Không rõ làm sao hay khi nào Michelangelo biết về dự án này. Theo Vasari, ông vẫn ở Rome khi nghe được tin đồn đầu tiên về đơn đặt hàng danh giá này: “Từ Florence, một vài bằng hữu đã thúc giục ông trở về để có thể được trao cho việc tạc khối cẩm thạch đã nằm chôn vùi trong sân của Opera del Duomo, khi ấy đang được Gonfaloniere Piero Soderiniii nhắm giao cho Leonardo da Vinci”.
Không gì có thể khiến Michelangelo nóng như lửa đốt hơn ý nghĩ rằng ai đó sắp sửa tước mất vinh quang ông thấy xứng đáng thuộc về mình. Chỉ riêng việc đề cập cái tên Leonardo có liên quan dự án này cũng đủ khiến ông tức tối. Vào thời điểm đó, vị họa sĩ 49 tuổi đã trở thành nghệ sĩ nổi tiếng nhất châu Âu. Leonardo đã trở về Florence từ một năm trước, sau gần hai thập kỷ xa xứ, không chỉ từng phục vụ Công tước Milan mà còn làm cả chức kĩ sư trưởng trong quân đội của Cesare Borgia khét tiếng.
Dù được biết đến như một họa sĩ hơn là nhà điêu khắc, Leonardo đã đúc một tượng đài cưỡi ngựa hoành tráng mô tả cựu Công tước Milan, Francesco Sforza, và ý tưởng trao tác phẩm quy mô lớn bằng cẩm thạch cho một người đàn ông tài năng quá hiển nhiên như vậy không hoàn toàn xa vời khó tưởng. Viễn cảnh một nhà điêu khắc thời vụ sẽ chiếm đoạt đơn hàng trong một lĩnh vực mà ông không chấp nhận có bất kỳ đối thủ nào là quá đủ để thôi thúc Michelangelo trở lại Florence.
[...]
Khả năng ông đã nghe phong thanh tin tức về dự án được chỉ ra trong bức thư ông nhận được từ cha mình vào tháng 12/1500, khẳng định với Michelangelo rằng ông sẽ có được một công việc quan trọng tại Florence.
Thực tế có rất nhiều lý do Michelangelo nên lưu lại nơi ông đang ở. Dù có khả năng gì chăng nữa mở ra cho ông tại quê hương sau sự sụp đổ của Savonarola, Michelangelo giờ đây gần như đã chắc chắn có được một sự nghiệp rực rỡ đón đợi ở Rome. Thành công của Đức Mẹ sầu bi đảm bảo danh tiếng của ông như một nhà điêu khắc hứa hẹn nhất trong thế hệ của mình, và không ở nơi nào các cơ hội lại dồi dào và phong phú hơn chốn ngai tòa của các giáo hoàng.
Có một màn ra mắt thành công ở sân khấu quan trọng nhất châu Âu, nhà điêu khắc 25 tuổi đã đạt được một vị trí đáng ghen tị. Nhà bảo trợ mới đây của ông vừa mất, nhưng còn vô số những hoàng tử của Giáo hội sẵn sàng và có khả năng thay thế ông ta, những người đàn ông trần tục với thu thập vô bờ sẽ sung sướng khi có được một nhà điêu khắc tài năng nhường ấy bất tử hóa họ trong những khối cẩm thạch Carrara bóng loáng.
Nhưng Michelangelo nhớ nhà. Ông yêu thành phố quê hương và, dù thường xuyên xích mích với cha và các anh em, vẫn luôn gắn bó sâu sắc với gia đình. Ngay cả trước khi có được đơn đặt hàng làm tượng Đức Mẹ sầu bi, ông đã trấn an người cha Lodovico rằng mình sẽ sớm trở về Florence, mặc dù lúc ấy ông không mấy nỗ lực để thực hiện lời hứa đó. [...]
Michelangelo thường ký nhận một dự án chỉ để bỏ bê nó khi một thứ tốt hơn đến với ông, một thói quen khiến những người bị bỏ rơi điên tiết, cho rằng (với một chút biện minh) ông hành động cực kỳ thiếu uy tín. Thường thì chưa đợi chữ ký trên hợp đồng ráo mực ông đã chạy theo một đề nghị mới hấp dẫn hơn.
Một số nhà bảo trợ bị phụ bạc thậm chí còn cáo buộc ông đã lừa đảo họ, mặc dù Michelangelo chưa bao giờ hành động bốc đồng vì hám lợi. Tiền chưa bao giờ là lý do ông gác lại bất cứ việc gì đang thực hiện để làm một thứ khác hấp dẫn hơn, mặc dù ông coi những khoản thù lao lớn là dấu hiệu cho thấy tầm vóc nghệ sĩ ngày càng lớn của bản thân.
Thay vào đó, sự kích thích của những thách thức mới mới là lý do khiến ông luôn tìm kiếm chân trời tiếp theo. Sự sáng tạo không ngừng nghỉ, chứ không phải lòng tham tiền, đã đóng góp vào chuỗi kéo dài của những hứa hẹn không bao giờ được thực hiện và các kiệt tác bán-thành-hình.
Tranh vẽ Michelangelo thời trẻ. Ảnh: The Life of Michelangelo. |
Michelangelo thực chất vốn nổi tiếng không ham mê của cải, hoặc ít ra là việc ăn ngon mặc đẹp. Ông mải mê công việc đến nỗi thường xuyên làm rối tung phần còn lại của cuộc đời mình.
Với ba đơn hàng nhận được ở Rome, ông kiếm được hơn 650 ducat, một khoản tiền công có thể giúp ông sống một cuộc đời thoải mái, thậm chí là xa hoa.
Nhưng một bức thư của cha - viết vào tháng 12/1500 sau chuyến thăm của em trai ông đến Rome để kỷ niệm Năm Thánh của Giáo hoàng - vẽ ra một cảnh tượng kỳ cục so với thành công gần đây của ông: “Buonarroto nói với ta rằng con sống ở đó hết sức thanh đạm, hay đúng hơn là tồi tàn: Thanh đạm là tốt nhưng tồi tàn lại là tệ vì đó là tật xấu gây khó chịu cho cả Chúa và con người, hơn nữa nó còn hủy hoại cả linh hồn và cơ thể của con. Vì con còn trẻ, con có thể chịu được kham khổ trong một thời gian, nhưng khi sự mãnh liệt của tuổi trẻ qua đi, con sẽ thấy bệnh tật đến từ chính cuộc sống khổ cực... Sống đúng mực và đừng phủ nhận chính mình... Trên hết là phải giữ gìn đầu của con, giữ ấm, trừ việc không bao giờ tắm”.
Ngay cả lúc về già, khi đã trở nên giàu có nhờ các tác phẩm của mình và sở hữu một gia tài đáng kể ở cả Rome và Florence, Michelangelo vẫn chọn cách sống khổ hạnh.
Như ông nói với tiểu sử gia của mình “Ascanio, giàu có như tôi đã tự mình gây dựng, tôi vẫn luôn sống như một người nghèo”, một chủ đề Condivi đã trau chuốt tỉ mỉ: “Trong suốt cuộc đời Michel Angelo đã luôn rất đạm bạc, ăn để no... mẩu bánh mì là đủ, vừa nhai vừa miệt mài lao động”.
Sự khắc khổ này có vẻ kỳ lạ đối với một người luôn coi trọng dòng dõi quý tộc của bản thân, nhưng tính trưởng giả của Michelangelo không phải là kiểu bắt buộc phải ăn mặc và cư xử như giới quý tộc mà ông tuyên bố mình thuộc về.
Sự vượt trội của ông đối với đồng loại được thể hiện không phải qua những bộ quần áo tinh tế và lịch sự mà qua ngọn lửa nội tâm bùng cháy trong tác phẩm của ông.
Vào cuối đời, khi ông phàn nàn về việc em trai Gismondo sống như một người nông dân, sự tức giận của ông không phải bị khơi dậy vì vật chất mà vì sự nghèo nàn về trí tuệ của người em và sự thiếu chí tiến thủ thể hiện qua đó.