Tàu ngầm phi hạt nhân lớp Oyashio của Nhật Bản. Ảnh: JMSDF |
Ngân sách quốc phòng Nhật Bản năm 2016 sẽ tăng thêm 2,8% so với năm 2015, đạt mức 5.000 tỷ Yen (42 tỷ USD), mức ngân sách cao nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Năm thứ 4 liên tiếp, Nhật Bản duy trì ngân sách quốc phòng ở mức tăng, nhưng lần điều chỉnh này có ảnh hưởng rất lớn đến sức mạnh quốc phòng cũng như vai trò của Nhật Bản đối với khu vực.
Theo Nikkei Asian Review, khoản ngân sách bổ sung sẽ dành cho việc xây dựng căn cứ thay thế cho căn cứ không quân Futenma trên đảo Okinawa – nơi tập trung lực lượng quân sự lớn của Mỹ tại Nhật Bản. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản sẽ tập trung gia tăng sức mạnh quân đội, củng cố an ninh ở chuỗi đảo đang tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng năm 2016 diễn ra không lâu sau khi nội các Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới cho phép mở rộng vai trò của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani cho biết, việc tăng ngân sách là cần thiết nhằm đáp ứng những thách thức an ninh mới.
Ngân sách quốc phòng năm 2016 tập trung vào việc mua sắm trang thiết bị nhằm tăng cường sức mạnh cho không quân và hải quân. Tokyo sẽ mua 3 máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk, 6 tiêm kích thế hệ 5 F-35, 12 máy bay cất hạ cánh thẳng đứng MV-22 Osprey. Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ đóng thêm tàu ngầm, tàu khu trục Aegis, mua máy bay chiến đấu và xe thiết giáp lội nước.
Mục tiêu sắp tới của Tokyo là xây dựng một lực lượng thủy quân lục chiến nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các đảo tranh chấp.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc
Tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Giới phân tích thế giới nhận định, sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc là một trong những nhân tố chính dẫn đến việc tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản. Bắc Kinh đã hiện đại hóa quân đội trên quy mô lớn. Trung Quốc đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên, đóng mới hàng loạt tàu chiến hiện đại, phát triển máy bay tàng hình và nhiều vũ khí tối tân khác.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh đã bồi lấp trái phép một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà có thể sử dụng cho mục đích quân sự. Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti. Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên kế hoạch cải tổ quân đội theo mô hình phương Tây.
Quân đội Trung Quốc ngày càng thể hiện vai trò lớn hơn và tham vọng gây ảnh hưởng trên toàn thế giới. Đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển, Bắc Kinh cũng tỏ ra quyết đoán hơn.
Trong khi đó, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tuy có trang thiết bị hiện đại nhưng số lượng khiêm tốn và năng lực hoạt động bị giới hạn bởi Điều 9, Hiến pháp. Nếu Nhật Bản không tăng cường sức mạnh quân sự và thay đổi vai trò của SDF rất khó để đảm bảo an ninh trong tình hình mới.
Môi trường an ninh thay đổi
Ngoài ra, Triều Tiên thường xuyên phóng tên lửa về vùng biển Nhật Bản và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Một số học giả cho rằng, việc Tokyo duy trì một lực lượng quân sự ở thế thụ động rõ ràng không còn phù hợp với tình hình an ninh mới.
Keith Henry, chuyên gia nghiên cứu về châu Á cho rằng, Nhật Bản phải phụ thuộc vào “chiếc ô an ninh” của Mỹ suốt 70 năm qua. Điều đó gây bất lợi cho cả Tokyo và Washington trong bối cảnh tình hình khu vực có những diễn biến rất phức tạp.
Ngoài các vấn đề tranh chấp chủ quyền, chủ nghĩa khủng bố đang gia tăng ở quy mô toàn cầu. Bọn cướp biển hoành hành trên nhiều vùng biển, đặc biệt ở vịnh Aden và eo biển Malacca ảnh hưởng đến tự do hàng hải.
Trong khi đó, nhiều tuyến vận tải biển quan trọng đối với kinh tế Nhật Bản đi qua các vùng biển trên, đặc biệt là dầu mỏ. Do đó, Nhật Bản cần có lực lượng quân sự chủ động hơn để đảm bảo chiến lược kinh tế.
Tác động với khu vực
Tàu khu trục của Mỹ và Nhật Bản trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng nhằm phục vụ cho vai trò ngày càng mở rộng của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở khu vực châu Á cũng như trên toàn thế giới. Tăng cường sức mạnh quân đội là một phần quan trọng trong luật an ninh mới vừa được Quốc hội Nhật Bản thông qua trong tháng 9.
Theo luật mới, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) sẽ được phép thực hiện các hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ nước này nhằm thực thi quyền phòng vệ tập thể. SDF sẽ tăng cường khả năng hợp tác với Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của Tokyo.
Các học giả trên thế giới nhận định, việc Tokyo tăng ngân sách quốc phòng đầu tư cho không quân và hải quân sẽ có tác động lớn đối với tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Một khi vai trò của SDF trở nên chủ động hơn sẽ cho phép họ phối hợp cùng Mỹ và một số nước khác trong các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải, chống cướp biển.
Trước hết, với liên minh Mỹ - Nhật, khi SDF mạnh và chủ động hơn sẽ giúp đảm bảo tự do hàng hải qua biển Hoa Đông, Biển Đông cũng như toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Họ có thể sát cánh cùng Mỹ tạo thế đối trọng với Trung Quốc. Lực lượng Phòng vệ biển (JMSDF) đang xem xét kế hoạch tuần tra chúng với Mỹ trên Biển Đông trong thời gian tới.
Yuichi Hosoya, giáo sư về chính trị tại Đại học Keio nói với Diplomat rằng, nhu cầu của Nhật Bản là tiến hành các hoạt động thu thập thông tin tình báo về các hoạt động của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông nhằm phục vụ cho kế hoạch đối phó lâu dài với Bắc Kinh.
Nishi Osamu, giáo sư danh dự tại Đại học Komazawa, Nhật Bản nhận định, liên minh quân sự Mỹ - Nhật sẽ góp phần định hình an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương và ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.
Đối với các vấn đề quốc tế, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể đóng góp nhiều hơn trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, chống cướp biển và khủng bố.
Aurelia George Mulgan, giáo sư thuộc Đại học New South Wales, Australia cho rằng, SDF mạnh và chủ động hơn sẽ tạo ra sự cân bằng cho châu Á – Thái Bình Dương khi quân đội Trung Quốc tỏ ra lấn lướt các quốc gia khác.
Phía Trung Quốc vẫn chưa bình luận về kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng năm 2016 của Nhật Bản.
|