Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ấn phẩm đẹp và giá trị sẽ xuất hiện nhiều hơn

Cuộc thi Vẽ cùng thơ và kết quả là cuốn artbook "5 Mùa" tiếp tục khẳng định sự phát triển của dòng sách đặc biệt này trên thị trường Việt Nam.

Cuộc thi Vẽ cùng thơ do NXB Kim Đồng tổ chức đã khép lại trọn vẹn vào cuối tháng 12 vừa qua. Tuy nhiên, Vẽ cùng thơ không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh các họa sĩ có tranh đoạt giải, mà 108 bức tranh chọn lọc từ cuộc thi tiếp tục có một đời sống mới, khi làm nên cuốn artbook 5 Mùa.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng họa sĩ Khoa Lê, thành viên của Ban tổ chức đồng thời là giám khảo của cuộc thi, để hiểu sâu hơn về cuộc thi cũng như thể loại artbook còn khá mới với thị trường sách Việt Nam hiện nay.

hoa si Khoa Le noi ve minh hoa sach anh 1
Hoạ sĩ Khoa Lê.

- Chị có thể cho biết vì lý do gì cuộc thi Vẽ cùng thơ lại chọn hình thức thi online, một cách làm khá mới mẻ so với những cuộc thi mỹ thuật truyền thống lâu nay?

- Giới minh họa ở Việt Nam là một cộng đồng mạnh, quy tụ đông đảo các bạn trẻ yêu thích công việc minh họa, làm việc chuyên nghiệp hoặc bán chuyên.

Ở đây tôi muốn lưu ý một điểm khác biệt so với các lĩnh vực mỹ thuật khác, đó là các họa sĩ minh họa Việt Nam chủ yếu hoạt động trong môi trường mạng. Điều này bắt nguồn từ đặc điểm kỹ thuật của lĩnh vực minh họa hiện đại, đồng thời tương thích với thói quen làm việc, giao tiếp của giới trẻ hiện nay.

Môi trường online mang lại rất nhiều lợi ích cho giới minh họa trẻ: Các bạn có thể làm việc liên tục, tốc độ cao, không bó buộc thời gian, thường xuyên cập nhật và chia sẻ những kỹ thuật mới nhất trên thế giới.

Một ưu điểm nổi bật của môi trường này, đó là khả năng kết nối và mở rộng môi trường làm việc. Hiện tại, các họa sĩ minh họa trẻ Việt Nam không chỉ sáng tác cho các xuất bản phẩm trong nước, mà còn mở rộng đường biên đến các nước khu vực châu Á và ra cả thế giới.

Nắm bắt các đặc điểm trên, chúng tôi quyết định chọn hình thức thi online cho Vẽ cùng thơ, thời gian giới hạn trong 3 tháng. Và thực tế đã cho thấy ngay trong tuần đầu tiên khi cuộc thi công bố, chúng tôi đã nhận được hàng chục tác phẩm gửi về.

Lượng tranh càng về sau càng nhiều, chất lượng càng cao. Có thể nói, cuộc thi thành công một phần cũng nhờ lựa chọn chính xác hình thức tổ chức.

- Là họa sĩ minh họa giàu kinh nghiệm, thường xuyên làm việc với các họa sĩ trẻ, giờ đây trong vai trò giám khảo, theo chị, Vẽ cùng thơ đã quy tụ được lực lượng các họa sĩ trẻ tài năng hiện nay chưa?

- Có thể nói, Vẽ cùng thơ chạm được 2 điểm mấu chốt. Các họa sĩ trẻ tài năng ở Việt Nam khá đông, được giới làm nghề thế giới đánh giá cao về năng lực và sự phát triển trong những năm gần đây. Thế nhưng ngoài các hoạt động trong nội bộ cộng đồng minh họa, các bạn vẫn chưa được xã hội chú ý và nhìn nhận đúng mức. Cuộc thi này chính là một cánh cửa, một cơ hội để các bạn “lộ sáng”.

Điểm thứ hai, niềm yêu thích với văn chương trong giới trẻ chưa bao giờ mất đi, nhưng bị chìm khuất dưới nhiều loại hình nghệ thuật khác. Qua cuộc thi, tình yêu thơ trong giới mỹ thuật trẻ được đánh thức.

Cộng hưởng sức mạnh của mạng xã hội, cuộc thi đã quy tụ được hầu hết bạn trẻ có khả năng về hội họa và yêu thích lĩnh vực minh họa ở khắp mọi nơi, trong đó có không ít các họa sĩ bắt đầu có tên tuổi trong nước và quốc tế.

- Chị đánh giá thế nào về chất lượng tác phẩm dự thi?

- Khi đưa ra ngân hàng thơ với các bài thơ và đoạn thơ để các bạn tự chọn minh họa, thực sự ban tổ chức đã khá lo.

Không biết các bạn trẻ thế hệ 9x cảm thụ những vần thơ cổ điển của Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan như thế nào, các bạn sẽ thể hiện tinh thần của các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Xuân Quỳnh bằng hình ảnh và màu sắc ra sao, có độ thấu hiểu và đồng cảm với các bạn làm thơ trẻ hiện nay như Đàm Huy Đông, Sâm Cầm hay không…

Thế nhưng khi nhận tranh gửi về, chúng tôi đã có thể yên tâm. Các bạn trẻ cảm thơ rất tốt, có nhiều khám phá bất ngờ về hình ảnh, trình độ vẽ đáp ứng nhiều mức độ khác nhau, đa dạng về phong cách và hình thức thể hiện. Thế nên nhìn chung, ngay từ vòng sơ khảo, mặt bằng tiêu chuẩn chọn tranh đặt ra khá cao và càng cao hơn nữa khi vào các vòng trong.

Tôi rất vui khi cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của các bạn họa sĩ chuyên nghiệp, những sinh viên chuyên ngành được đào tạo bài bản, những người đã từng thực hiện nhiều dự án minh họa trong và ngoài nước trước đó.

Chắc chắn với các bạn thí sinh này, chất lượng tác phẩm vượt trội, đưa mặt bằng chung của tác phẩm lên cao. Nhưng quý hơn cả, qua cuộc thi, chúng tôi tìm được những tên tuổi hoàn toàn mới, thực sự tài năng và có nhiều triển vọng trong lĩnh vực này.

Minh chứng cụ thể là trong số các họa sĩ được giải, có bạn chỉ mới bắt tay vào làm minh họa chưa lâu nhưng tác phẩm rất thuyết phục. Đây là điều bất ngờ lý thú cho ban giám khảo.

hoa si Khoa Le noi ve minh hoa sach anh 2
Cuốn artbook 5 Mùa vừa ra mắt độc giả.

- 108 bức tranh đi cùng 108 khổ thơ/đoạn thơ chọn lọc sau cuộc thi đã làm nên cuốn artbook "5 Mùa". Cầm quyển sách trên tay, người đọc không nghĩ đây là tranh minh họa cho thơ, mà thực sự là cộng hưởng, là giao cảm giữa thơ và họa. Chị nghĩ cuốn sách sẽ ghi điểm được với đối tượng độc giả nào?

- Mỹ cảm luôn là điều được khao khát và trân trọng, dù cảm quan thời đại hay góc nhìn thế hệ có khác nhau. Thơ hay và tranh đẹp không giới hạn độ tuổi người thưởng thức cũng như không có lằn ranh giữa các nhóm đối tượng độc giả.

Tôi tin rằng, một độc giả lớn tuổi thuộc lòng các câu thơ trong 5 Mùa vẫn sẽ ngạc nhiên và hứng thú khi ngắm nhìn các tác phẩm minh họa được chọn in. Với các bạn trẻ, từ hứng thú đồng cảm với tranh, sẽ càng thêm yêu quý và hiểu sâu hơn các câu thơ bất hủ.

Làm việc ở nhà xuất bản phục vụ đối tượng bạn đọc trẻ, tôi tin đây là một cuốn artbook đúng nghĩa, đáp ứng nhu cầu sở hữu và sưu tập những quyển sách giá trị, hay về nội dung đẹp về hình thức, của các bạn trẻ hiện nay.

- Tiên phong với thể loại artbook, nhiều tác phẩm được các nhà xuất bản nước ngoài mua bản quyền xuất bản như "Bài hát ru các vì sao", "Gấu Bắc Cực cô đơn" hay "Những nàng công chúa bí ẩn" - xuất bản tiếng Pháp và Ý, theo chị, giữa artbook thơ và và artbook văn xuôi, cái nào “làm khó” họa sĩ hơn?

- Minh họa thơ đòi hỏi khả năng cảm thụ thơ sâu sắc. Đặc biệt, họa sĩ phải nắm bắt được ý và tứ, hiểu thấu cái "hồn" của câu thơ để vẽ, để tả.

Họa sĩ tự đặt cho mình mục tiêu để bản thân bức tranh trở thành một phiên bản mở rộng của bài thơ, gợi cảm xúc và những suy tưởng mới, thay vì chỉ làm nhiệm vụ giải thích ý nghĩa bài thơ, câu thơ mà độc giả đã nằm lòng.

Điểm thuận lợi của minh họa thơ nằm ở chỗ những hình ảnh được vẽ chính là cảm nhận và sáng tạo hoàn toàn của riêng họa sĩ, không có sự ràng buộc, giới hạn.

Trong khi đó minh họa truyện đòi hỏi người vẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung, cốt truyện và cả ý tứ để có thể diễn đạt đúng ý đồ của người viết, đạt đến độ chính xác, làm rõ ý tưởng cuối cùng của sản phẩm văn học.

Do đó, có thể nói, công việc minh họa artbook thơ và và artbook truyện đều có những đặc thù riêng, những khó khăn riêng, và tất nhiên, đó cũng là những thách thức thú vị riêng dành cho người làm minh họa.

hoa si Khoa Le noi ve minh hoa sach anh 3
Câu chuyện về chiếc lá diêu bông trong bài thơ nổi tiếng của Hoàng Cầm dưới nét vẽ của họa sĩ trẻ Noh.A.

 

- Khi đặt vấn đề làm những artbook thơ như "5 Mùa", nhiều người viết dè dặt e ngại, rằng kinh phí để chi trả họa sĩ và đầu tư công nghệ in ấn đáp ứng tiêu chí thẩm mỹ khá cao. Chị có nghĩ đây là con đường dài cho thơ và họa không?

- Một khi xác định phải làm được một ấn phẩm giá trị cả về nội dung và hình thức, hay nói ngắn gọn là làm sách nghệ thuật, tôi nghĩ vấn đề đầu tư kinh phí là chuyện tất yếu. Không thể có sách đẹp nếu tiền bạc eo hẹp.

Hiện nay, việc đọc và sở hữu sách của giới trẻ, nhất là ở các đô thị, có những nhu cầu mới. Tiêu chí đẹp và độc đáo ngày càng trở nên quan trọng, quyết định việc chọn sách.

Nhiều người than phiền sách đẹp thì giá cao, nhưng nếu so với chi phí cho các hoạt động giải trí thông thường khác như xem phim, xem kịch, giá của các artbook vẫn nằm trong mức dễ dàng tiếp cận. Chưa kể, artbook thuộc nhóm sản phẩm càng để lâu càng có giá trị.

Bên cạnh cách thức xuất bản truyền thống, còn có nhiều hình thức tạo kinh phí để có thể đưa một quyển sách đến với bạn đọc. Hiện nay, trên mạng, các dự án xã hội hóa, góp sức từ cộng đồng để xuất bản sách - hình thức crowdfunding (quyên góp, kêu gọi hỗ trợ kinh phí để in sách, bán sách trước khi xuất bản) là một dẫn chứng sống động - đã và đang hoạt động khá hiệu quả. Với những artbook cần đầu tư lớn, theo tôi, hình thức này cũng là một phương án khả thi.

- Và như vậy, theo chị cơ hội cho artbook phát triển ở thị trường sách Việt Nam trong những năm tới là có cơ sở không?

- Không phải hy vọng, mà chính xác sẽ là như thế. Thị trường sách Việt không chỉ mở rộng, mà còn có những bước phát triển và thay đổi rất nhanh những năm gần đây.

Với sự lớn mạnh của đội ngũ họa sĩ minh họa, sự yêu mến và ủng hộ của độc giả dành cho artbook, cũng như sự quan tâm và mạnh dạn đầu tư của các nhà xuất bản, tôi tin rằng trong thời gian tới, những ấn phẩm đẹp và giá trị như 5 Mùa sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn, đến với độc giả ở khắp mọi nơi.

Khi thơ - họa hòa quyện và thăng hoa

Với 104 bức tranh song hành cùng 104 trích đoạn thơ, cuốn artbook "5 Mùa" đem đến những cảm xúc mới lạ và thú vị về cuộc giao hòa của thơ và họa.

Lê Như Thanh

Bạn có thể quan tâm