Câu chuyện nghệ thuật của E.H. Gombrich ra mắt năm 1950. NXB Dân trí và Omega Plus phát hành sách tiếng Việt vào tháng 10 năm nay.
Mới đây, đơn vị phát hành thông báo sách đang được tái bản. Sách tái bản sẽ ra mắt vào tháng 1/2021. Ấn bản mới giữ nguyên thiết kế bìa sách, có một số hiệu đính về mặt nội dung giúp sách hoàn thiện hơn khi đến tay độc giả.
Sách Câu chuyện nghệ thuật. Ảnh: O. P. |
Ông Vũ Trọng Đại - đại diện đơn vị phát hành - cho biết: “Từ giai đoạn chuẩn bị đến khi phát hành, tác phẩm luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả Việt. Nếu trên thế giới, tác phẩm đã xác lập kỷ lục hơn 8 triệu bản được bán ra thì tại Việt Nam, Câu chuyện nghệ thuật cũng trở thành ‘hiện tượng sách 2020’ khi có thể tái bản chỉ sau hai tháng phát hành”.
Trong bối cảnh sách nghệ thuật chưa có nhiều độc giả, đó là một tín hiệu mừng cho một lĩnh vực sách. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long, nhu cầu về sách nghệ thuật ở Việt Nam là có, nhưng lượng người quan tâm rất nhỏ. Đầu sách in ra khiêm tốn, các cuốn sách lý thuyết nghệ thuật chỉ in khoảng 500 bản/đầu sách.
Đại diện đơn vị phát hành tiếng Việt từng chia sẻ khi thương thảo bản quyền Câu chuyện nghệ thuật, NXB Phaidon - đơn vị giữ bản quyền sách - yêu cầu trong lần xuất bản đầu, phải in ít nhất 5.000 bản. “Khi sách nghệ thuật ở nước ta chỉ in 500 bản, thì lượng sách chúng tôi phải in lần đầu gấp 10 lần. Điều đó có nghĩa là thách thức khi làm sách nghệ thuật lớn gấp 10 lần”, đại diện đơn vị phát hành nói.
Tuy vậy, sách dành được sự quan tâm nhất định khi ra mắt tiếng Việt. Bản thân Câu chuyện nghệ thuật là một cuốn sách được yêu thích trên thế giới trong 70 năm qua. Từ khi ra đời đến nay, sách đã được dịch ra gần 30 ngôn ngữ, với hơn 8 triệu bản bán ra trên toàn thế giới.
Một trang trong sách. Ảnh: O. P. |
Về nội dung, đây là cuốn sách về nghệ thuật nhưng phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc. Sách là một trong những tác phẩm kinh điển về lịch sử nghệ thuật, được mệnh danh là một trong những tác phẩm nhập môn nghệ thuật thị giác dễ tiếp cận nhất dành cho mọi đối tượng độc giả.
Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ nói với cuốn Câu chuyện nghệ thuật, tác giả E.H. Gombrich đã kéo bạn đọc đến gần hơn với nghệ thuật thị giác. “Trong tác phẩm Câu chuyện nghệ thuật, E.H. Gombrich đã diễn giải nghệ thuật theo cách khách quan nhất. Tác giả tránh sử dụng những biệt ngữ chuyên môn và chỉ đề cập tới các tác phẩm mà ông từng được chiêm ngưỡng và tiếp cận để có thể đơn giản hóa, cũng như làm rõ thông điệp mà người nghệ sĩ muốn truyền đạt”.
Còn họa sĩ Vũ Đỗ thì cho rằng cuốn sách hấp dẫn bởi lối kể chuyện. Bên cạnh đó, những hình ảnh từ các tác phẩm được minh họa trong sách giúp người đọc biết thêm về bối cảnh, bút pháp của các nghệ sĩ kỳ cựu trên thế giới.