'Lực lượng tàu ngầm Việt Nam ra đời trong năm 2013'
"Trong năm nay, nỗ lực chung của 2 nước là mở trang mới trong lịch sử phát triển của Hải quân Việt Nam, đánh dấu bằng sự ra đời của lực lượng tàu ngầm", Bộ trưởng Quốc phòng Nga phát biểu sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh bắt tay Bộ trưởng Sergei Shoigu trước trụ sở Bộ Quốc phòng. |
Ngày 5/3, ngay sau cuộc hội đàm tại Hà Nội với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu để bàn các biện pháp hợp tác về quốc phòng giữa hai nước, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã trả lời báo chí.
- Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể những trao đổi của hai phía liên quan đến hợp tác hải quân trong hội đàm?
- Hai bên hợp tác về hải quân sẽ tập trung vào một số việc như thế này. Thứ nhất, các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, tàu thuyền của Việt Nam chủ yếu là của Liên Xô cũ viện trợ trước đây để lại. Thứ 2, chúng ta có mua sắm mới. Thứ 3, chúng ta có đóng mới nhưng cũng từ công nghệ của Nga. Hiện nay, việc khai thác, sử dụng, làm sao có hiệu quả thì chúng ta cần có hợp tác với phía Nga. Nga sẵn sàng đào tạo cho chúng ta về cán bộ chỉ huy, tham mưu của hải quân, chuyên môn, kỹ thuật, thủy thủ, các kíp tàu ngầm, các kỹ thuật khác, công tác bảo dưỡng kỹ thuật cho tàu của hải quân.
Việt Nam cũng nghiên cứu đơn giản hóa một số thủ tục cho tàu hải quân của Nga khi ghé vào thăm hoặc làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật ở các cảng mà Việt Nam cho phép được nhanh chóng, thuận tiện, thể hiện đúng tinh thần đối tác chiến lược tin cậy chính trị giữa Việt Nam và LB Nga.
- Trong hội đàm, 2 bộ trưởng có đề cập việc mở cơ sở sửa chữa, đóng tàu của Nga ở Cam Ranh?
- Chúng ta đã có chủ trương. Nhà nước ta đã cho phép quân đội triển khai công việc này, trong đó giao cho tổng công ty Tân Cảng thuộc quân chủng Hải quân Việt Nam chủ trì và có tham gia liên doanh với tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Cụ thể, công ty Vietsopetro (Liên doanh dầu khí Việt - Nga) sẽ góp vốn nhưng Việt Nam làm chủ, chi phối, điều hành, quản lý và chủ quyền là của Việt Nam. Công ty Vietsopetro chỉ góp vốn vào để xây dựng một cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, các dàn khoan, các dịch vụ của dầu khí cho các tàu của nước ngoài. Bất kỳ một nước nào, trong đó có Liên bang Nga, các nước khác nếu có đề nghị và Việt Nam thấy hợp lý thì sẽ cho phép.
Cảng dịch vụ Cam Ranh có thể làm một số việc: Một, sửa chữa tàu; Hai, có thể làm tiếp dầu, tiếp nước, tiếp lương thực thực phẩm, cho thủy thủ lên bờ, họ có thể lên khu vực thành phố Nha Trang tham quan nghỉ ngơi sau chuyến đi đường dài trên biển.
Trong Cam Ranh có mấy khu vực, một là khu vực dành riêng cho Hải quân Việt Nam. Khu vực này không cho phép tàu bè ra vào. Đó là căn cứ của tàu ngầm, tàu mặt nước, đảm bảo cho nhiệm vụ quân sự của Việt Nam. Khu vực thứ 2 đã được quy hoạch chuyên môn làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật dành cho tàu của tất cả các nước, do tổng công ty Tân Cảng chủ trì, quản lý, điều hành. Chủ quyền khu vực này thuộc về Việt Nam.
Tàu bè nước ngoài ra vào làm dịch vụ thì theo hợp đồng kinh tế được phép của phía Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn làm chủ, quản lý, không có ảnh hưởng gì đến hoạt động quân sự của cảng quân sự Việt Nam. Khu vực hoàn toàn dân sự là cảng Ba Ngòi, hiện nay đang có cảng của Vinashin sửa chữa đóng mới tàu thuyền. Chúng ta cũng đã cho tàu hậu cần của quân đội Mỹ ghé vào làm dịch vụ sửa chữa tàu thuyền. Gần đây, ông Leon Panetta khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tới thăm khu vực đó.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trả lời báo chí sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Sergei Shoigu. |
- Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đi thăm Cam Ranh đã đánh giá thế nào về vị trí chiến lược của quân cảng này?
- Khu vực này các bạn biết, các nước Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Liên Xô cũ, Nga từng đóng quân ở đây rồi cho nên người ta hiểu rõ vị trí chiến lược của cảng Cam Ranh - một vịnh nước sâu, kín gió, rất lớn, gần đường hàng hải quốc tế, nên tàu bè ra vào tránh trú bão, nghỉ ngơi, làm dịch vụ hậu cần rất tốt. Có cảng như vậy nhưng quan điểm của Việt Nam là không cho đặt căn cứ quân sự, không có liên minh với nước ngoài, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự.
Nhưng nếu chỉ dành cho quân sự thì cũng rất lãng phí nên chúng ta quy hoạch 3 khu vực. Có khu vực quân sự; có khu vực để làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật của quân đội các nước vào, tàu bè dân sự vào; có khu vực hoàn toàn dân sự như ở Ba Ngòi.
Có vị trí chiến lược quan trọng, nếu được làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật ở đó thì rất thuận lợi cho tàu bè của Nga sau chuyến đi hàng hải đường dài.
- Việc triển khai các hợp đồng mua bán vũ khí giữa hai bên như Bộ trưởng thông báo sau hội đàm sẽ như thế nào?
- Không thể nói cụ thể về vấn đề này. Nhưng Việt Nam có một hợp tác với phía Liên bang Nga là các vũ khí trang bị để hiện đại hóa Quân chủng Hải quân. Chúng ta có đủ 6 lực lượng: không quân hải quân, tàu ngầm, tàu mặt nước, radar hải quân, tên lửa đất đối hải, hải quân đánh bộ đều và đều xuất phát mua của Liên bang Nga. Nga là bạn bè truyền thống, đối tác chiến lược tin cậy và chúng ta quen sử dụng và sử dụng rất hiệu quả trong kháng chiến giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước.
Tiền của Việt Nam cũng rất hạn hẹp mà giá của Nga cũng rất phải chăng. Cho nên chúng ta chọn đó là đối tác để trang bị mua sắm cho hải quân, phòng không không quân, lục quân và các binh chủng khác.
- Trong chuyến thăm, hai bên có đề cập hợp tác đào tạo sĩ quan trẻ giúp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tác chiến điện tử?
- Hiện nay, Việt Nam đang gửi sang Nga đào tạo trên 500 sĩ quan, thông qua các con đường: hoạt động kinh tế; hoạt động ưu đãi, tức có giảm một phần; và miễn phí hoàn toàn. Mỗi năm, Nga dành cho Việt Nam hơn 100 suất miễn phí đào tạo dài hạn tất cả các lĩnh vực từ chỉ huy, tham mưu cho đến các quân binh chủng, văn học, nghệ thuật. Trong thời gian tới, chúng tôi có bàn đến chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin. Chúng ta sẽ lựa chọn người có năng lực để gửi đi đào tạo của Liên bang Nga.
- Trong chuyến thăm lần này, hai bên nói nhiều đến hợp tác hải quân, có phải đó là thông điệp trong bối cảnh có những tranh chấp hiện nay trên Biển Đông không?
- Điều này là bình thường. Hiện nay các nước đều mong muốn hợp tác với hải quân Việt Nam. Không chỉ có Nga, hải quân Việt Nam và Trung Quốc đã có tuần tra chung trên vịnh Bắc Bộ nhiều năm rồi, hợp tác tốt. Hải quân Việt Nam cũng đang hợp tác hải quân Campuchia, Thái Lan, Malaysia, và đang tiến hành với Indonesia. Chúng ta cũng lần đầu tiên tổ chức thành công Hội nghị Tư lệnh Hải quân của các nước ASEAN. Nga là đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống có quan tâm đến khu vực này. Vì thế, hải quân Nga trên tuyến đường hàng hải thường đi qua, thì việc ghé lại để làm các dịch vụ hậu cần kỹ thuật, rồi nghỉ ngơi cũng là sự bình thường.
Theo Người Lao Động