Có máu ngấm vào đá tai mèo
cho chuối rừng nhú lên màu hoa đỏ
có mẹ già quá nửa đời khô héo tìm con
nước mắt chảy bợt bạc rêu phong từng hàng bia mộ.
…
Xa nhau nhớ thương cũng khổ
nhưng em vợ lính quen rồi
dẫu bốn phương trời anh chỉ một em thôi
nhớ anh hãy mang bầu rượu mới
rót ra vài chén xuống sông Cầu
đất nước mình sông suối nối thông nhau
anh sẽ xuống dòng Quây Sơn nhấp vài ngụm tưởng mình đang trẩy hội
nhớ anh, em ca câu
“đêm qua ngồi tựa song đào”.
(Trích trường ca: Lòng tôi biên giới, NXB Văn học, 2020)
Trường ca Lòng tôi biên giới, NXB Văn học, 2020. Ảnh: M.C. |
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Lòng tôi biên giới nằm trong khuynh hướng của trường ca đương đại khi nhìn về quá khứ với cái nhìn thật gần, đan bện giữa cảm hứng sử thi với cảm hứng thế sự, để nhận ra những câu chuyện của đời sống, con người, dân tộc trong các biến cố lịch sử.
Tư tưởng chủ đạo của tập trường ca Lòng tôi biên giới là sự tri ân với những người đã đem máu xương gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Phục dựng lại một dòng lịch sử nơi đất trời biên ải, tập trường ca là những suy tư về đất nước, về chiến tranh, hòa bình, sự sống, cái chết và số phận con người. Hơn thế nữa, trường ca này còn như một lời tuyên thệ bên cột mốc biên cương.
Hai trích đoạn được giới thiệu ở trên là hai mảnh cắt trong trong bản trường ca 5 chương: Lòng tôi biên giới. Đọc các trích đoạn này, chúng ta cảm thấy bồi hồi, đau xót về những mất mát, hy sinh, nỗi niềm ly biệt trong chiến tranh. Tuy nhiên, khi đứng trước những hàng bia mộ đồng chí, đồng đội đã hy sinh, trước những người mẹ bạc đầu mòn mỏi tìm con, trước cột mốc chủ quyền nơi biên cương hải đảo, tự soi vào lòng mình, chúng ta hiểu hơn về giá trị của đời sống hôm nay.