Chúng ta, ai có cơ hội một lần trong đời hành hương đến Florence, Venice, Rome đều không ít lần có cảm giác ngợp thở, tâm trí và cảm xúc hoàn toàn bị xâm chiếm khi bước vào những thánh đường dày đặc bởi bích họa, điêu khắc và trang trí đồ sộ.
Chúng làm ta thoát ly khỏi nhận thức về thực tại, về cơ thể mình, hơi thở và nhịp đập của trái tim. Chúng xâm chiếm và ngự trị ngạo nghễ bên trong trí óc, điều khiển mọi giác quan, làm ta thẫn thờ ngơ ngẩn cả ngày loanh quanh ở đó, và còn choáng váng bồng bềnh tới vài ngày sau đó.
Nghệ thuật ở vị thế được "thiêng hóa" giúp con người thoát khỏi cảm giác trần tục để kết nối với các trạng thái tích cực hay phong phú của tâm hồn. Khi đó, chúng ta hầu như quên mất các kiệt tác đó được tạo ra bởi bàn tay, suy nghĩ và trí tưởng tượng của con người, dù phần lớn các hình tượng điêu khắc hay hội họa đều khắc họa cơ thể người và đầy tính nhân bản. Tại sao lại như vậy?
Sách Michelangelo: Sáu kiệt tác cuộc đời. Ảnh: O. P. |
6 kiệt tác để lại cho nhân loại
Michelangelo (tên đầy đủ Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni) chắc chắn là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất, không chỉ trong thời Phục hưng, mà còn của nhân loại từng sản sinh và có được. Ở quyển sách này, cuộc đời nghệ sĩ được soi chiếu qua 6 tác phẩm đỉnh cao tạo bởi bàn tay của ông và được ghi nhận tới ngày nay.
Chúng ta biết đến Đức mẹ sầu bi (The Pietà) bởi khả năng lột tả tận cùng tính bi tráng, tình mẫu tử và bàn tay điêu khắc đá đỉnh cao trong thời kì nghệ sĩ còn trẻ.
Chúng ta biết đến David không chỉ bởi đó là một trong những cơ thể nam giới đẹp đẽ hoàn thiện nhất trong lịch sử nghệ thuật, một điêu khắc đá cẩm thạch khổng lồ, mà là sự tôn vinh của lý tưởng con người độc lập lần đầu tiên vượt ra khỏi bóng dáng của tôn giáo - như tên gọi Người khổng lồ trong đơn đặt hàng, mặc dù hình tượng vẫn dựa trên một câu chuyện huyền thoại.
Chúng ta biết đến Trần nhà nguyện Sistine (The Sistine Chapel) bởi sự hoành tráng và phức tạp nhất của thể loại tranh tường trong một công trình kiến trúc tôn giáo tới nay, mà còn bởi phong cách tạo hình đầy phong phú và sáng tạo trong các giải quyết nhiều bố cục đa dạng, xứng đáng đi vào sách giáo khoa nghệ thuật.
Chúng ta biết đến Lăng mộ Medici (The Medici Tombs) bởi năng lực lao động nghệ thuật kéo dài hơn một thập kỷ, sự phá cách trong tạo hình hay cả tính chưa hoàn thiện của nó, và quan trọng hơn, bởi những tiên đoán về chuyển hướng phong cách nghệ thuật cho giai đoạn sau này.
Chúng ta biết đến Sự phán xét cuối cùng (Last Judgment), bức tranh tường chung cuộc cho nhà nguyện Sistine bởi bố cục táo bạo, và hơn hết sự lột tả chân dung bậc Thiên chúa.
Và sau rốt, chúng ta biết đến Nhà thờ Thánh Peter (Saint Peter's Basilica) - kiệt tác kiến trúc thể hiện tài năng toàn diện và độc đáo của nghệ sĩ, mà trước đó Bramante và nhiều tên tuổi khác không thể giải quyết. Nó không chỉ biến công trình thành một trong những kiến trúc Phục hưng tiêu biểu nhất đương thời, mà còn là tác phẩm cuối của ông trong những ngày sắp từ giã cõi đời.
Một phần tượng David của Michelangelo. Ảnh: Starkoss. |
Sáu tác phẩm không chỉ đóng dấu mốc lên nền nghệ thuật, mà chúng còn xuyên suốt qua các chặng đường và giai đoạn thăng trầm trong cuộc đời của Michelangelo.
Tác giả Miles J. Unger, một cây bút chuyên biệt về lịch sử - tiểu sử, đã có những tựa sách về Medici - gia tộc đầy quyền lực có ảnh hưởng lớn và tạo ra nhiều thay đổi trên bình diện chính trị, văn hóa, xã hội thời Phục hưng, hay về Machiavelli - sử gia đã có những trước tác quan trọng về chính trị tạo ra các ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc quyền lực ở châu Âu nhiều thế kỉ sau này.
Michelangelo: Sáu kiệt tác cuộc đời được đánh giá là tác phẩm hoàn thiện hơn cả về nguồn tư liệu đa dạng, về những thông tin đầy chi tiết và có giá trị tham khảo cao, như: Ngày nghệ sĩ bắt đầu làm tác phẩm David, hay hiểu về kỹ thuật điêu luyện của Michelangelo qua các công cụ điêu khắc đá như subbia hay gardina; Trần nhà nguyện Sistine được phác thảo, phát triển như thế nào...
Tác phẩm cũng đưa ra những thông tin xác tín về thù lao và định giá nghệ thuật thời Phục hưng; sự liên hệ của ông với hai bậc thầy nghệ thuật đương thời Leonardo da Vinci và Raffaello Santi qua sự ganh đua về danh tiếng và nghề nghiệp; mối quan hệ nhiều sóng gió với những nhân vật nổi bật đương thời như kiến trúc sư Bramante, sử gia nghệ thuật Vasari, các giáo hoàng Julius và Medici.
Tất cả được dẫn dắt xuyên suốt bởi một hành văn lôi cuốn người đọc từ những dòng viết đầu tiên cho tới cuối của quyển sách 574 trang (ở bản tiếng Việt, do Phạm Út Quyên dịch).
Một phần Nhà thờ Thánh Peter - công trình mà Michelangelo tham gia làm kiến trúc sư trưởng. Ảnh: streetwise. |
Chân dung cực đoan, ngạo mạn và tài năng của Michelangelo
Tất nhiên cuộc đời sáng tạo của Michelangelo không chỉ gói gọn và đơn giản như vậy. Lao động nghệ thuật của ông bao gồm hàng trăm tác phẩm về hội họa, điêu khắc và kiến trúc, các bài thơ và hàng nghìn bản ký họa nghiên cứu - chúng đều có những câu chuyện đặc sắc riêng và hé lộ nhiều góc khuất của nghệ sĩ.
Nhưng nếu coi tác phẩm phản chiếu bản thân người tạo ra nó ở những khía cạnh: Tài năng và tâm lý, thói quen và tật xấu, lao động và hành vi, thì đây có lẽ là điểm thú vị nhất của cuốn sách.
Nghệ sĩ, hiện lên với một chân dung đầy phức tạp với đầy đủ tính cách cực đoan, tâm lý yếm thế xen lẫn ngạo mạn, sự tủn mủn trong sinh hoạt hàng ngày hay lệch lạc về giới tính (theo quan điểm thời bấy giờ), đối lập đến thế nào với các tác phẩm đầy chất hướng thượng, cao quý và thần thánh mà bàn tay của người đó tạo ra.
Kết nối được những điều đó, người đọc - xem nghệ thuật sẽ có cơ hội gỡ bỏ tấm màn thiêng bao phủ lên những kiệt tác đó, hiểu được không chỉ con đường đầy nhân bản mà tác phẩm được sinh ra, mà còn cơ chế vận hành của sáng tạo -một trong những hành vi cơ bản mà bí hiểm nhất của nhân loại.
Quan trọng hơn, các kiệt tác nghệ thuật thường cho thấy (hoặc bắt người ta phải tìm hiểu về) bối cảnh chính trị xã hội của chúng, thang bậc văn hóa và cấp độ thẩm mỹ, thói quen thường thức và hành vi sáng tạo, nền giáo dục nghệ thuật hay những nghiên cứu, phê bình về nó bởi sử gia và chính khách.
Chúng mở ra cảnh quan của đời sống tinh thần, phần nào bộc lộ cấu trúc của kiến trúc thượng tầng xã hội, mức độ văn minh và phát triển xã hội trong lịch sử thời đó. Đỉnh cao văn minh của một xã hội chưa chắc có thể có các kiệt tác nghệ thuật, nhưng kiệt tác nghệ thuật chắc chắn được tạo ra bởi một nền văn minh đỉnh cao.
Lăng mộ Medici. Ảnh: reidsitaly. |
Với một nhân cách thú vị, phức tạp, bí ẩn và lôi cuốn như Michelangelo, đã có nhiều quyển sách được viết về ông ở cả khía cạnh cuộc đời và nghệ thuật. Tuy nhiên, quyển sách của Miles J. Unger vẫn là một trong những tiểu sử chi tiết, sinh động, tỉ mỉ và đáng tin cậy nhất.
Đây cũng là một bản chuyển thể Việt ngữ ổn thỏa của một dịch giả có vốn tiếng Việt chững chạc và trong sáng, có cách lý giải về nghệ thuật và từ ngữ rành mạch. Ngôn ngữ của bản tiếng Việt vừa đủ giản dị để cả bạn đọc phổ thông có thể tiếp cận, lại đủ độ giàu có về từ vựng văn hóa nghệ thuật để vẫn giữ được chiều sâu và đa dạng của văn bản mà một quyển sách chuyên sâu cần có.
Điểm đáng tiếc duy nhất là giọng văn tiếng Việt chưa hình thành giọng văn trần thuật với yêu cầu cần thiết để dẫn dắt mạch truyện - một điểm quan trọng trong các văn bản tiểu sử - để hình thành ngôn ngữ "kể chuyện", thứ dẫn dắt và ghim độc giả vào mỗi trang sách.
6 kiệt tác cuộc đời của Michelangelo dưới con mắt của nhà viết sử không chỉ kể câu chuyện sinh động về cuộc đời huyền thoại và biến động của một trong những nghệ sĩ tài năng và phức tạp nhất thời Phục hưng. Qua đó, nó mở cho chúng ta cái nhìn về mối quan hệ giữa nghệ thuật và nhân sinh, giữa nghệ thuật với tôn giáo, giữa con người với đức tin - thể hiện tinh thần triết học của vòng tròn tam giác quan hệ đó.
Michelangelo: Sáu kiệt tác cuộc đời chắc chắn là một ấn phẩm có ý nghĩa giáo dục, nghiên cứu và tham khảo, vốn vẫn còn rất ít ỏi trong tủ sách nghệ thuật trong nước hiện nay.