Tại thành phố Schwerin, đông bắc nước Đức, một tòa nhà màu xám nằm giữa trạm dừng xe điện và cửa hàng bán bánh kebab trông có vẻ vô hại. Quỹ Bảo vệ Khí hậu và Môi trường, cơ quan thuê tòa nhà, cũng không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào.
Được tạo ra cách đây 23 tháng bởi chính quyền tiểu bang, quỹ này vẫn chưa đóng góp được quá nhiều cho khí hậu. Thay vào đó, quỹ đóng vai trò trung gian cho ít nhất 165 triệu euro đầu tư từ công ty năng lượng Gazprom nhằm xây dựng Nord Stream 2, theo New York Times.
Năm 2020, Mỹ đã đe dọa sẽ trừng phạt bất kỳ công ty nào làm việc với Nord Stream 2. Tuy nhiên, việc đặt các công ty dưới sự bảo hộ của một quỹ sẽ ngăn cản Washington áp đặt các lệnh trừng phạt.
Quỹ khí hậu đã giúp các công ty thuê cảng để phục vụ một tàu đặt ống của Nga, mua một con tàu chở hàng trị giá hàng triệu USD và môi giới một loạt giao dịch khác.
Các đường ống được sử dụng trong dự án Nord Stream 2. Ảnh: New York Times. |
Tranh cãi xung quanh đường ống
“Nhiệm vụ đã hoàn thành”, Erwin Sellering, người đứng đầu quỹ và cũng là cựu thống đốc bang, viết trên trang web của mình hồi tháng 1 để chúc mừng việc hoàn thành đường ống.
Nhưng cũng chỉ hơn 1 tháng sau, xung đột Nga - Ukraine bùng nổ khiến nước Đức phải loay hoay tìm hướng đi khác. Quỹ khí hậu đang bị quốc hội bang điều tra. Nó cũng là một ví dụ điển hình về việc một số nhà lãnh đạo Đức sẵn sàng làm gì để mua khí đốt giá rẻ từ Nga.
“Thật lạ lùng, một cơ quan chính phủ Đức đang lấy tiền của Gazprom để hoàn thành đường ống - điều mà Gazprom không thể vì họ đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ”, Constantin Zerger, lãnh đạo cấp cao của cơ quan giám sát môi trường Đức Deutsche Umwelthilfe, nói.
Các nhà hoạt động giống như Zerger đã đặt nhiều câu hỏi đối với đường ống Nord Stream 2 ngay từ khi dự án bắt đầu. Đức nhận được 55% nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống Nord Stream 1.
Các nhà lãnh đạo châu Âu khai trương đường ống Nord Stream 1. Ảnh: Getty. |
Đến thời điểm hiện tại, Nord Stream 2 đã gần như dừng hoạt động và cũng bị hư hại bởi một vụ phá hoại bí ẩn hồi tháng 9. Tuy nhiên, cách đây không lâu, các nhà lãnh đạo Đức nhận định rằng khí đốt Nga là một lợi ích chiến lược quốc gia, bác bỏ những lo ngại địa chính trị về đường ống do Mỹ, Ba Lan và các quốc gia khác nêu ra. Đường ống là ưu tiên hàng đầu của Moscow và Berlin.
Mecklenburg-Vorpommern là một trong những bang nghèo nhất nước Đức và từng là một phần của Đông Đức. Đây cũng là nơi Nord Stream 1 và 2 cập bờ nước Đức. Các thế hệ cũ tại đây vẫn chịu sự ảnh hưởng lớn của văn hóa Liên Xô.
Ông Sellering và vị thống đốc bang kế nhiệm Manuela Schwesig là đồng minh của cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder. Hai người cũng là bạn của Tổng thống Nga Vladimir Putin và là nhà vận động hành lang cho các công ty năng lượng Nga.
Bà Angela Merkel, người kế nhiệm ông Schröder, có phiếu tại khu vực bầu cử ở Mecklenburg-Vorpommern. Bà đã phê duyệt dự án Nord Stream 2 sau khi Nga sáp nhập Crimea. Bà cũng nỗ lực bảo vệ dự án đường ống bất chấp những gì xảy ra.
Miễn cưỡng đình chỉ Nord Stream 2
Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng gọi Nord Stream 2 là “dự án tư nhân”. Khi còn là bộ trưởng tài chính, ông đã đích thân viết thư cho người đồng cấp Mỹ và yêu cầu chấm dứt lệnh trừng phạt đối với các công ty tiến hành dự án Nord Stream 2.
Cả ông Scholz và bà Merkel biết về quỹ khí hậu nhưng không bận tâm và không lên tiếng khi Nga đầu tư vào Mecklenburg-Vorpommern.
Sau khi Nga sáp nhập Crimea, bà Merkel đã lãnh đạo phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, nhưng không đả động đến vấn đề khí đốt. Vào tháng 10/2014, bảy tháng sau khi Nga sáp nhập Crimea, ông Sellering, thống đốc bang Mecklenburg-Vorpommern khi đó, đã tổ chức Ngày nước Nga đầu tiên của bang.
Đường ống dẫn khí Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: New York Times. |
Andrey Zverev, phó đại sứ Nga tại Đức khi đó, đã nói với Die Welt rằng một cuộc “đối thoại thoải mái” với Berlin đã trở nên bất khả thi. Thay vào đó, Moscow đang tìm hướng đi khác. Ví dụ ông trích dẫn chính là “Ngày nước Nga”.
Việc vận động hành lang đã phát huy hiệu quả. Vào Ngày nước Nga năm 2016, Berlin đã phê duyệt dự án Nord Stream 2, đặt đường ống tại Lubmin, nơi dự án Nord Stream 1 cập bờ nước Đức từ năm 2011. Nord Stream đã quyên góp 3.000 euro mỗi năm cho Lubmin và trả hàng triệu euro tiền thuế.
Ba Lan đã bày tỏ lo ngại khi dự án khởi công. Năm 2019, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Gazprom và các công ty Nga khác đang làm việc trên Nord Stream 2.
Quốc hội Mỹ đã đưa ra ý tưởng về biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ, nhắm vào bất kỳ công ty nào đang làm việc với dự án, ngay cả khi công ty đó không thuộc Nga.
Những lệnh trừng phạt này chưa bao giờ được ban hành, nhưng đó là lời đe dọa khiến nhiều công ty phải rút lui. Nhà thầu Allseas của Thụy Sĩ - Hà Lan đã rút các tàu đặt ống kể từ tháng 12/2019.
“Đối với nhiều người ở đây, Mỹ là kẻ bắt nạt. Mỹ muốn bán dầu và khí đốt của mình”, Thị trưởng Lubmin Axel Vogt nói.
Lời đe dọa từ người Mỹ
Ngày 5/8/2020, ba thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã gửi thư cảnh báo sẽ áp đặt lệnh trừng phạt pháp lý và kinh tế nếu các công ty Đức tiếp tục làm việc với dự án. Điều này đã khiến các nhà lãnh đạo Đức rất tức giận.
Thủ tướng Merkel khẳng định đường ống nên được hoàn thành. Ông Scholz đã viết thư cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven T. Mnuchin, đề xuất “việc xây dựng và vận hành Nord Stream 2 không bị cản trở” để đổi lại việc đầu tư 1 tỷ euro vào các nhà ga nhập khẩu khí đốt Mỹ. Nhưng Washington đã từ chối đề nghị này.
Giám đốc điều hành Nord Stream 2 Matthias Warnig ngay lập tức đã có cuộc họp với Thống đốc Schwesig nhằm tìm cách giải quyết mối đe dọa từ nước Mỹ. Một tháng sau, cả hai đã có một bữa tối kéo dài ba tiếng với cựu Thủ tướng Schröder.
Từ đây, ý tưởng về một quỹ được nhà nước hậu thuẫn đã xuất hiện, đảm nhận vai trò bảo vệ các công ty thực hiện dự án. Các thương vụ của quỹ giống như “nhà kho”, mua và dự trữ vật tư cần thiết để hoàn thành đường ống.
Theo các tài liệu được tờ Welt công bố, tại thành phố Rostock, quỹ đã tài trợ cho một công ty thuê không gian lắp điện gió ngoài khơi, nhưng thực tế là hỗ trợ tàu Nga đặt đường ống. Quỹ cũng chi 18 triệu euro để mua và chuyển đổi một tàu chở hàng thành tàu đặt đá.
Thành phố Rostock, nơi quỹ thuê không gian giúp hoàn thành Nord Stream 2. Ảnh: New York Times. |
Con tàu đã hoàn thành công việc vào đầu năm nay, nhưng thủ tướng Đức đã đình chỉ dự án. Nord Stream 2 chưa bao giờ được sử dụng.
Dưới áp lực pháp lý, quỹ tiết lộ đã nhận 192 triệu euro từ Nord Stream 2. Số tiền quỹ đã sử dụng để đóng vai trò trung gian liên quan đến 80 công ty trong 119 giao dịch, trị giá 165 triệu euro.
Quỹ cũng xác nhận rằng đối với mỗi giao dịch thay mặt Nord Stream 2, quỹ kiếm được 10% hoa hồng.
Khi mùa đông đến gần, người dân ở một số bang của Đức xuống đường biểu tình mỗi tuần. Họ tuần hành với biểu ngữ “Mở lại Nord Stream 2”. Nhiều quan chức Đức cũng đồng ý với điều này.
Ông Sellering vẫn giận dữ chống lại những lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt. Ông khẳng định “niềm tin vào chủ quyền Đức” chính là mục tiêu của quỹ.
“Chúng tôi muốn có đường ống”, bà Schwesig tuyên bố.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của Liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2018. Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.