Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Châu Á sẽ ổn định hơn nhờ luật an ninh mới của Nhật?

Các học giả Mỹ nhận định, vai trò quốc tế của lực lượng quốc phòng Nhật được mở rộng sẽ góp phần định hình an ninh khu vực châu Á, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang.

a
Xe tăng Type-90 của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc diễu hành. Ảnh: Wikipedia

Ngày 18/9, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Dự luật an ninh mới cho phép Lực lượng Phòng vệ (SDF) mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Dự luật mới nhấn mạnh đến việc mở rộng hợp tác với Washington, đồng minh thân cận nhất của Tokyo, nhằm thực thi quyền phòng vệ tập thể.

Trước và sau khi dự luật được thông qua, dư luận trong và ngoài nước Nhật phản ứng rất khác nhau về văn kiện mang tính bước ngoặt này. Bắc Kinh, Seoul lên tiếng phản đối dự luật và cho rằng luật sẽ mở đường cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt. Trái lại, Washington hoan nghênh những thay đổi tích cực ở Tokyo và luật này là cột mốc quan trọng giúp liên minh Mỹ - Nhật trở nên vững chắc hơn.

Các quan chức ở Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, đánh giá cao đóng góp của Nhật vào hòa bình và ổn định trên khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông. 

"Chúng tôi hoan nghênh việc Quốc hội Nhật thông qua luật về an ninh quốc gia. Nhật Bản là đối tác chiến lược của Philippines, chúng tôi mong đợi các nỗ lực như trên nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung lớn hơn của hai nước, vì hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế", Edwin Lacierda, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, cho biết hôm 19/9.

Ngăn chặn chiến tranh
a
Tàu sân bay trực thăng DDH 181 JDS Hyuga của lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trong một cuộc tập trận chung với Mỹ. Ảnh: Seaforces

Các học giả trên thế giới đều cho rằng, dự luật an ninh mới của Nhật Bản sẽ tác động rất lớn đến tình hình an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như toàn cầu. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Miyazawa Kiichi, người ủng hộ hàng đầu trong việc bảo vệ Điều 9 Hiến pháp, cũng bày tỏ sự cần thiết phải thay đổi.

Ông cho rằng, an ninh quốc gia cần được xây dựng dựa trên việc dự đoán tất cả những mối đe dọa và ngăn chặn những bi kịch của chiến tranh. Để đảm bảo an ninh, SDF phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống. Trong khi đó, lực lượng này bị giới hạn hoạt động xung quanh vùng biển Nhật Bản. Tokyo luôn ở thế bị động và phải phụ thuộc vào Washington trong việc đảm bảo an ninh quốc gia.

Keith Henry, chuyên gia nghiên cứu về châu Á nói với CNN rằng, Nhật Bản như một đứa trẻ sống trong vòng tay che chở của Mỹ suốt 70 năm qua. Điều đó gây bất lợi cho cả Tokyo và Washington trong bối cảnh tình hình khu vực có những diễn biến rất phức tạp.

Triều Tiên thường xuyên bắn tên lửa xuống vùng biển Nhật Bản và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Trung Quốc thách thức chủ quyền của Nhật ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Bắc Kinh không che giấu tham vọng vượt ra ngoài chuỗi đảo thứ 2.

Các nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế của Mỹ (CSIS) từng nhận định, Trung Quốc đang quân sự hóa các đảo trên Biển Đông, điều đó có nguy cơ đe dọa đến tự do hàng hải. Trong khi đó, một mình quân đội Mỹ là chưa đủ để định hình an ninh khu vự châu Á – Thái Bình Dương.

Ngoài ra, khi dự luật được thông qua, vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trở nên chủ động hơn sẽ tác động tích cực đến an ninh khu vực. Trước hết, những tàu chiến của liên minh Mỹ - Nhật sẽ giúp đảm bảo tự do hàng hải qua biển Hoa Đông, Biển Đông cũng như toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đối với tranh chấp chủ quyền, Mỹ từng tuyên bố không đứng về bên nào nhưng cam kết đảm bảo an ninh và tự do hàng hải trong khu vực. Khi SDF mở rộng hoạt động, họ có thể sát cánh cùng Mỹ tạo thế đối trọng với Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ phải thận trọng hơn đối với các toan tính của họ trong khu vực, đặc biệt là đối với tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Nishi Osamu, giáo sư danh dự tại Đại học Komazawa, Nhật Bản trao đổi với Japanfocus rằng, liên minh quân sự Mỹ - Nhật sẽ góp phần định hình an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương và ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.

Đối với các vấn đề quốc tế, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng có thể đóng góp nhiều hơn trong các hoạt động  gìn giữ hòa bình, chống cướp biển, chống khủng bố và tìm kiếm cứu nạn.

Nhà phân tích Robert Dujarric, thuộc Viện Nghiên cứu châu Á đương đại kết luận, dự luật an ninh sẽ tác động đến châu Á như thế nào còn phụ thuộc vào thái độ và cách hành xử của các nước lớn trong khu vực, nhưng sự thay đổi là cần thiết nhằm đáp ứng các thách thức mới.
 

Luật an ninh mới của Nhật tác động thế nào đến Trung Quốc?

Giới phân tích Trung Quốc nhận định sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt và khả năng bị cô lập là những tác động tiêu cực của dự luật mới đối với Bắc Kinh.

Trung-Hàn phản đối, Mỹ-Philippines ủng hộ luật an ninh Nhật

Trung Quốc và Hàn Quốc cho rằng luật an ninh mới của Tokyo làm tăng mối lo ngại của các nước ở khu vực, trong khi Mỹ và Philippines hoan nghênh quyết định của Quốc hội Nhật.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm