India Today dẫn lời các chuyên gia nhận định trên các đoạn tin tức, Taliban của năm 2021 xuất hiện rất khác cuối những năm 1990. Dĩ nhiên, chất lượng hình ảnh đã được cải thiện, nhưng phục trang của phiến quân rõ ràng cũng khá hơn.
Vũ khí của họ mới tinh, sáng loáng. Những chiếc Humvee hoạt động hoàn hảo. Quần áo của phiến quân trông tinh tươm, sạch sẽ, ngay cả tóc tai cũng gọn gàng hơn nhiều trước đây.
Taliban của năm 2021 không còn là những kẻ điên cuồng, tả tơi, nhếch nhác như ở các clip cũ mờ nhòe, ra tay đánh đập, hành quyết từ phụ nữ đến đàn ông trong thời kỳ cai trị man rợ đối với Afghanistan.
Hình ảnh của Taliban đã thay đổi nhiều so với cuối những năm 1990. Ảnh: AFP. |
Doanh thu hàng tỷ USD
Giờ đây, họ trông chẳng khác gì một quân đoàn kỷ luật, mỗi người trong số đó được ăn uống đầy đủ, sống sung túc và sẵn sàng nắm quyền điều hành đất nước. "Tổ chức giờ đây đã có nhiều tiền, và không gì có thể mang đến chiến thắng tốt hơn một 'chiếc ví dày'", India Today cho biết.
Vào năm 2016, Taliban giữ vị trí thứ 5 trong danh sách 10 tổ chức khủng bố giàu có nhất, theo xếp hạng của Forbes. ISIS có doanh thu hàng năm 2 tỷ USD và đứng đầu, còn Taliban thu về 400 triệu USD mỗi năm.
Forbes liệt kê các nguồn thu chính của Taliban là buôn bán ma túy, bảo kê và tiền tài trợ. Đáng nói, đó là năm 2016, khi Taliban thậm chí chưa phải lực lượng thống trị ở Afghanistan.
Theo báo cáo mật của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Đài châu Âu Tự do/Đài Tự do (RFE/RL) nắm được, ngân sách hàng năm của Taliban trong năm tài chính 2019-2020 lên đến 1,6 tỷ USD, tăng 400% trong vòng 4 năm (so với dữ liệu của Forbes).
RFE/RL cũng đã đưa ra bảng nguồn thu của tổ chức này.
Nguồn thu | Doanh thu |
Khai khoáng | 464 triệu USD |
Ma túy | 416 triệu USD |
Tài trợ nước ngoài | 240 triệu USD |
Xuất khẩu | 240 triệu USD |
"Thuế" (tiền bảo kê, tống tiền) | 160 triệu USD |
Bất động sản | 80 triệu USD |
Báo cáo mật của NATO cho thấy các thủ lĩnh của Taliban đã theo đuổi chế độ tự cung tự cấp để trở thành một thực thể chính trị và quân sự độc lập. Taliban thu lợi bất hợp pháp từ việc bắt cóc, tống tiền, buôn lậu hàng hóa và đặc biệt là buôn lậu ma túy.
Theo AFP, hồi năm 2016, Taliban đã yêu cầu các công ty viễn thông Afghanistan phải nộp một khoản "thuế bảo hộ" mới. Yêu cầu được đưa ra cho 4 nhà mạng ở Afghanistan để đổi lấy cam kết không phá hoại các trang web hay gây hại cho nhân viên của họ.
Phiến quân cũng phụ thuộc chủ yếu vào nông dân ở phía nam Helmand, Uruzgan, Kandahar và Zabul để trồng cây thuốc phiện và trả cho những người này một khoản hậu hĩnh.
Số tiền các nông dân được trả thường cao hơn nhiều so với những chương trình sinh kế do cộng đồng quốc tế phát triển nhằm chống lại nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp của Afghanistan.
Thu lợi bất chính
Bên cạnh phần thưởng hậu hĩnh cho nông dân, phiến quân cũng sử dụng những lời dọa nạt, thậm chí bạo lực. Họ không chỉ kiếm lời từ bán ma túy, Taliban còn trích doanh thu từ các loại thuế đánh vào ma túy trên khắp những tuyến đường thương mại trọng điểm, nhiều trong số đó do tổ chức kiểm soát.
Phiến quân cũng kiếm khoản tiền lớn từ những kẻ buôn ma túy. Bởi họ bảo kê cho các chợ giao dịch ma túy, hộ tống những người buôn lậu và giúp chúng vận chuyển "hàng".
Theo chuyên gia chống khủng bố Tomas Olivier, hồi năm 2016, doanh thu kiếm được từ ma túy của Taliban ước tính dao động từ 100 triệu đến 300 triệu USD/năm. Theo báo cáo của NATO năm 2020, con số này đã lên đến hơn 400 triệu USD.
Taliban cũng nhận tài trợ từ các tổ chức Hồi giáo và những tổ chức khác bên ngoài Afghanistan. "Chắc chắn phải có tiền đổ vào từ nước ngoài. Phần lớn trong số đó đến từ các quốc ở vịnh Ba Tư, nhất là những nước trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh như Saudi Arabia, Kuwait, UAE", ông Michael Kugelman - chuyên gia Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson - nhận định.
Phiến quân phụ thuộc chủ yếu vào nông dân ở phía nam Helmand, Uruzgan, Kandahar và Zabul để trồng cây thuốc phiện. Ảnh: AP. |
Các chuyên gia khác chỉ ra Taliban có thể nhận hỗ trợ tài chính và hậu cần từ nước láng giềng Pakistan. "Tôi cho rằng có mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ quan tình báo Pakistan ISI và Taliban Afghanistan", ông Olivier nói với DW. Tuy nhiên, chính phủ Pakistan đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc.
Nhưng trong những năm qua, tổ chức đã giảm bớt sự phụ thuộc vào các khoản tài trợ và đóng góp từ nước ngoài. Vào năm tài chính 2017-2018, Taliban được cho là nhận khoảng 500 triệu USD, tức tài trợ nước ngoài chiếm 50% nguồn thu. Đến năm 2020, con số đã giảm còn 15% doanh thu.
Trong cùng năm tài chính đó, ngân sách của chính phủ Afghanistan ở mức 5,5 tỷ USD, trong số đó chỉ có chưa đến 2% dành cho quốc phòng. Tuy nhiên, phần lớn số tiền tài trợ cho kế hoạch "giữ Taliban ra khỏi Afghanistan" do Mỹ đảm nhận.
Trong vòng 19 năm, Mỹ đã bỏ ra gần 1.000 tỷ USD chi tiêu quân sự để trực tiếp chống lại Taliban hoặc huấn luyện các lực lượng Afghanistan chống lại Taliban. Giờ đây, dường như Taliban thu về nhiều lợi nhuận hơn phía Mỹ.
Theo India Today, từ quan điểm kinh tế thuần túy, lợi nhuận đầu tư của Taliban đang ngày càng cao hơn, nhất là khi Afghanistan sẵn sàng trả giá cho thất bại.