Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Lựa chọn của người thuê chung cư ở TP.HCM khi chủ nhà tăng giá

Sau nhiều tháng được hỗ trợ tiền thuê nhà, nhiều cư dân nhận thông báo tăng giá trở lại khi bước vào bình thường mới. Họ quyết định rời đi hoặc chọn cách thương lượng với chủ.

gia thue nha tang hau gian cach anh 1

Đối với nhiều người dân sinh sống tại TP.HCM, tiền thuê nhà chiếm một phần không nhỏ trong khoản chi trả hàng tháng. Họ thường phải trả mức giá 3-20 triệu đồng cho các căn hộ dịch vụ và chung cư nếu lựa chọn khu vực trung tâm.

Trong dịch, một số chủ thuê nhà đã giảm giá cho người thuê để chia sẻ khó khăn. Hậu giãn cách xã hội, cuộc sống trở lại bình thường mới, một số người đối mặt với câu chuyện nhà thuê tăng giá.


Chấp nhận rời đi

“Sau khi thành phố cho phép hoạt động lại các dịch vụ thiết yếu, công việc của tôi vẫn chưa ổn định nên chi tiêu khó khăn”, anh Hoàn Thiện (27 tuổi, quận 4) chia sẻ.

Đầu tháng 6, anh Thiện dời về căn hộ studio tầm 35 m2 nằm trong một chung cư cao cấp ở con đường Bến Vân Đồn. Tại thời điểm đó, mức giá chủ nhà đưa ra khá dễ chịu là 9 triệu đồng.

Tuy nhiên, Hoàn Thiện vẫn phải đóng phí quản lý hơn 1 triệu. Anh cho biết mình không được sử dụng bất kỳ tiện ích nào gồm hồ bơi, phòng gym,... do ảnh hưởng của dịch.

gia thue nha tang hau gian cach anh 2

Tiện ích bị cắt giảm nhiều tháng liền, nay anh Hoàn Thiện còn đối mặt với việc bị tăng giá nhà. Ảnh minh họa: Diamond Riverside.

Cứ ngỡ mọi thứ sẽ ổn hơn, anh bất ngờ khi nhận được thông báo từ chủ nhà. Họ muốn đẩy giá thuê lên 10 triệu với lý do “cuộc sống trở về bình thường mới”.

Hoàn Thiện hoang mang, không biết nên chấp nhận hay chuyển đi nơi khác. Sau một vài ngày thương lượng không thành, anh quyết định dọn nhà sang chung cư bạn ở.

Đối với Thiện, việc tăng giá có chút bất tiện vì quá đột ngột. Anh cũng cảm thấy khá mệt bởi phải di chuyển nơi ở nhiều lần trong một năm. Còn lại, người đàn ông này hoàn toàn chấp nhận, thông cảm cho tình hình của chủ nhà.

Rebecca (30 tuổi, TP Thủ Đức) từng rất vui mừng khi được chủ nhà giảm 1 triệu tiền thuê trong 2 tháng dịch bệnh. Là một đầu bếp, thu nhập của người phụ nữ ngoại quốc này gần như bằng 0 do không thể đi làm từ đầu tháng 6. Chị dùng tiền tiết kiệm để chi trả tiền nhà, đồ ăn và nhu yếu phẩm.

“Và ngay khi thành phố mở cửa, chủ nhà nhắn tin bảo tôi họ tăng giá nhà thêm 3 triệu đồng. Thật quá sức tưởng tượng!”, chị Rebecca bức xúc.

Không muốn mặc cả, chị dọn khỏi căn hộ ngay trong tuần. Đến nay, chung cư cũ của chị vẫn trống vì chưa ai dọn về.

Rebecca tự thấy khó hiểu với quyết định của chủ nhà. "Tại thời điểm này, tình hình nhà đất có nhiều thay đổi khó lường. Không ai có thể nói trước được tương lai và sẽ rất khó để kiếm người thay thế vào căn hộ mà chấp nhận mức giá tăng giảm không đều", chị trải lòng.


Thương lượng lại giá

Tương tự, Phạm Phúc Thịnh (26 tuổi, quận Bình Thạnh) cũng vừa được chủ nhà “đánh tiếng” về việc tăng giá căn hộ dịch vụ.

Nơi anh ở rộng tầm 40 m2 với một phòng ngủ tách biệt. Phúc Thịnh chọn nơi đây qua lời giới thiệu của một người bạn. Phòng ốc mới và sạch sẽ, dịch vụ tốt làm anh cảm thấy hài lòng.

Một điểm cộng khác của căn hộ dịch vụ này là tiện đường anh đi làm, không quá xa công ty mà cũng gần trung tâm thành phố. Hàng tháng, anh chi trả 4,5 triệu đồng chưa kể tiền điện và nước. Trong thời gian giãn cách, Phúc Thịnh được chủ nhà tạo điều kiện bằng cách giảm 1 triệu đồng/tháng.

gia thue nha tang hau gian cach anh 3

Không gian thoáng đãng trong căn hộ 40 m2 của Phúc Thịnh. Ảnh: NVCC.

“Vài ngày trước, chủ nhà nhắn tôi đòi tăng giá nhà lên 5 triệu đồng/tháng. Họ chia sẻ rằng cần tu sửa lại mọi thứ, tôi cũng yêu cầu cấp riêng máy giặt trong phòng nếu chấp nhận mức giá đó”, Phúc Thịnh kể.

Lời khuyên của Phúc Thịnh là “trong trường hợp thu nhập của bạn vẫn chưa về lại bình thường, đừng ngại chia sẻ và trao đổi với chủ nhà”.

Trong một bài đăng trên nhóm dành cho người nước ngoài, nhiều bình luận để lại cho thấy họ cũng trải qua câu chuyện tương tự.

Anh Chuck William nêu quan điểm: “Nó hợp lý nếu chủ nhà tăng giá thuê bằng với mức trước dịch. Chủ nhà của tôi cũng làm việc tương tự vào năm 2020 và nó diễn ra suôn sẻ. Nhưng nếu họ tăng giá cao hơn trước, bạn nên rời đi”.

Là chủ hai căn chung cư cao cấp tại quận 4, anh Hoàng Huy (30 tuổi, quận 1) tiết lộ vẫn dùng mức giá ưu đãi mùa dịch cho khách thuê nhà của mình.

“Người thuê nhà của tôi đa phần là nhân viên văn phòng, có thu nhập ổn định. Họ không quá mong chờ được giảm giá nhưng tôi vẫn muốn làm việc này để hỗ trợ họ một ít. Thậm chí, ai có khó khăn tiền bạc tôi cũng sẽ du di để họ đóng trễ hơn vài ngày”, anh Huy bộc bạch.

Hoàng Huy cho rằng bất kỳ bạn trẻ nào khi đi thuê nhà cũng cần để ý kỹ đến các điều khoản trong hợp đồng. Nếu hết hạn, chủ nhà có quyền yêu cầu tăng giá. Tại thời điểm đó, bạn có thể cân nhắc xem nên chấp nhận mức yêu cầu đó hay rời đi, tìm một nơi ở mới.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Các workshop tại TP.HCM vẫn hạn chế hoạt động

Bên cạnh hàng loạt khóa workshop đã trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới, một số đơn vị có phần gặp khó khi tổ chức các lớp hậu giãn cách.

Mong ngóng rạp phim ở TP.HCM mở lại

Chị Thu Hà hứa hè này sẽ đưa con gái đi xem phim để giải trí như mọi năm. Vì dịch, chị đành thất hẹn, nay mong rạp sớm mở cửa để bù đắp cho bé sau những ngày dài ở nhà học online.

Điều mong mỏi của hai ông Tây ở TP.HCM về chuyến đi sau giãn cách

Williams muốn du lịch ngoại tỉnh nhưng lo ngại phải cách ly và xét nghiệm nhiều lần, còn Klovstad từng ngày chờ khách quốc tế đến TP.HCM để tiếp tục công việc hướng dẫn viên.

Đông Dương

Bạn có thể quan tâm