Đã đến lúc
Chúng ta phải nói lời từ biệt
Chuyến bay trôi trong đêm
Mặt đất dần xa hút.
***
Đã quá muộn rồi
Vì sao ơi xin đừng thức nữa
Đã quá xa rồi
Cánh buồm ơi xin đừng căng gió
Đã quá đau rồi
Bàn tay ơi xin đừng níu giữ
Ai đem đầm ấm ra đi
Ai xô cây đổ rạp
Ai đem muối xát lòng đau.
***
Một giờ hai giờ ba giờ
Một tuần hai tuần ba tuần
Qua được một tháng là qua được một năm
Qua được một năm là qua được hai mươi năm
Qua được hai mươi năm là đến ngày gặp lại
Lạ như gặp người dưng
Lạ như đứng chôn chân
trước căn nhà cũ
Lòng người vấp gió mở toang.
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Tôi vẫn thích những bài thơ giản dị, chân thành mà chạm được vào cảm xúc, suy tư của người đọc. Lời từ biệt của Phan Hoàng Phương là một lần bắt gặp như thế.
Tứ thơ bắt nguồn từ một ý nghĩ, một lời tự nhủ sau khoảnh khắc chia tay: Rồi sẽ qua, sẽ nguôi quên tất cả. Ý nghĩ không thôi thuyết phục cảm xúc về những đầm ấm đã không thể níu giữ. Dường như, những vì sao, cánh buồm và bàn tay vẫn còn quyến luyến, vẫn chưa tin rằng nỗi đau, khoảng cách, chia li kia là có thật.
Có phải tất cả rồi sẽ đi qua, sẽ nguôi quên? Ý nghĩ như một người đồng hành ra đi, nhưng cảm xúc không thôi ngoái lại. Thời gian ở giữa là bao nhiêu: Một giờ, một tuần, một tháng, một năm hay hai mươi năm? Sẽ quên, sẽ trở thành xa lạ. Nhưng, như một lời hát vẫn đâu đó vang lên, đời ta có mấy lần hai mươi năm.
Bài thơ của Phan Hoàng Phương lập tứ dựa trên hai trạng thái đối nghịch của lý trí và cảm xúc. Lý trí bảo quên, đem thời gian giăng lên cùng khoảng cách. Thế nhưng, căn nhà cũ, ngọn gió xưa và một người dưng gặp lại, liệu có chứng thực được rằng ta đã quên?