Thủ tướng yêu cầu rà soát thật kỹ cơ chế, chính sách, quy định về điều hành giá xăng dầu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Trả lời về vấn đề nguồn cung xăng dầu tại hội nghị tiếp xúc cử tri Cần Thơ sáng 13/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã yêu cầu các cơ quan rà soát thật kỹ cơ chế, chính sách, quy định để sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình. Trong đó, nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá cũng như điều chỉnh các quy định liên quan chi phí cấu thành giá xăng dầu...
Theo người đứng đầu Chính phủ, tình trạng đứt gãy cung ứng, giá xăng dầu thế giới lên xuống nhanh, khó dự báo thời gian qua khiến doanh nghiệp nhập khẩu với giá cao nhưng sau đó giá xuống thấp nên thua lỗ. Điều này cần được chia sẻ.
Thủ tướng nhìn nhận chủ yếu do nguyên nhân chủ quan từ việc áp dụng cơ chế, chính sách và sự phối hợp giữa một số cơ quan chưa kịp thời, hiệu quả, cần kiểm điểm lại.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu công tác điều hành, phản ứng chính sách cần linh hoạt hơn, nhanh hơn, các bộ ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc thông quan, lưu thông hàng hóa cần khẩn trương, thông suốt, hiệu quả. Các cơ quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xăng dầu hoạt động đúng pháp luật, bên cạnh xử lý những doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các cơ quan cung cấp thông tin khách quan, phù hợp, chính xác, không làm người dân hoang mang, lo lắng.
Theo Thủ tướng, báo cáo cho thấy đến nay tình hình cơ bản đã được giải quyết ở một số địa phương như TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề gây bức xúc cho người dân, cần nhanh chóng khắc phục.
Trước đó, tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương chiều 12/10, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết tình hình thế giới biến động phức tạp từ cuối 2021 đến nay ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung về năng lượng, trong đó có xăng dầu.
“Cả nước có 17.000 cơ sở kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên, chưa có con số chính xác những đơn vị tạm ngừng kinh doanh. Dù bao nhiêu đi chăng nữa chúng tôi cũng sẽ chịu trách nhiệm cùng các bộ ngành liên quan nhìn thẳng vào trách nhiệm và có biện pháp giải quyết”, ông nói và nhấn mạnh trong 17.000 cửa hàng, miền Bắc, miền Trung không sao nhưng miền Nam có 4-5 tỉnh bị ảnh hưởng.
Trước tình trạng này, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.
Phó thủ tướng cũng lưu ý cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ Công Thương cũng được chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu để báo cáo Chính phủ trong tháng 10.