Một mùa đông
Em trùm khăn đi ngược chiều gió bấc
Sắc áo vàng hoa cúc
Tìm anh.
***
Em đã tìm anh qua mùa đông chiến tranh
Em đã tìm anh qua mùa đông hoà bình đất nước
Những mùa đông cơ cực
Những mùa đông nhựa chuyển thân cành…
***
Em đã thấy anh đi tìm số phận mình
Trên con đường lầy lội
Con đường mưa bụi
Lối đi vừa đủ một người.
***
Chúng ta đi bên nhau líu ríu
Như đôi chim đất đi trong đường hoa mùa đông
Đi bình tĩnh tự tin, không hề biết
Máu đỏ quật lên tim làm bạc xoá tóc anh.
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm
Mùa đông của em tôi là bài thơ ra đời khoảng năm 1988. Đó chính là thời điểm mà chúng ta không thể không nhắc đến trong bước chuyển quan trọng của lịch sử xã hội và văn chương Việt Nam.
Bài thơ của Trần Quốc Thực hằn lên những nhọc nhằn bởi tháng năm gian khó. Mùa đông cơ cực, ngược chiều gió bấc, con đường lầy lội, con đường đơn độc… liêu xiêu, líu ríu những phận người nương tựa tìm nhau. Đó là cảm thức mang dấu ấn thời đại khi văn chương có dịp nhìn sâu vào đời sống thế sự.
Có người bảo rằng thơ là phận người ký trú trong chữ, quả đúng như vậy. Nương náu nơi bài thơ, đôi chim đất trong đường hoa mùa đông có lẽ được sưởi ấm bởi niềm tin vào tình yêu. Với tình yêu ấy, chúng ta đã sống, và có lẽ sẽ đi qua những tháng năm cơ cực. Ngờ đâu, một ngày sắc áo vàng hoa cúc phai đi và tóc anh bạc xóa trên đầu. Bao giờ thì đi hết con đường này?