Mới 15 tuổi, nhưng Evelina Christiansen đã có thể lái một chiếc BMW ra đường.
Điều này hoàn toàn hợp pháp, bởi Thụy Điển có một quy định đã hơn 100 năm tuổi về việc cho phép trẻ em từ 15 tuổi trở lên lái xe mà không cần bằng lái xe, miễn là phương tiện đó đã được chuyển đổi để có tốc độ tối đa 30 km/h.
Được gọi là "A-traktor", những chiếc ôtô và xe tải kiểu này đã trở nên quá phổ biến trong những năm gần đây, đến nỗi các nhà chức trách lo ngại về sự gia tăng tai nạn đường bộ, theo Straits Times.
Không cần bằng lái ôtô
“Tôi nhận được nó một năm trước, vào tháng 4, nhân ngày sinh nhật của tôi”, Evelina tự hào nói với AFP trước chiếc BMW 5-series màu xanh đậm của cô, đỗ cạnh nhà cô ở ngoại ô phía nam Stockholm.
Trong khi thanh thiếu niên các nước khác phải lái xe moped hoặc scooter cho đến khi đủ tuổi có bằng lái xe, thanh niên Thụy Điển có thể sử dụng hầu hết mọi phương tiện, miễn là chúng có giới hạn tốc độ tối đa nhất định.
Ở những vùng ngoại ô giàu có của Stockholm, người ta thường bắt gặp thanh thiếu niên tự mình lái những chiếc Porsche Cayenne.
“Tôi thường sử dụng ôtô khi đến trường hoặc gặp gỡ bạn bè”, Evelina nói.
Luật pháp Thụy Điển cho phép trẻ em từ 15 tuổi trở lên lái xe mà không cần bằng lái xe, miễn là phương tiện đó đã được chuyển đổi để có tốc độ tối đa 30 km/h. Ảnh: BilSport. |
Những chiếc A-traktor bắt buộc phải có biển cảnh báo hình tam giác phía sau xe, cho biết phương tiện đang di chuyển chậm, cùng với móc kéo xe.
Ghế sau cũng phải tháo ra nên xe chỉ chở được tài xế và một hành khách.
Để có thể lái xe, thanh thiếu niên Thụy Điển chỉ cần một bằng lái xe moped dành cho người từ 15 tuổi trở lên (không cần thi lấy bằng); hoặc bằng lái máy kéo mà người từ 16 tuổi trở lên có thể thi lấy.
Quy định này dễ dãi một cách đáng ngạc nhiên ở một quốc gia nổi tiếng về bảo vệ an toàn đường bộ như Thụy Điển.
Nguồn gốc của A-traktor
Khởi nguồn từ phong trào của thanh niên ở nông thôn, các phương tiện A-traktor ngày càng được thanh thiếu niên ở thành thị Thụy Điển yêu thích. Số lượng xe A-traktor được đăng ký tăng gấp đôi lên 50.000 chiếc chỉ sau 2 năm rưỡi ở một quốc gia có 10,3 triệu dân.
Tiền thân của A-traktor ngày nay bắt nguồn từ thời kỳ suy thoái những năm 1930, khi các vùng nông thôn Thụy Điển thiếu thiết bị nông nghiệp.
Để khuyến khích chế tạo các phương tiện giá rẻ khi máy kéo vẫn còn nằm ngoài tầm với của nông dân, chính phủ đã cho phép họ chế tạo những chiếc ôtô đơn giản.
Đối với nhiều thanh thiếu niên nông thôn, A-traktor tượng trưng cho ước mơ độc lập của họ.
Nhà nước Thụy Điển chính thức hóa việc sử dụng A-traktor bằng quy định năm 1963, quy định này đã được bảo vệ chặt chẽ trong nhiều thập kỷ ở vùng nông thôn Thụy Điển.
Mãi đến năm 2018, chính phủ mới đưa ra quy trình kiểm tra khả năng đi đường bắt buộc đối với các phương tiện A-traktor.
Trong thời kỳ suy thoái những năm 1930, chính phủ Thụy Điển cho phép nông dân chế tạo những chiếc ôtô đơn giản khi giá máy kéo nằm ngoài tầm với của họ. Ảnh: Pinterest. |
Gia tăng tai nạn giao thông
Theo sau sự gia tăng nhanh chóng của số xe A-traktor được đăng ký từ năm 2020 đến nay, các công ty bảo hiểm và cảnh sát đã cảnh báo về tình trạng tai nạn giao thông. Chỉ trong 5 năm, số vụ tai nạn liên quan đến xe A-traktor đã tăng gấp hơn 5 lần.
Số ca bị thương đã vượt quá 200 ca mỗi năm và chỉ riêng năm 2022 đã có 4 ca tử vong.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, cơn sốt A-traktor là một cơ hội kinh doanh.
Oskar Flyman, 21 tuổi và em trai bắt đầu kinh doanh bằng cách chuyển đổi ôtô thành xe A-traktor vào năm 2021.
“Bạn có thể tìm thấy những chiếc A-traktor với giá từ 2.900 USD đến 19.000 USD”, Flyman nói. Cậu cho biết nếu khách hàng đã có sẵn ôtô, một lần chuyển đổi sẽ tốn khoảng 2.500 USD.
Trong nhà để xe của 2 anh em Flyman ở ngoại ô phía bắc Stockholm chất đầy những chiếc Audi và BMW. Họ thực hiện khoảng 5 đến 6 lần chuyển đổi mỗi tháng.
Mới đây, cơ quan giao thông của Thụy Điển đề xuất rằng, giống như ôtô thông thường, việc thắt dây an toàn và sử dụng lốp xe mùa đông sẽ trở thành bắt buộc với phương tiện A-traktor.