Khối cẩm thạch đồ sộ từ mỏ đá ở Carrara đã nằm trong công xưởng của nhà thờ chính tòa hơn 30 năm. Dãi nắng dầm mưa, bị cỏ dại bao quanh và bụi bặm che phủ, tảng đá nguyên khối bị bỏ hoang này là tượng đài cho tham vọng thất bại và lòng kiêu hãnh bị sỉ nhục.
Xem xét kỹ lưỡng, cây cột phong hóa giống một con người chưa có hình dáng rõ ràng, mặc dù rất khó để xác định ý tưởng tạo hình của nhà điêu khắc khi ông ta bắt đầu đục đẽo tảng đá với những nhát đục thiếu chuyên nghiệp. Người Florence đơn giản gọi nó là “Người khổng lồ”, chỉ nhớ mang máng ý định của nghệ sĩ vô danh đã bỏ dở dự án mà ông ta khởi xướng.
Mùa hè năm 1501, những người trông coi nhà thờ chính tòa lại có mối quan tâm mới với tảng đá bị lãng quên. Từ đầu nọ đến đầu kia, tảng đá cao tới chín braccie (gần 5,5 m) quả là một khối cẩm thạch khổng lồ - được một đội scarpellini khai thác từ sườn núi và vận chuyển qua gần 130 km đường hẹp, gồ ghề - thể hiện một sự đầu tư đáng kể về tiền bạc và thời gian.
Những người chịu trách nhiệm bảo trì và trang trí cho ngôi đền thờ tôn giáo đứng đầu thành phố là những kẻ tiết kiệm, sẽ không tiêu tốn nhiều tiền hơn những gì tối cần thiết, ngay cả để tôn vinh Thiên Chúa. Họ là những thương nhân nổi bật, những người đã trở nên giàu có một phần nhờ việc luôn giám sát chặt chẽ cả những gì nhỏ nhặt nhất. Khi muốn đặt làm một bức tượng để tô điểm bên ngoài nhà thờ chính tòa, sẽ là vô trách nhiệm nếu mua vật liệu mới trong khi đã sẵn có trong tay vật liệu hoàn hảo để sử dụng.
Mặc dù Santa Maria del Fiore, được biết đến như tên chính thức của Nhà thờ chính tòa thành phố Florence, đã hơn 200 năm tuổi, nhưng nó vẫn là một công trình dang dở. Công trình bắt đầu vào thời kỳ phát đạt cuối thế kỷ XIII, giai đoạn phát triển bùng nổ ở Florence cũng chứng kiến việc xây dựng Palazzo della Signoria, Tòa Thị chính trông như một pháo đài nằm ngay trung tâm thành phố, và hai vương cung thánh đường vĩ đại là Santa Maria Novella và Santa Croce, lần lượt là trụ sở của các khất sĩ dòng Đa Minh và dòng Phan-xi-cô, cũng như một bức tường bao quanh rộng lớn bảo vệ đô thị sôi động khỏi những láng giềng thù địch.
Vào năm 1436, sau hơn một thế kỷ mà nội thất nhà thờ vẫn bị phơi ra mưa nắng, Filippo Brunelleschi đã thành công trong việc che đậy lại khoảng hở lớn ở trung tâm bằng một mái vòm đầy ấn tượng mang tính biểu tượng, một kỳ công kỹ thuật khiến Nhà thờ chính tòa Florence trở thành kỳ quan của thế giới.
Giống như hầu hết dự án xây dựng vĩ đại thời trung cổ, tiến độ xây dựng công trình Nhà thờ chính tòa Florence rất chậm chạp và chịu tác động của vận mệnh thăng trầm. Xung đột dân sự, biến động kinh tế và sự hoang tàn sau dịch bệnh Cái chết Đen bùng nổ năm 1348 đã trì hoãn mọi thứ, nhưng sau mỗi cuộc khủng hoảng, người dân Florence lại tái lập những bước đi cần mẫn của họ tới tương lai.
Ngay từ đầu đã có một khoảng cách lớn giữa tham vọng dành cho ý tưởng nguyên bản của công trình với hạn chế về nguồn lực tài chính và kỹ thuật của cộng đồng.
[...]
Quang cảnh Santa Maria del Fiore ở Florence. Ảnh: Bruce Stokes. |
Opera đã mua cột đá cẩm thạch vào giữa thế kỷ trước như một phần trong chương trình đặt những bức tượng khổng lồ dọc theo mái hiên bên ngoài nhà thờ. Loạt tượng này bao gồm 12 nhà tiên tri trong Kinh Thánh, các nhân vật trong Kinh Cựu Ước như David, Isaiah, và Joshua, người đã kết hợp sức mạnh tâm linh với lòng ái quốc nhiệt thành. Những nhân vật hoành tráng này sẽ nhấn mạnh một điểm gần gũi với trái tim của hầu hết người Florence - rằng họ, giống như người Israel cổ đại, là một dân tộc được Thiên Chúa ưu ái.
Tuy nhiên, như thường lệ, những giấc mơ cần được hạ tầm một khi đối mặt với thực tế. Những khó khăn kỹ thuật liên quan đến việc nâng hàng tấn cẩm thạch lên trên đỉnh các bệ bục và cố định chúng trước gió mưa tỏ ra đáng ngại hơn dự đoán.
Vào năm 1412, nhà điêu khắc nổi tiếng nhất thành phố, Donatello, đã thành công trong việc gắn bức tượng Joshua đồ sộ trên bệ phía đông, nhưng ông buộc phải dùng đất nung trọng lượng nhẹ (quét vôi giả đá) thay cho cẩm thạch vốn bền và quý hơn.
Cột đá giờ bị bỏ hoang phế trong sân đã xuất hiện ở Florence từ năm 1464, trong một cuộc tái bùng nổ lòng nhiệt thành đối với dự án này. Những tài liệu đương thời ghi lại rằng nhiệm vụ tạc tượng David từ khối đá được giao cho Agostino di Duccio, một học trò của Donatello.
Vì Agostino chưa có kinh nghiệm tạc tượng lớn như vậy bao giờ, rất có thể nhà điêu khắc ít tài năng này được thuê chỉ để hỗ trợ Donatello lúc ấy đã già. Thực tế, nhà điêu khắc vĩ đại chết vào tháng 12/1466 ở tuổi 80, điều này có thể giải thích tại sao dự án lại bị bỏ dở lần nữa.
Một nỗ lực khác lại được thực hiện vào một thập kỷ sau đó khi Operai (các Quản trị viên của Opera) đưa Antonio Rossellino tới tiếp quản công việc mà Agostino đã từ bỏ. Nhưng nghệ sĩ này cũng nhanh chóng xác định mình không thể làm gì với khối đá đã bị gọt đẽo thô đó.
Bất chấp lịch sử nan giải ấy, vào năm 1501 các nhân viên của Phường Len lại một lần nữa nỗ lực hồi sinh dự án hấp hối này. [...]
Một thế kỷ sau, những người lãnh đạo thành phố hy vọng phục hồi lại tinh thần của năm 1401 trong đó một thành phố lép vế thảm hại đã thách thức và cuối cùng đảo ngược tình thế trước một bạo chúa vĩ đại. Và như trước kia, các nghệ sĩ được kỳ vọng giữ vai trò chủ chốt.
Trong bối cảnh này, ý nghĩa biểu tượng của David dường như đặc biệt phù hợp. Câu chuyện về một chàng trai chăn chiên đánh bại Goliath, gã khổng lồ Philistine, đặc biệt gần gũi với trái tim người Florence, một truyện kể khuấy động về một phe yếu thế vươn lên chiến thắng trong một cuộc chiến không cân sức.
Đặt làm một hình tượng khổng lồ về vị anh hùng trẻ tuổi sẽ báo hiệu niềm tin vào tương lai và nhắc nhở dân chúng đang kích động về cách họ đã vượt qua những khủng hoảng tương tự trong quá khứ.