
Microsoft đã cắt giảm gần 1.000 việc làm vì tăng trưởng kém. Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng đã sa thải hơn 11.000 nhân sự. Amazon thậm chí còn thông báo cắt giảm hơn 18.000 nhân viên.
Theo CNN, nguyên nhân của làn sóng sa thải xuất phát từ việc các doanh nghiệp đã tuyển dụng quá nhiều nhân sự trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, nhu cầu dịch vụ số đã giảm dần khi đại dịch được kiểm soát và mọi người quay trở về với cuộc sống thường nhật.
Ông Quek Siu Rui, CEO của Carousell, thừa nhận công ty đã mắc phải "những sai lầm nghiêm trọng". Ông cho biết bản thân đã quá lạc quan về quá trình phục hồi sau đại dịch của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vị CEO này cũng đánh giá thấp hậu quả từ việc mở rộng công ty quá nhanh.
"Chúng tôi đã chi tiền và tuyển dụng quá nhanh. Việc thu hồi vốn đã tốn thời gian nhiều hơn dự kiến", ông Quek Siu Rui thừa nhận.
Bên cạnh đó, việc lãi suất tăng cũng làm cạn kiệt nguồn tiền dễ mà các công ty công nghệ dựa vào để thúc đẩy phát triển. Những mức định giá doanh nghiệp cao ngất ngưởng cũng vì vậy mà biến mất.
Bước sang năm 2023, những lo ngại về suy thoái kinh tế tiếp tục đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách. Các chuyên gia dự báo lãi suất có thể tiếp tục tăng trong năm nay.
Năm 2022 được coi là hồi kết cho quãng thời gian phát triển thần tốc của các công ty công nghệ. Còn đối với năm 2023, đây sẽ là thời điểm mà mọi thứ trở nên kém khả quan hơn.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.