Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luật an ninh mới cho phép lính Nhật chiến đấu ở nước ngoài

Luật an ninh mới của Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 29/3, cho phép lực lượng phòng vệ của nước này tham gia chiến đấu ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Thế chiến II.

Theo Kyodo, đây là sự thay đổi chính sách quốc phòng mang tính bước ngoặt tại một đất nước có Hiến pháp quy định phản đối chiến tranh. 

Việc sửa đổi được chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe ban hành nhằm tăng cường khả năng đối phó của Nhật Bản với tình hình an ninh mới hiện nay, như sức mạnh của quân đội Trung Quốc và mối đe doạ tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, người dân nước này lo ngại rằng luật cải cách có thể ảnh hưởng đến chủ nghĩa bình định sau chiến tranh của đất nước mặt trời mọc. 

Luật an ninh mới chủ yếu sẽ mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở nước ngoài và thực thi quyền phòng vệ tập thể. Theo đó, lực lượng phòng vệ có quyền tham chiến để bảo vệ các đồng minh bị tấn công vũ trang, ngay cả khi Nhật Bản không bị đe dọa trực tiếp.

luat phong ve tap the Nhat Ban anh 1
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Japan Times

Tháng 6/2014, Quốc hội Nhật bỏ phiếu thông qua bản dự thảo sửa đổi hiến pháp nhằm cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể. Theo kết quả thăm dò ý kiến của Kyodo vào thời điểm đó, có đến 55,4% ý kiến phản đối chủ trương thay đổi quốc phòng và quyền phòng vệ tập thể.

Ngày 1/7/2015, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã có bước đi lịch sử khi nhất trí dỡ bỏ rào cản pháp lý ngăn cản quân đội nước này tham chiến ở bên ngoài kể từ sau Thế chiến II. Quyết định này được coi là thay đổi lớn nhất trong chính sách quốc phòng kể từ khi Nhật Bản thiết lập lực lượng phòng vệ thời hậu chiến 60 năm trước đây. 

Theo đó, Nhật Bản có thể triển khai lực lượng ở mức tối thiểu cần thiết trong trường hợp một nước mà Nhật Bản có quan hệ gần gũi bị tấn công và khi có các điều kiện như có sự đe dọa tới sự tồn tại của nước Nhật, có mối nguy cơ rõ ràng phá hoại quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân, khi không có lựa chọn phù hợp khác.

luat phong ve tap the Nhat Ban anh 2

Người dân Nhật tuần hành phản đối thực thi quyền phòng vệ tập thể. Ảnh: Reuters

Luật cũng cho phép nới lỏng những hạn chế trong các hoạt động triển khai quân cho lực lượng gìn giữ hòa bình do Liên Hiệp Quốc lãnh đạo và trong các vụ đụng độ bất ngờ có nguy cơ chuyển thành chiến tranh thực sự.

Quyết định của chính phủ Nhật Bản đã thổi bùng tranh cãi, nhiều ý kiến đánh giá động thái này đang đặt ông Abe và thậm chí cả nước Nhật phải đối mặt với rủi ro về chiến lược. Quốc hội Nhật từng một phen náo loạn khi các nghị sĩ đối lập nổi loạn để phản đối dự luật an ninh nhưng bất thành.

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe khẳng định người dân Nhật vẫn chưa hiểu rõ dự luật an ninh. Giới quan sát nhận định dự luật là bước đi cần thiết đối với nước Nhật trong thời điểm Trung Quốc mở rộng hoạt động quân sự ở châu Á. Mỹ trước đó đã tuyên bố ủng hộ các thay đổi trong chính sách quân sự của Nhật.

Sau Thế chiến II, Nhật là quốc gia không có quân đội chính quy và lực lượng quốc phòng của nước này được gọi là Lực lượng Phòng vệ (SDF). Tuy nhiên, Nhật là nước có binh sĩ được trang bị tốt thứ 6 thế giới, với ngân sách quốc phòng 60 tỷ USD năm 2013.

Châu Á sẽ ổn định hơn nhờ luật an ninh mới của Nhật?

Các học giả Mỹ nhận định, vai trò quốc tế của lực lượng quốc phòng Nhật được mở rộng sẽ góp phần định hình an ninh khu vực châu Á, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang.

Tại sao Nhật muốn phòng vệ tập thể?

Việc Nhật tự trói tay suốt 67 năm qua đã khiến nước này bị uy hiếp. Thế hệ lãnh đạo hiện nay muốn cởi trói.

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm