Bao năm rồi anh tìm em
trong những bình minh không có Mặt Trời
trong những lâu đài chỉ có cánh dơi
trong những giấc mơ không đầu không cuối.
***
Anh hỏi dòng sông về hạnh phúc trên đời
sông trả lời anh sông chỉ biết trôi,
anh hỏi ngọn núi
núi trả lời anh núi chỉ biết ngồi,
anh hỏi con người
người trả lời anh bằng nước mắt rơi!
***
Thôi em đừng khóc
rồi sẽ qua đi kiếp người ngắn ngủi,
một ngày kia hết mọi buồn vui
chui xuống cỏ ta sẽ nằm dưới cỏ
bàn tay ta bất động giữa đất dày
bàn tay ta thôi tìm nhau run rẩy.
***
Em ở lại
một lần nữa cùng anh giữa mùa trăng sắp lụi
ta cùng nghe tiếng muôn loài hấp hối
tiếng côn trùng trong cát bụi sinh sôi.
***
Anh nhìn vào mắt em
thấy hình anh ở đó
nếu mắt em khép lại
ảnh hình kia chỉ còn lại trong em
anh không còn thấy anh trong hiện tại
chỉ thấy em với những hình những ảnh
của mùa hè đang qua
một góc vườn và mấy khóm hoa
chiếc ghế bỏ quên cơn mưa mùa hạ
tóc bà bạc xoá
thấp thoáng bên khung cửa
nắng nhoà.
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Bài thơ Ảo ảnh mang một niềm bi quan sâu sắc về tình thế tồn tại của con người. Những kiếm tìm mải miết, những câu hỏi khắc khoải đều dẫn đến một hình dung đầy bi kịch. Bình minh không Mặt Trời, lâu đài nhập nhoạng cánh dơi, giấc mơ dở dang không đầu không cuối là phối cảnh của sự tàn lụi, hoang phế. Sự im lặng vô tri của núi, của sông như niềm bất lực khổng lồ, không thể nào khác được. Và, giọt nước mắt rơi kia chính là hình hài khổ đau, đày đọa của kiếp sống.
Niềm an ủi sau cùng của tồn tại, thật đau xót, lại chính là sự ngắn ngủi, mong manh của kiếp người. Đây là một khía cạnh rất nhân văn mà ít người để ý trong thơ Trương Đăng Dung. Không chỉ ở bài này, nhiều bài khác nữa, phản đề đời sống luôn thường trực trong ông. Giữa cơn hấp hối này, ý nghĩa của sự sống càng trở nên thiêng liêng, đáng quý biết bao.
Ảo ảnh, tưởng tượng, suy tưởng hay mộng mơ chỉ là cách nói khác về thế giới tinh thần của thi sĩ. Đó là cấu trúc của cái tôi, một thực tại không đòi hỏi phải được kiểm chứng hay trùng khít lên thực tại biểu kiến. Hình anh trong mắt em, thế giới bên trong của em đã cứu rỗi anh, đem đến sự sống ngay cả khi anh chẳng còn ở hiện tại. Những mùa hè đã qua, góc vườn và mấy khóm hoa, cơn mưa mùa hạ, chiếc ghế bỏ quên, ô cửa nắng nhòa, tóc bà bạc trắng… là ảo ảnh hay thực tại? Ai bảo nó không thực? Ảo ảnh ấy lưu giữ khoảnh khắc hiện sinh mà chúng ta đã có, khi đi qua cuộc đời ngắn ngủi này.