Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lời khuyên cho 8 công ty khổng lồ trong năm 2014

Nên giữ mồm miệng của CEO, trả lương cao hơn, bớt thổi phồng sản phẩm… là những lời khuyên cho các công ty lớn trong năm 2014.

1. Wal-Mart: Trả lương cao hơn 

Năm 2013, Wal-Mart là trung tâm của cuộc tranh luận về việc tăng mức lương tối thiểu liên bang từ 7,25 USD một giờ lên 15 USD. Kể từ năm 2009, chính phủ đã không nâng mức sàn lương và nhiều nhân viên nhận mức lương tối thiểu phải sống dưới mức nghèo đói. Là nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất tại Mỹ, chuỗi bán lẻ khổng lồ này sử dụng 1,3 triệu lao động Mỹ và rất nhiều trong số đó có mức lương dưới 25.000 USD một năm. Lời khuyên các nhà phân tích của Fortune dành cho Wal-Mart là nên trả lương cho người lao động cao hơn.

2. Abercrombie & Fitch: Giữ mồm miệng CEO Mike Jeffries 

Sau một năm đầy rẫy những bê bối liên quan tới các bình luận phân biệt đối xử khách hàng lớn và nhỏ, CEO Mike Jeffries vẫn giữ vị trí đứng đầu của Abercrombie & Fitch. Dù các nhà đầu tư muốn Mike từ chức nhưng hãng này vẫn quyết định để ông nắm quyền và chấp nhận rủi ro có thể xảy ra từ những pha xẩy miệng của ông. Lời khuyên dành cho Abercrombie & Fitch là nên giữ mồm miệng của vị CEO lắm tài nhiều tật này.

3. Apple: Bớt cường điệu về sản phẩm 

Các chuyên gia phân tích của Fortune cho rằng Apple nên bỏ bớt phong cách dùng từ phóng đại và thổi phồng của hãng có từ thời Steve Jobs. Trong thông cáo báo chí mới đây nhất, Apple mô tả sản phẩm của mình: mạnh mẽ, ngoài sức tưởng tượng, sáng tạo, đột phá…  Mặc dù không thể phủ nhận sự tuyệt vời của các sản phẩm Apple nhưng việc thổi phồng bằng những từ ngữ như vậy là không cần thiết.

4.  J.C. Penney: Quay lại với những điều cơ bản

Chuỗi bán lẻ J.C. Penney trải qua năm 2013 mà không có thành công nào đáng ghi nhận. Năm 2012, cự lãnh đạo Apple Ron Johnson lên giữ vị trí CEO của J.C. Penney và ra sức thay đổi hoàn toàn thương hiệu này. Không may, những cố gắng này đã phản tác dụng và khiến hãng mất đi nhiều khách hàng trung thành. Sang năm 2014, lời khuyên dành cho J.C. Penney là nên quay về những điều cơ bản và lấy lại niềm tin đã mất của khách hàng.

5. Twitter: Đừng khiến người dùng nghẹt thở với quá nhiều quảng cáo

Sau đợt chào cổ phiếu lần đầu thành công lớn, các nhà đầu tư của Twitter bắt đầu lo lắng về việc kiếm lợi nhuận từ mạng xã hội nổi tiếng này. Các quảng cáo dưới dạng các tweets khuyến khích sẽ là nhân tố chính trong chiến lược kinh doanh của Twitter. Nhưng mạng xã hội này vẫn đang phải vật lộn để chuyển một phần lớn người sử dụng đã đóng tài khoản mở lại trang của họ. Để làm được những điều này, Twitter không nên khiến người dùng thấy nghẹt thở với quá nhiều quảng cáo.

6. Lululemon: Bảo vệ khách hàng

Năm 2013, hãng thời trang thể thao Lululemon gặp nhiều rắc rối với loại quần yoga khiến khách hàng không chỉ nghi ngờ chất lượng của những sản phẩm đắt đỏ của hãng. Không chỉ vậy, những bình luận thiếu tế nhị liên quan tới loại quần này của nhà sáng lập Chip Wilson khiến nhiều khách hàng phẫn nộ. Nhiều người cho rằng Wilson đang đổ lỗi cho người sử dụng thay vì xem xét lại chất lượng sản phẩm. Lời khuyên dành cho hãng thời trang thể thao này là nên đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu thay vì đổ lỗi cho cơ thể họ không phù hợp với sản phẩm của công ty.

7. Coca-Cola: Từ bỏ soda 

2013 chính là năm khẳng định cho mối e ngại của khách hàng Coca-Cola về việc Soda (thậm chí là soda ăn kiêng) của hãng không hề tốt cho sức khỏe của họ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chất làm ngọt nhân tạo trong soda có thể tác động tiêu cực sự trao đổi chất của cơ thể và khiến tăng cân. Gần 60% doanh số của Coca-Cola tại Mỹ là từ soda nhưng điều này có thể không kéo dài được lâu khi doanh số đang có xu hướng giảm tại nước này. Tháng 12/2013, chủ tịch Coca-Cola quyết định từ chức. Năm 2014, đội ngũ lãnh đạo mới của công ty nên dành nhiều thời gian để tạo ra những sản phẩm mới khi khách hàng đang ngày càng có ý thức về sức khỏe. 

8. Google: Tiếp tục quảng bá kính mắt Google Glass

Google Glass là một trong những cải tiến công nghệ nổi bật nhất trong năm 2013 và nhiều người đang háo hức được thử sản phẩm này trong năm 2014. Google đang cố gắng giới thiệu tới khách hàng về tính năng của công nghệ này. Nhưng nhiều người vẫn tỏ ra e ngại về thiết bị này do những vấn đề liên quan tới tính riêng tư. Họ vẫn nhận thức về sản phẩm này như một hình thức giám sát khi nó luôn ghi lại mọi thứ quanh mình.  Sự thật là Google Glass không khác biệt nhiều so với điện thoại thông minh và Google cần phải giúp cho mọi người hiểu về điều này.

Hoài Thu

CNN

Bạn có thể quan tâm