Mới đây, đại diện một số hãng tàu chạy tuyến Vân Đồn đi các đảo của Quảng Ninh phản ánh tình trạng không mua được nhiên liệu tại cây xăng duy nhất nằm tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.
Lý do cây xăng này đưa ra do không bán vào can và các dụng cụ chứa khác. Ngoài ra, cây xăng chỉ bán tối đa 100 lít nhiên liệu mỗi lần và không bán với những trường hợp không ký hợp đồng mua hàng, nhất là đối với những trường hợp mua hàng với số lượng lớn, đột biến mà không thông báo trước cho công ty.
Tàu nằm không trên bến cảng Cái Rồng do cây xăng không đồng ý bán nhiên liệu vào can. Ảnh: H.N. |
“Chúng tôi mang cả giấy tờ tàu, đăng ký kinh doanh và hình ảnh chụp tàu khách ra để chứng minh nhưng họ vẫn không bán”, đại diện tàu cao tốc Hoàng Vy chia sẻ.
Sau khi tiếp nhận phản ánh từ Zing, đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh, cho biết theo quy định, các cửa hàng bán nhiên liệu không được bán và đổ nhiên liệu vào can và các dụng cụ chứa xăng do không đảm bảo an toàn, nguy cơ cháy nổ rất cao.
“Quy định bán trong can trong chai là sai, các cửa hàng về nguyên tắc không được bán trong can, trong chai. Từ trước đến nay các cây xăng thường 'linh động' đổ vào can cho khách hàng”, đại diện Sở Công Thương chia sẻ.
Luật pháp không cấm khách hàng mua xăng bằng can
Tuy nhiên, trao đổi với Zing, luật sư Diệp Năng Bình, văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Hà Nội), cho biết pháp luật không quy định các cây xăng chỉ bán cho người tham gia giao thông, người dân có thể mua xăng đựng vào các dụng cụ, thiết bị khác và không bị hạn chế số lượng.
Xăng, dầu mua về sử dụng thì không phải đầu cơ bởi vì hành vi đầu cơ được xác định là vi phạm pháp luật, còn người dân mua tích trữ để sử dụng dần thì không vi phạm.
Luật sư Bình giải thích thêm xăng dầu không chỉ phục vụ cho nhu cầu về phương tiện đi lại như ôtô, xe máy… mà rất nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể dùng để chạy động cơ như các hộ dùng để vận hành máy xay sát, máy phát điện tại nhà hoặc một số hộ mua xăng dầu để chạy tàu, thuyền tại vùng sông nước và rất nhiều loại động cơ khác… nên không có quy định nào cấm khách hàng mang can đến cây xăng để mua nhiên liệu.
Tuy nhiên, việc tích trữ xăng dầu vào thùng, can, chai tại gia đình cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy, nổ cho gia đình và cộng đồng. Chính vì thế, các cơ quan chức năng chỉ có thể khuyến khích, nâng cao ý thức của người tiêu dùng nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Luật sư cho rằng không có quy định nào cấm khách hàng mang can đến cây xăng để mua nhiên liệu. |
Đối với vụ việc chủ tàu Hoàng Vy dùng can đến cây xăng mua nhiên liệu để đổ vào tàu, thuyền là trường hợp chính đáng, nhân viên cây xăng xử lý như vậy là quá cứng nhắc. Luật sư Bình cho rằng chủ cây xăng có thể xác minh người mua xăng vào can để làm gì? Nếu lý do chính đáng như tiếp nhiên liệu ngay vào tàu, thuyền mà không phải mua để tích trữ hay đầu cơ thì có thể bán.
Còn đối với chủ tàu, nếu có kế hoạch tiếp nhiên liệu cố định từ một điểm thì nên làm việc rõ ràng với cửa hàng, có thể ký hợp đồng hoặc đăng ký sản lượng nhiên liệu tiêu thụ thực tế hàng ngày với cây xăng để không phải lâm vào tình cảnh tàu nằm bờ vì không có nhiên liệu để chạy.
Đồng tình với quan điểm trên, chủ một cây xăng tại TP Hạ Long, cho biết từ trước tới nay chưa có quy định nào rõ ràng thể hiện cấm bán xăng dầu qua can, chai, lọ… mà chỉ có khuyến cáo hạn chế đổ xăng, dầu vào các phương tiện lưu trữ trên do vấn đề bảo quản và an toàn phòng chống cháy nổ.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại xăng dầu thế giới đang biến động phức tạp. tổng đại lý và đại lý đang bị khan hiếm hàng và bị thua lỗ do không được hỗ trợ giá nên các cửa hàng xăng dầu sẽ hạn chế bán nhiên liệu cho khách hàng bằng hình thức đổ vào can hay phi…
Ngoài ra, việc này cũng sẽ giúp ngăn chặn việc khách hàng có hành vi đầu cơ, tích trữ xăng dầu để bán lẻ với giá cao khi thời điểm xăng dầu đang khan hiếm như hiện tại.
Từ chối bán xăng có thể bị phạt hành chính
Chủ tàu Hoàng Vy chạy tuyến cao tốc Vân Đồn, cho biết thêm "cực chẳng đã" mới phải xách can đi mua xăng vì các trạm tiếp nhiên liệu trên biển chỉ bán dầu chứ không bán xăng. Tuyến Vân Đồn - Cô Tô chỉ có hai trạm xăng duy nhất đều ở trên bờ thuộc huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô.
“Ngay cả trên đảo việc mua xăng cũng khó nên chúng tôi tranh thủ mỗi lần di chuyển về bờ đều bố trí người mang can đi mua xăng để kịp giờ chạy. Ngày 27/10 tôi phải chạy xuống cây xăng tại TP Cẩm Phả mới mua được nhiên liệu chấp nhận chênh lên thêm 200.000 đồng/can 20 lít. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải quyết tình huống trước mắt do các cây xăng ở đây cũng hạn chế bán vào can”, đại diện đội tàu Hoàng Vy cho biết.
Các doanh nghiệp bán lẻ đang gặp khó khăn về nguồn cung lẫn chiết khấu. Ảnh: Đức Anh. |
Trao đổi về vấn đề này với Báo Công Thương, ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết hiện tại pháp luật không có điều khoản nào cấm người tiêu dùng mua xăng bằng chai, bằng can đem về. Bởi xăng dầu không chỉ phục vụ cho nhu cầu về phương tiện đi lại như ôtô, xe máy… mà rất nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể dùng để chạy động cơ như các hộ dùng để vận hành máy xay sát tại nhà, hoặc một số hộ mua xăng dầu để chạy ghe, thuyền tại vùng sông nước và rất nhiều loại động cơ khác…
Tuy nhiên, ông Trần Việt Hùng cũng cho biết việc tích trữ xăng dầu vào thùng, can, chai tại gia đình cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy, nổ cho gia đình và cộng đồng. Đồng thời, xăng dầu rất khó bảo quản vì dễ bay hơi, biến chất sau một thời gian nhất định…
Chính vì thế, các cơ quan chức năng chỉ có thể khuyến khích, nâng cao ý thức của người tiêu dùng nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Luật sư Diệp Năng Bình cho xăng dầu là hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến nhiều mặt của nền kinh tế. Bởi vậy, xăng dầu được xếp vào nhóm hàng bình ổn giá và có sự quản lý của Nhà nước liên quan đến hoạt động kinh doanh đối với lĩnh vực này.
Những hành vi găm hàng, thổi giá, đầu cơ, tích trữ xăng dầu sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 15 Luật giá thì xăng, dầu thành phẩm là hàng hóa thực hiện bình ổn giá do đó hành vi găm hàng của các cửa hàng xăng dầu có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 31, 32 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hành vi đầu cơ hàng hoá quy định tại Điều 31 với mức phạt tiền thấp nhất là 5-10 triệu đồng và cao nhất là 80-100 triệu đồng, cùng với mức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm.
Ngoài ra, có thể tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 6-12 tháng.