Một số cây xăng ở TP.HCM treo bảng "hết xăng" suốt tuần qua. Ảnh: T.N. |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chỉ đạo Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Tài chính nghiên cứu đề xuất giải pháp điều hành xăng dầu. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, liên Bộ chủ động phối hợp, tích cực xử lý, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Theo Thủ tướng, đây là vấn đề được dư luận quan tâm và liên quan trực tiếp đến người dân. Báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ gửi đến Văn phòng Chính phủ cho thấy báo chí tuần qua tiếp tục có loạt bài về các bất cập trong cơ chế điều hành xăng dầu.
Cụ thể, nhiều bài báo phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt hiện nay, qua đó nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý trong các vấn đề liên quan đến chi phí nhập khẩu trong giá cơ sở, doanh nghiệp đầu mối ngưng nhập hàng, hay các quy định tạo khâu trung gian phân phối, cơ quan hải quan không cho nhập khẩu xăng dầu. Bên cạnh đó, vấn đề dự trữ xăng dầu quốc gia bảo đảm nguồn cung dài hạn cũng được đề cập.
Các chuyên gia nhấn mạnh cần có sự hợp tác tích cực hơn giữa các cơ quan chức năng trên tinh thần chung là duy trì lượng cung, đáp ứng yêu cầu thị trường và đảm bảo sự hài hòa lợi ích theo chỉ đạo chung của Chính phủ.
Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan rà soát thật kỹ cơ chế, chính sách, quy định để sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình. Trong đó, nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá cũng như điều chỉnh các quy định liên quan chi phí cấu thành giá xăng dầu...
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình.
Trong phiên họp tổ sáng 22/10 về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên (đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng) khẳng định chỉ được giao đảm bảo nguồn cung xăng dầu ra thị trường, quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối tới thương nhân phân phối. Theo đó, nguồn cung và dự trữ hiện tại hoàn toàn đáp ứng đến gần hết tháng 11.
Tuy nhiên, ông cho rằng có đến 7 bộ, ngành và địa phương đang cùng chịu trách nhiệm quản lý và đảm bảo nguồn cung xăng dầu, do đó cần có sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ của các bên.
Thời gian qua, nhiều địa phương, đặc biệt ở phía Nam, xảy ra tình trạng cây xăng đóng cửa vì hết hàng, hoặc mở cửa nhưng thông báo "hết xăng còn dầu" hay bán nhỏ giọt. Riêng tại TP.HCM, trong các ngày 23-27/10 trung bình mỗi ngày vẫn có khoảng 9-10% số cửa hàng xuất hiện tình trạng cung cấp gián đoạn do tạm hết các mặt hàng xăng hoặc dầu.