Trong khi khu vực trung, hạ du Trường Giang được dự báo tiếp tục mưa lớn, tỉnh Giang Tây, nơi có hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, đã kích hoạt "chế độ thời chiến" để chống lũ.
Công chúng Trung Quốc cũng đang theo dõi chặt chẽ xem liệu chức năng chống lũ của công trình thủy điện Tam Hiệp hiệu quả đến đâu và liệu Trung Quốc có rơi vào cảnh ngộ tương tự như trong trận lũ lịch sử 22 năm trước hay không, theo truyền thông địa phương.
Báo động cho miền Bắc
Từ tháng 6, cảnh báo lũ đã được kích hoạt trên 433 con sông tại Trung Quốc. Chỉ có 11 sông thuộc lưu vực sông Hoàng Hà ở phía bắc, trong khi toàn bộ số còn lại đều ở khu vực phía nam, theo ông Diệp Kiến Xuân, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi.
Đập Lý Gia Hiệp nằm trên thượng nguồn sông Hoàng Hà mở cửa xả lũ. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Trong họp báo hôm 13/7, ông Diệp cho biết một số địa phương phía bắc dự kiến có mưa nhiều hơn bình thường trong những ngày tới khi khu vực chuẩn bị bước vào mùa mưa, thường là từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8.
Lũ lớn có thể xảy ra ở lưu vực các sông Tùng Hoa, Liêu Hà, Hải Hà và Hoài Hà cũng như trung du sông Hoàng Hà.
Lũ ở Giang Tây. Ảnh: China Daily. |
"Lưu vực các sông này đã không có lũ trong nhiều năm. Người dân không biết nhiều về phòng chống lũ và năng lực chống lũ tại địa phương tương đối yếu", ông Diệp nói, theo China Daily.
Một số hồ chứa thủy điện trên sông Hoàng Hà và các chi lưu cũng đã bắt đầu xả lũ để chuẩn bị đón lượng mưa lớn. Nhà máy thủy điện Tiểu Lãng Để tại tỉnh Hà Nam, với công suất lên đến 5,1 TWh điện/năm, đã mở cửa xả lũ từ cuối tháng 6.
Theo cơ quan khí tượng tỉnh Thanh Hải, địa phương nằm ở thượng nguồn sông Hoàng Hà, lượng nước đổ vào thượng nguồn con sông lớn thứ hai Trung Quốc nửa đầu năm nay đã tăng 51% so với mức trung bình nhiều năm.
Giang Tây bước vào "thời chiến"
Trong bối cảnh mực nước tại hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc đã vượt qua đỉnh lũ năm 1998 và khu vực trung, hạ du sông Trường Giang dự kiến tiếp tục có mưa, Trung Quốc hôm 12/7 đã nâng ứng phó với lũ lụt trên toàn quốc lên mức cao thứ hai.
Tỉnh Giang Tây, địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, cũng bước vào "chế độ thời chiến", nâng ứng phó khẩn cấp lên mức cao nhất trong thang 4 cấp, theo Thời báo Hoàn cầu.
Mực nước đo được tại các trạm thủy văn ở hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc nằm ở tỉnh Giang Tây, đều đã vượt mức cảnh báo và ít nhất 4 trạm thủy văn đã vượt kỷ lục trận lũ năm 1998.
Diện tích hồ Bà Dương đã lên tới 4.206 km2 do mưa lũ, lớn nhất trong thập kỷ qua và lớn hơn 20% so với mức trung bình mùa mưa.
Một quan chức huyện Bà Dương cho biết các trưởng thôn và cán bộ túc trực trên bờ hồ và đê bao 24/7, và các cửa nước đã được củng cố để ngăn chặn nguy cơ vỡ đê. Người dùng dùng bao cát để nâng cao đê đề phòng nước tiếp tục dâng cao và lực lượng dự bị đã sẵn sàng.
Những người sống gần hồ đã được sơ tán và nhu yếu phẩm đang được chuẩn bị, vị quan chức cho hay.
Một lãnh đạo thị trấn ở huyện Bà Dương ước tính mực nước sẽ cao hơn mức báo động trong một tháng do mưa lớn vẫn tiếp diễn tại tỉnh này cũng như các địa phương lân cận khiến nước lũ rút chậm hơn bình thường.
Ngoài Giang Tây, các tỉnh khác thuộc vùng trung và hạ lưu sông Trường Giang, bao gồm Hồ Bắc và Hồ Nam, cũng đã chứng kiến lũ lụt nghiêm trọng trong vài tuần qua.
Mùa mưa đến sớm với lượng mưa cực lớn trong năm nay đã khiến 141 người chết hoặc mất tích, 2,2 triệu người phải sơ tán và thiệt hại kinh tế lên đến 82,2 tỷ nhân dân tệ.
Lực lượng hộ đê ở huyện Bà Dương, Giang Tây. Ảnh: China Daily. |
Bài kiểm tra đối với đập Tam Hiệp
Đối với sông Trường Giang, lượng mưa và đỉnh lũ cao nhất thường xảy ra vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, và tình trạng đáng báo động đã khiến mọi người đặt câu hỏi liệu trận lụt năm 1998 có lặp lại.
Các nhà phân tích trấn an công chúng rằng với công trình thủy điện Tam Hiệp, đi vào hoạt động năm 2003 và đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước, một thảm họa với quy mô năm 1998 không thể xảy ra.
Zhang Boting, nhà phân tích cao cấp của Hiệp hội Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng với đập Tam Hiệp, mực nước dòng chính có thể vẫn ở mức thấp bằng cách giữ nước ở các nhánh sống thuộc thượng nguồn hồ chứa Tam Hiệp, trong khi hồ Bà Dương và các nhánh sông khác có thể xả nước vào dòng chính của Trường Giang.
Thei ông Zhang, các chi lưu của sông Trường Giang đã an toàn hơn nhiều so với năm 1998.
Trước áp lực lũ lụt ở trung và hạ du, Ủy ban Thủy lợi Trường Giang đã đã giảm mức xả lũ từ hồ chứa Tam Hiệp xuống còn 19.000 m3/giây. Con số này sẽ được điều chỉnh theo lượng mưa sắp tới.
Hồ chứa Tam Hiệp đã giảm mực nước vào đầu tháng 6 xuống còn 145 mét, thấp hơn 30 mét so với mực nước cao để đón lũ.
Tuy nhiên, Bộ Quản lý khẩn cấp cảnh báo rằng các nhánh sông ở hạ nguồn đập Tam Hiệp vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn từ lượng mưa tại khu vực.
Hồ chứa đập Tam Hiệp xả lũ. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Một nỗi lo khác là mùa bão, thường đến vào tháng 8 và có khả năng trùng với mùa lũ trên sông Trường Giang, đe dọa vùng hạ du và khu vực đồng bằng.
So với năm 1998, sự phát triển quá mức dọc theo sông Trường Giang những năm qua đồng nghĩa với việc lũ lụt, ngập úng cùng một quy mô sẽ gây thiệt hại kinh tế lớn gấp 10 lần.
Theo các nhà phân tích, lượng mưa bất thường trên lưu vực sông Trường Giang năm nay không chỉ là bài kiểm tra đối với Tam Hiệp, mà còn là bài kiểm tra đối với toàn bộ cơ chế ứng phó với thiên tai của Trung Quốc.
Lũ số 1 trên sông Trường Giang hình thành vào ngày 2/7 và hồ chứa Tam Hiệp đã có tác dụng trong việc điều tiết.
Vì con sông thường có bảy đến tám trận lũ được đánh số mỗi năm từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, thách thức lớn nhất của tự nhiên vẫn chưa đến.