Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đời sống giữa bụi bặm, đá vụn của nghệ sĩ kiệt xuất

Michelangelo dùng những công cụ khác nhau để "thổi hồn" vào khối đá khổng lồ. Hàng ngày, ông sống giữa bụi, đá vụn để tạo tác tượng "David".

Đục đẽo một cột đá dựng đứng cao gấp ba lần chiều cao trung bình của một người đặt ra những vấn đề hậu cần đặc biệt.

Khối đá khổng lồ đã được Operai del Duomo dựng thẳng đứng trước lần xét duyệt đầu tiên của họ, nhưng trước khi ông có thể bắt đầu làm việc, một giàn giáo cần được dựng lên để nghệ sĩ có thể dễ dàng chạm tới tất cả các bộ phận của cột đá.

Michelangelo bắt đầu phạt mảng khối đá bằng subbia (cái đục), một dụng cụ nặng, có đầu nhọn bằng kim loại dùng để đẽo thô những mảng chính, trước khi sử dụng loại lưỡi dẹp ngắn hơn gọi là calcanguolo. Cho tới khi ông dùng đến gardina, mũi đục có răng cưa đã để lại những dấu vết rõ ràng trên nhiều tác phẩm điêu khắc dang dở của Michelangelo, hình khối cơ bản của bức tượng đã xuất hiện từ ma trận xung quanh như một thân người nổi lên từ bồn tắm.

Chính bằng công cụ gradina bức tượng dần dần được thổi hồn, khi cơ và gân, mấu xương, và da thịt mềm mại được định hình bởi sự ve vuốt của mũi đục kim loại dưới bàn tay sử dụng điêu luyện.

Trong trường hợp tượng David - và trong mọi trường hợp khi ông có thể thực sự hoàn thành công việc - các hình khối sẽ được tinh chỉnh hơn nữa bằng các giũa tròn và giũa phẳng, trước khi đi đến bước đánh bóng cuối cùng bằng đá bọt.

Đó, như lời Leonardo lịch lãm, là một công việc nhếch nhác, “một bài tập rất máy móc, khiến mồ hôi đổ ra trộn với bụi biến thành bùn... và nơi ăn ở của [nhà điêu khắc] thì bẩn thỉu và đầy bụi bặm cùng đá vụn”.

Thêm vào những khó khăn thường thấy khi đục đẽo một tác phẩm điêu khắc hoành tráng như vậy, Michelangelo còn phải phát lộ kiệt tác của mình từ một khối đá đã hư hại.

Vasari, trước hết, đã nhấn mạnh thảm trạng của cột đá nhằm làm nổi bật sự kỳ diệu trong thành tựu Michelangelo đạt được, mặc dù uy tín của nhà viết tiểu sử bị hạ thấp do việc gán nhầm nỗ lực cẩu thả ban đầu cho Maestro Simone da Fiesole, thay vì Agostino di Duccio. Ghi chép của Condivi súc tích hơn. Ông chỉ đơn giản ghi chú rằng nghệ sĩ trước đó “không khéo léo như mong đợi”.

Tuong David anh 1

Hình ảnh Michelangelo đang sáng tạo trong bộ phim Michelangelo Infinito. Ảnh: arte.sky.

Bỏ qua những sự cường điệu của Vasari, rõ ràng Michelangelo đã phải đối mặt với những điều kiện không mấy lý tưởng. Chính các Operai cũng lưu ý rằng khối đá đã bị "niêm phong một cách tệ hại" và ngay cả khi việc đó đã được hoàn thiện một cách tốt nhất, thì Michelangelo vẫn sẽ buộc phải tạc ra hình khối của riêng ông theo những đường viền vốn được đục đẽo cho một tạo hình rất khác.

Các nhà chức trách nhận ra những trở ngại mà ông phải đối mặt, và trước khi mời nhà điêu khắc trẻ ký hợp đồng họ đã yêu cầu ông làm một phác thảo cỡ nhỏ bằng sáp cho thấy ý tưởng của ông sẽ được thành hình ra sao.

Trên thực tế, với tất cả vẻ đẹp của bức tượng, David vẫn bộc lộ một số hạn chế bị gò bó bởi các chiều kích khác thường của khối cẩm thạch thô ráp, đặc biệt là trong không gian hạn hẹp mà Michelangelo phải ép khuôn người anh hùng khổng lồ của ông.

Michelangelo làm việc thần tốc như thường lệ và vào tháng 2/1502, công việc tiến triển đến mức các nhà chức trách của Phường Len đã đồng ý ứng trước cho ông 400 đồng florin vàng, số tiền lớn hơn rất nhiều so với thù lao được hứa ban đầu.

Lẽ ra ông có thể hoàn thiện bức tượng sớm hơn nhưng 6 tháng sau đó công việc bị đình trệ khi Michelangelo lại nhận một dự án khác - để thực hiện một bức tượng David bằng đồng có kích thước người thực cho nhân vật có nhiều kết nối chính trị Pierre de Rohani, còn gọi là Maréchal de Gié (Thống chế Gié).

Lần này vấn đề không phải là Michelangelo lẩn tránh trách nhiệm của mình; thực tế, ông thể hiện thái độ dửng dưng rất rõ ràng trước đơn đặt hàng mới vốn quá tầm thường so với tượng đài David mà ông đang điêu khắc và còn yêu cầu ông làm việc với chất liệu đồng vốn không hợp với ông.

Hợp đồng này thực chất do Dieci di Balia (hội đồng 10 người nắm quyền lực chiến tranh) của Florence ép buộc ông làm nhằm duy trì mối giao hảo với thống chế người Pháp, một trong những nhân vật quan trọng nhất của triều đình Vua Louis, thế lực bảo trợ ngoại quốc quan trọng nhất của Florence.

Vị thống chế đã ấp ủ đơn đặt hàng này kể từ năm 1494 khi, trong chuyến đồng hành cùng chủ nhân của mình, Vua Charles, ông ta đã lưu lại Cung điện Medici vào thời gian Pháp chiếm đóng thành phố. Suốt những tuần đó ông đã say đắm bức tượng David bằng đồng của Donatello được đặt trong sân lâu đài.

Tám năm sau, khi nhớ về tác phẩm điêu khắc thanh tú này, ông đã viết cho hội đồng Deici thể hiện khát vọng mãnh liệt muốn sở hữu một phiên bản của tác phẩm nổi tiếng đó trong bộ sưu tập của mình. Trước tầm quan trọng của việc phải giữ được thiện chí của người Pháp cho sự tồn vong của nền Cộng hòa, Michelangelo buộc phải tuân theo yêu cầu cấp bách của nhà cầm quyền.

Sự kiện này một lần nữa cho thấy mối quan hệ sống còn giữa nghệ thuật và chính trị ở Italy trong thế kỷ XVI. Đặc biệt ở Florence, nơi văn hóa phát triển rực rỡ bao nhiêu thì quân sự lại nhu nhược bấy nhiêu, nghệ thuật là một công cụ ngoại giao và quản lý nhà nước đầy quyền lực.

Các chính trị gia và chính phủ do họ dẫn dắt chỉ đứng thứ hai sau các Hoàng tử của Giáo hội với vai trò là các mạnh thường quân của những đơn đặt hàng tác phẩm cỡ lớn khiến Michelangelo kích động, và ông cần tránh làm phật lòng những người cai trị thị quốc.

Miles J. Unger / NXB Dân trí liên kết Omega Plus

SÁCH HAY