Các khóa học thủ công, làm gốm, các lớp nghệ thuật hay phát triển bản thân... đang là xu hướng lựa chọn của các bạn trẻ ở TP.HCM vào dịp cuối tuần.
Bên cạnh là không gian thư giãn, vui chơi, nghỉ ngơi sau tuần làm việc căng thẳng, nhiều khóa học còn mang đến các kỹ năng hoặc trải nghiệm mới mẻ, độc đáo.
Sau khi thành phố cho phép các sự kiện được hoạt động trở lại, giới trẻ lại tìm đến những địa chỉ workshop quen thuộc. Song, nhiều đơn vị tổ chức vẫn còn e dè và cẩn trọng việc hoạt động trong điều kiện "bình thường mới".
Trở lại với 50% công suất
Meow Pottery Workshop
Meow Pottery Workshop là đơn vị tổ chức các khóa học làm gốm sứ tại TP.HCM. Trong thời điểm giãn cách xã hội, hầu hết chuỗi hoạt động workshop tại đây đều phải tạm ngưng và chỉ tập trung kinh doanh online.
Khi thành phố mở cửa, cho phép các sự kiện được tổ chức trở lại, Meow Pottery Workshop bắt đầu đón học viên đến tham dự các khóa học.
Trao đổi với Zing, đại diện Meow Pottery Workshop cho biết: "Khi mở cửa lại, chúng tôi áp dụng một số nguyên tắc và điều kiện để đảm bảo phòng dịch".
Hiện quy định đối với các học viên tham dự khóa học bao gồm: Đặt chỗ trước khi tới, tiêm đủ 2 mũi vaccine, khai báo y tế bằng QR code khi đến lớp, rửa tay sát khuẩn khi vào lớp, đeo khẩu trang trong suốt quá trình tham gia.
Meow Pottery Workshop trở lại với nhiều biện pháp phòng dịch. Ảnh: NVCC. |
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo giãn cách, số lượng thành viên tham dự các lớp học tại đây cũng giảm từ 18 xuống 9 người. Các học viên đến trải nghiệm sẽ được bố trí ngồi bàn riêng biệt, cách nhau ít nhất 2 m.
Đơn vị này cho biết khi giảm số lượng học viên đến tham gia sẽ phần nào ảnh hưởng đến doanh thu. Tuy nhiên, đây là cách làm phù hợp với tình hình chung của toàn thành phố trong giai đoạn hiện tại, vừa đảm bảo quy định phòng dịch, vừa đảm bảo sức khỏe và sự an toàn chung của mọi người.
Tuy những quy định có phần nhiều và phức tạp hơn trước, song các học viên tại Meow Pottery Workshop đều vui vẻ đáp ứng và háo hức khi được trở lại lớp học.
Bày tỏ về việc được trở lại hoạt động trực tiếp với học viên sau 4 tháng giãn cách, đại diện Meow Pottery Workshop nói: "Việc mở lại hoạt động workshop khiến team rất vui vẻ và phấn khích sau một thời gian dài đóng lớp. Mọi người đều hoạt động năng nổ làm việc tích cực, vừa là cách giải phóng năng lượng, đồng thời giải quyết các công việc của lớp bị tồn đọng quá lâu".
Mở lớp 1:1
Note - The Scent Lab
Kể từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại TP.HCM, các hoạt động thiên về tổ chức workshop tại Note - The Scent Lab bị ảnh hưởng.
Trước đó, thương hiệu này ngoài kinh doanh các sản phẩm như nước hoa, nến thơm, tinh dầu… còn thực hiện các lớp trải nghiệm giúp các bạn trẻ hiểu hơn về sáng tạo khứu giác. Các hoạt động trao đổi, thảo luận này thường diễn ra định kỳ vào chủ nhật hàng tuần. Chủ đề được luân phiên thay đổi để đem lại cảm giác mới mẻ cho người tham gia.
Sự kiện về trải nghiệm, tự làm các sản phẩm như nến thơm, tinh dầu,... tại Note thu hút đông đảo bạn trẻ. Ảnh: NVCC. |
"Đặc trưng của workshop thiên về khứu giác tại Note là trải nghiệm ngửi, thưởng thức mùi hương. Chúng tôi ưu tiên hình thức offline hơn là online", đại diện thương hiệu Note chia sẻ lý do không phát triển nhiều hoạt động trong lúc giãn cách.
Ở thời điểm hiện tại, đơn vị này đã sẵn sàng chạy lại các dự án về workshop ngay khi tình hình dịch ổn định hơn. Thông thường, quy mô mỗi buổi gặp gỡ tầm 10-20 người nhưng quy định cho phép các sự kiện diễn ra tập trung còn rất hạn chế.
Song song với việc chuẩn bị, Note chia sẻ họ đang chạy chương trình làm nước hoa, nến thơm và xà phòng riêng lẻ theo từng cá nhân, tức là một người hướng dẫn kèm một vị khách.
Điểm cộng của dịch vụ 1:1 tại Note là thời gian linh hoạt, dựa theo lịch của người tham dự. Đồng thời, bạn còn có thể tự tay làm cho mình một sản phẩm xinh xắn để đem về như món quà kỷ niệm.
"Chọn lựa nguyên liệu thô, chuẩn bị bộ dụng cụ, đến các kiến thức và tài liệu... workshop nào Note cũng chuẩn bị cẩn thận như lần đầu tiên. Nhưng không vì thế mà trải nghiệm trở nên nhàm chán", chia sẻ của Note trên Facebook chính thức.
Tổ chức cả lớp online lẫn offline
Tipsy Art
Được thành lập từ tháng 12/2015, Tipsy Art là địa chỉ quen thuộc mà nhiều bạn trẻ tìm đến vào dịp cuối tuần để vẽ tranh thư giãn và thưởng thức đồ uống.
Thời điểm dịch bệnh, Tipsy Art cũng như hầu hết đơn vị tổ chức workshop khác đều phải tạm ngưng hoạt động trong thời gian khá dài. Song đến hiện tại, sau khi được cổng thông tin an toàn Covid cấp mã QR, các workshop vào hai buổi sáng - chiều ngày thứ bảy, chủ nhật cùng lớp vào tối thứ năm và thứ sáu đã hoạt động lại bình thường.
Các lớp học vẽ Tipsy Art trở lại và đảm bảo nguyên tắc phòng dịch. Ảnh: NVCC. |
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo khoảng cách và nguyên tắc 5K, Tipsy Art chỉ nhận tối đa 10 người/workshop, con số này trước đây là 30 người. Hình thức học được ưa chuộng trước đây là "hai người vẽ chung một tranh" cũng đã tạm dừng.
Đại diện đơn vị này cho biết doanh thu có giảm khoảng 2/3, nhưng vé của mỗi workshop đều bán hết rất sớm. Đây là dấu hiệu tốt rằng dịch vụ của Tipsy Art vẫn được mọi người đón nhận.
Chưa kể, ngoài các hoạt động offline đã quay trở lại, Tipsy Art vẫn tổ chức hàng loạt các workshop online dành cho doanh nghiệp có nhân viên làm việc tại nhà.
Tipsy Art nhận định đây là một cách giúp mọi người có thể trải nghiệm các hoạt động nghệ thuật và thư giãn. Workshop online sẽ là một hướng đi mà đơn vị này lựa chọn tiếp tục tập trung phát triển và hoàn thiện trong thời gian sắp tới.
"Chờ sang năm 2022"
Lady Networking
Với kinh nghiệm 12 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông, marketing và khởi nghiệp đa ngành, chị Trinh Hồ sáng lập nên Lady Networking vào năm 2017.
Thông qua đây, chị tổ chức nhiều buổi workshop dành cho đối tượng chính là nữ giới tại TP.HCM. Mỗi buổi sinh hoạt đi kèm với một chủ đề trọng tâm để giúp chị em lên kế hoạch tài chính và phát triển bản thân.
Trung bình, mỗi buổi gặp mặt giữa các thành viên có số lượng khách từ 20-30 người. Trong giai đoạn giãn cách, chị Trinh chuyển sang tổ chức workshop với hình thức online.
Tính đến nay, Lady Networking đã tổ chức hơn 40 workshop tại TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
Điều bất ngờ chị nhận được là tệp khách tăng đột biến lên 100-200 người/buổi. Lý giải về điều này, Trinh Hồ cho rằng: "Đại dịch đã thay đổi quan điểm của giới trẻ nói chung và đối tượng nữ giới nói riêng. Họ sẵn sàng mở lòng để tiếp nhận những sân chơi mới như workshop. Về cơ bản, họ có nhu cầu thay đổi".
Thông qua hình thức online, các buổi workshop của chị có thể kết nối được nhiều hơn với tệp khách ở nhiều quốc gia khác như Mỹ, Australia, Canada...
Dù vậy, Lady Networking vẫn hy vọng sớm được gặp mặt các vị khách của mình. "Về cơ bản, mọi người vẫn thích workshop tổ chức như bình thường hơn vì họ thích cảm giác được tương tác trực tiếp. Nhưng với tình hình bây giờ, khả năng mở offline vẫn chưa khả thi", chị Trinh bộc bạch.
Ở thời điểm này, chị có dò hỏi ý kiến từ những người bạn của mình đang làm ở một số công ty lớn về tổ chức sự kiện. Chị nhận thấy phần lớn vẫn đang chờ sang năm 2022 để mở lại những workshop gặp gỡ.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.